Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Người trồng cây cao su ở Thái Hòa "điêu đứng" sau bão

17:36, 19/07/2017

Những năm gần đây, giá mủ cao su liên tục xuống thấp đã  làm cho người trồng cao su ở Thái Hòa lâm vào cảnh điêu đứng. Sau cơn bão số 2,  các hộ trồng cao su ở Thái Hòa lại càng khó khăn hơn khi 20.000 cây cao su kinh doanh bị gãy, ước tính thiệt hại lên đến 9 tỷ đồng.

Gia đình  bà Nguyễn Thị Hòe - Đội cao su Nghĩa Xuân, nông trường Tây Hiếu I có 1,6 ha cây cao su là nguồn thu nhập chính của cả gia đình. Tuy nhiên, cơn bão số 2 đi qua đã làm trên 100 cây cao su bị gãy.

Bà Nguyễn Thị Hòe chia sẻ trong nước mắt: “Tiền bảo hiểm, tiền chi tiêu cuộc sống nhìn vào đây cả, giờ cây đổ, cây gãy thế này không biết nhìn vào đâu để mà nộp bảo hiểm. Cây trồng phải 7 – 8 năm mới cho thu hoạch.”

a
Trồng một cây cao su phải mất 7 - 8 năm mới bắt đầu được khai thác.

Những ngày này, tại các lô cao su ở Thái Hòa, các hộ dân đang tập trung nhân lực để thu dọn cây đổ gãy do ảnh hưởng của cơn bão số 2. Nhiều hộ bị thiệt hại lớn sau cơn bão số 2 bởi phần lớn diện tích cao su bị đổ gãy đang trong thời kỳ khai thác mủ.

Ông Nguyễn Xuân Đương  - Đội cao su Nghĩa Xuân, Nông trường Tây Hiếu I buồn bã chia sẻ: “Giá mủ vốn đã xuống thấp giờ mưa bão lại làm gãy đổ hết thế này người trồng chúng tôi vô cùng khó khăn. Mong muốn các cấp có chính sách hỗ trợ.”

Ngoài diện tích bị gãy đổ thì 100% diện tích cây cao su trên địa bàn Thái Hòa cũng rơi vào tình trạng long gốc hay tước cành. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến sản lượng mủ ở các vụ tiếp theo.

Chị Trần Thị Bích Hằng – Đội cao su Hưng Nam, Nông trường Tây Hiếu I chia sẻ thêm: “Năm 2016 bị lốc phải rất lâui mới phục hồi được diện tích cao su. Đến tháng 5, tháng 6,  người trồng chúng tôi vui mừng vô cùng vì sản lượng mũ tăng. Nhưng bão số 2 đi qua chúng tôi gần như mất trắng. Mỗi lần khắc phục hậu quả sau thiên tai phải mất thời gian dài.”

Bão số 2 đi qua khiến người trồng cao su Thái Hòa
Bão số 2 đi qua khiến người trồng cao su Thái Hòa "điêu đứng".

Nói về công tác chỉ đạo khắc phục hậu quả sau bão, ông Hoàng Ngọc Cần – Giám đốc Nông trường Tây Hiếu I cho biết: “Hiện tại chúng tôi cũng đang chỉ đạo cán bộ công nhân viên tập trung thu dọn sau bão để tiếp tục khai thác mủ năm 2017. Tuy nhiên để người dân có thể yên tâm khai thác thì chúng tôi rất cần sự quan tâm hỗ trợ của các cấp.”

Cùng với cà phê, cây cao su là cây trồng chủ lực trên vùng đất đỏ Thái Hòa. Trước thực tế này, người trồng cao su ở Thái Hòa đang rất cần sự giúp đỡ từ nhiều phía.

(Thu Trang – Quang Huy)