Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Phân luồng đào tạo nghề để tránh tình trạng "Thừa thầy - Thiếu thợ"

23:44, 29/04/2016

Theo thống kê của Bộ LĐ - TB&XH, với quy mô đào tạo đại học khoảng 400.000 người/năm, Việt Nam thường xuyên có khoảng 170.000 nhân lực tốt nghiệp đại học, sau đại học không có việc làm, riêng ở Nghệ An con số này là khoảng 5000 người. Tại các trường trung cấp nghề, số Thạc sĩ, Cử nhân theo học ngày càng đông. Quá trình "liên thông ngược" này cho thấy một sự lãng phí rất lớn trong đào tạo ĐH hiện nay.

Sau 3 năm học THPT là học sinh giỏi cấp trường, em Thái Thị Ngọc Trâm đã thi đậu thủ khoa ngành Việt Nam học của Trường Đại học Vinh, nhưng đứng trước áp lực của việc “phổ cập đại học” khiến hàng ngàn cử nhân ra trường thất nghiệp, Trâm đã quyết định từ bỏ việc theo đuổi tấm bằng đại để quay sang học nghề tại Trường CĐ nghề du lịch thương mại. Theo em với việc học nghề chế biến món ăn tại đây, ra trường em sẽ có tấm bằng nghề chuẩn Asian giúp cho bản thân có nhiều cơ hội hơn trong việc tìm kiếm việc làm.

Lý giải về quyết định này, bạn Trâm cho biết: Thực tế trong xã hội hiện nay, Đại học không phải là con đường thành công duy nhất hiện nay. Gia đình, bạn bè đã cho em lời khuyên và cùng với đam mê của mình em đã quyết định chọn học nghề.

Ngọc Trâm (giữa) từng đỗ Thủ khoa ngành Việt Nam học Trường Đại học Vinh bỏ ngang tấm bằng Cử nhân để theo học nghề.

Ngọc Trâm (giữa) từng đỗ Thủ khoa ngành Việt Nam học Trường Đại học Vinh bỏ ngang tấm bằng Cử nhân để theo học nghề.

Một thực tế hiện nay đó là tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp ĐH trở về địa phương tìm được việc làm đúng chuyên ngành được đào tạo là rất thấp, đặc biệt là đối với các em ở các huyện vùng xa trung tâm. Với mong muốn học đại học để tìm được việc làm ổn định thoát khỏi cảnh bần nông, nhưng ra trường lại thất nghiệp, nhiều em còn phải gánh một khoản nợ ngân hàng lớn.

Giống như trường hợp của banh Kha Văn Khai trú tại bản Chôm Lôm, xã Lạng Khê, huyện Con Cuông. Anh Khai cho biết: Ra trường, cầm tấm bằng trên tay nhưng không thể xin việc khiến tôi cảm thấy rất buồn, đôi lúc cảm thấy tủi. Sau khi đi học về tôi đã làm rất nhiều công việc phổ thông và hiện tại chủ yếu tập trung làm nông để góp tiền trả phần nợ trước đó vay mượn để đi học.

Nghệ An là một địa phương có truyền thống hiếu học, thế nhưng với con số gần 5.000 cử nhân đang thất nghiệp, 10.000 người đã tốt nghiệp Cử nhân, Thạc sĩ đang thiếu việc làm, chấp nhận làm trái ngành, nghề để trang trải cuộc sống và con số cử nhân thất nghiệp đang tăng lên từng năm. Nhiều em trong số đó đã phải đi học nghề hoặc làm thuê. Lý giải cho thực trạng này là do sự đào tạo ồ ạt với nhiều hình thức nhằm đáp ứng nhu cầu phổ cập đại học ở rất nhiều trường Đại học, Cao đẳng hiện nay. Chính điều này đã đặt ra sự bức thiết trong việc phân luồng đào tạo nghề cho các em sau khi tốt nghiệp THPT.

Nhận định của Tiến Sĩ Đậu Chính Nghĩa - Phó hiệu trưởng Trường CĐ Nghề du lịch thương mại Nghệ An trước thực trạng này: Trong gần 5 năm qua, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp Cao đẳng trở lên quay trở lại học nghề khoảng 0,5 – 1,5%. Các ngành nghề đào tạo của trường chúng tôi đặc thù gắn với giải quyết việc làm, do vậy có khoảng 85% học sinh tốt nghiệp có việc làm theo đào tạo. 

Ông Nguyễn Trọng Hoàn - Phó Chánh văn phòng Sở GD-ĐT Nghệ An.

Ông Nguyễn Trọng Hoàn - Phó Chánh văn phòng Sở GD-ĐT Nghệ An.

Đại diện Sở Giáo dục – Đào tạo, Phó chánh văn phòng Nguyễn Trọng Hoàn chia sẻ thêm: Đến thời điểm này riêng ở khối học sinh THPT có khoảng trên dưới 12.000 học sinh chỉ đăng ký xét tuyển tốt nghiệp chứ không đăng ký vào các trường Đại học, chiếm tỷ lệ gần 40%. Con số này cho thấy công tác giáo dục Nghệ An đã làm tốt công tác hướng nghiệp về dạy nghề, phân luồng cho các em. Chúng tôi nghĩ rằng vấn đề này mỗi phụ huynh, học sinh phải hiểu được con đường thành công của các em không chỉ có duy nhất con đường vào Đại học. Bởi nếu sau khi ra trường các em không đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng, không thể thi vào các trường Top trên sẽ gây lãng phí cho Nhà nước, gia đình và lãng phí quãng thời gian các em học tập.

Theo tính toán chi phí cho một người học ĐH bình thường không dưới 100 triệu đồng, bao gồm học phí và các chi phí khác. Bốn năm đèn sách ra trường thất nghiệp rồi lại tiếp tục học một nghề để mưu sinh là sự lãng phí rất lớn cho gia đình và xã hội. Việc chỉ đạo công tác tuyển sinh phù hợp ở các trường Đại học, định hướng và phân luồng đào tạo ngay từ bậc THPT là yêu cầu cấp thiết của ngành giáo dục và các ban ngành liên quan để tránh tình trạng thừa thầy, thiếu thợ như hiện nay./.

(Bùi Thọ)