Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Ngành Chè Nghệ An trước vận hội mới

10:08, 25/11/2015

Nghệ An là một trong 3 vùng sản xuất chè trọng điểm của Việt Nam, các sản phẩm từ Chè Nghệ An cũng đã và đang tiếp cận gần hơn tới các thị trường khó tính như Nhật Bản, Mỹ, EU… Khi Việt Nam hoàn tất Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ mở ra cơ hội cũng như thách thức cho nhiều ngành nghề, trong đó có ngành Chè. Vậy ngành Chè Nghệ An sẽ làm gì để nắm bắt cơ hội và biến thách thức thành lợi thế để đưa sản phẩm Chè cạnh tranh trên thị trường thế giới.

Ảnh minh hoạ
Hiệp định TPP sẽ mở ra cơ hội cũng như thách thức cho nhiều ngành nghề, trong đó có ngành Chè

Chỉ với diện tích 1 ha chè kinh doanh được trồng từ năm 2002, gia đình anh Nguyễn Duy Khai – Thôn 2 – Xí Nghiệp Chè Ngọc Lâm – Thanh Chương có thể thu hoạch 25-30 tấn búp chè tươi, mang lại giá trị kinh tế từ 90 – 100 triệu Đồng mỗi năm. Lợi thế về điều kiện đất đai, thổ nhưỡng, là cơ sở để những người trồng chè yên tâm sản xuất. Anh Khai nói: Vùng đất này phù hợp với cây Chè, chuyên trồng chè, từ trước đên nay nhờ có sự quan tâm của nhà nước đến cây chè thì cây chè mang lại hiệu quả đời sống cho người dân cũng tạm ổn. Tôi là người trực tiếp SX chè thì cũng mong muốn nhà nước hội nhập TPP để người trồng chè đời sống khá giả hơn.

Hiện nay, toàn tỉnh Nghệ An có gần 8.000ha chè kinh doanh tập trung ở 6 huyện là Thanh Chương, Anh Sơn, Con Cuông, Kỳ Sơn, Quỳ Hợp và Tương Dương. Năng suất bình quân đạt 115 tạ/ha, sản lượng búp tươi là 156.000 tấn, tương đương với 31.200 tấn búp khô. Sản phẩm chè đã qua chế biến chủ yếu là chè CTC (Chè Đen) và chè xanh. Trong đó, sản phẩm chè khô Nghệ An xuất khẩu đạt giá trị 10 triệu USD/ năm.

Ngoài lợi thế về khả năng mở rộng vùng nguyên liệu tập trung, có hệ thống cơ sở hạ tầng, giao thông tương đối đồng bộ thì mô hình sản xuất gắn chế biến và tiêu thụ đã đáp ứng nhu cầu thị trường về chất lượng cũng như sản lượng Chè. Tuy nhiên, do thiếu chặt chẽ trong việc quản lý vùng nguyên liệu nên mối liên kết Sản xuất - Chế biến - xuất khẩu cũng đang là thách thức đối với ngành chè Nghệ An. Ông Nguyễn Bá Trị - GĐ Xí nghiệp Chè Ngọc Lâm – Thanh Chương cho rằng: Không những ngành chè mà tất cả các ngành liên quan đến nông sản XK, để bền vững cần làm tốt mối liên kết giữa nhà sản xuất NN và nhà chế biến. NN liên quan đến nông dân, làm người dân yên tâm hợp đồng với các nhà máy xuất khẩu để yên tâm sản xuất.

Hiện nay, sản lượng chè chúng ta xuất khẩu sang các nước thuộc TPP chỉ mới đạt 10-12% tổng sản lượng xuất khẩu cả nước. Không chỉ vậy, hầu hết các nước tham gia TPP đều nhập khẩu chè, chỉ Việt Nam là nước có khả năng xuất khẩu chè. Điều đó sẽ là cơ hội cho để VN mở rộng thị trường, tăng kim ngạch xuất khẩu. Cơ hội thường đi kèm với thách thức, và thách thức đối với ngành Chè Việt Nam nói chung và Chè Nghệ An nói riêng khi tham gia thị trường tiềm năng này chính là yêu cầu về chất lượng, các khâu kiểm định vệ sinh an toàn thực phẩm khắt khe hơn so với các thị trường khác. Vì thế, để nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu của các thị trường “khó tính” như Mỹ, Nhật Bản, các nước EU thì cần có sự thay đổi mang tính chất bền vững về phương thức sản xuất, công nghệ chế biến và hình thức xuất khẩu trong chuỗi liên kết Sản xuất- Chế Biến- Xuất khẩu.

Ông Hồ Viết An – TGĐ Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển Chè Nghệ An cho biết: Mô hình hiện nay chúng ta đang có là có vườn chè, có nhà máy và có thương mại xuất khẩu, như thế chúng ta có thể gắn 3 khâu giữa SXNN, CN Chế biến, thương mại XK vào tập trung chỉ đạo; Đảm bảo yêu cầu cân đối đáp ứng của thị trường về chất lượng và sản lượng, tính linh hoạt cả hệ thống. Đáp ứng được yêu cầu trong mở rộng thị trường.

Ông Nguyễn Văn Lập – PGĐ Sở NN&PTNT tỉnh nhấn mạnh: Hiện tại, trong đề án cây con chủ lực của  tỉnh thì có 12 cây con chủ lực, tuy nhiên. cũng cần rà soát trọng tâm vào cây trọng tâm sau khi gia nhập TPP, cụ thể ngoài cây cam thì sở cũng tham mưu tỉnh điều chỉnh lại cây chè, cây cao su…

Ngành Chè Nghệ An khi tham gia TPP được nhận định là cơ hội nhiều hơn thách thức. Thế nhưng, những thách thức nếu không giải quyết sớm và dứt điểm thì sẽ trở thành lực cản trong quá trình hội nhập. Khi TPP có hiệu lực thì việc  trước tiên cần làm đó củng cố chuỗi liên kết, phát triển quy trình sản xuất Chè sạch đảm bảo an toàn thực phẩm, tiếp đó là xây dựng và từng bước khẳng định thương hiệu Chè Nghệ An trên thị trường.

(Phương Thảo)