Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

BĐBP Nghệ An nỗ lực để giảm tình trạng di dịch cư trái phép

14:18, 28/11/2015

Thời gian gần đây, tình trạng di cư trái phép trong đồng bào người Mông ở địa bàn biên giới tỉnh Nghệ An có chiều hướng gia tăng. Nguyên nhân sâu xa của tình trạng này là do hiểu biết về pháp luật của đồng bào còn hạn chế. Để hạn chế việc di dịch cư tự do, ổn định dân cư trên khu vực biên giới, BĐBP Nghệ An đã phối hợp với các ban, ngành và địa phương tăng cường tuyên truyền, vận động để người dân không di cư trái pháp luật.

Với lý do để đoàn tụ gia đình và anh em dòng họ nên ông Già Chống Tểnh, 53 tuổi, bản Ca Dưới, xã Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn đã bán toàn bộ tài sản, đưa vợ con di cư trái phép sang Lào 2 năm, nay trở về. Nhà không, vườn không, gần 10 miệng ăn phải sống nhờ gia đình người con trai đầu. Từ một gia đình khá giả, sau 2 năm di cư ông trở thành người không có nhà tài sản, nhà cửa. Ông Già Chống Tểnh nói: Cuộc sống ở bên kia cũng khổ, không bằng bên này, bên kia họ chỉ toàn đi thu thôi, có cuộc họp gì cũng đi thu của dân, còn bên này có cuộc họp gì cũng có nhà nước hỗ trợ cả. Bây giờ về nhà làm ăn thôi không đi nữa.

Ngoài lý do đoàn tụ anh em, có nhiều gia đình rời bỏ quê hương vì nghe lời đồn, di cư qua bên kia biên giới đất rộng, người thưa dễ làm ăn. Song, thực tế, bà con phải sống chui lủi. Như trường hợp Già Chống Pó, đã từng là trưởng bản Ca Dưới xã Na Ngoi huyện Kỳ Sơn 3 năm, năm 2014, Pó vượt biên sang Lào bằng hộ chiếu, không như những người khác, khi vượt biên Pó vẫn không bán nhà cửa, mà chỉ để đó sang thăm dò cuộc sống bên Lào, nếu làm ăn được sẽ trở về Việt Nam để bán tài sản. Nhưng sau 6 tháng ở nơi đất khách, Pó gặp không ít khó khăn trong cuộc sống, không có đất để sản xuất, cùng với việc chính quyền Lào tăng cường kiểm tra kiểm soát những người cư trú bất hợp pháp,  Pó đã xin trở về Việt Nam bằng con đường trao trả người di cư. Khi trở về cùng với cơ sở vật chất còn nguyên, Già Chống Pó đã chăm chỉ làm ăn, với đức tính siêng năng, cần cù chịu khó, cùng với sự định hướng của cán bộ đồn BP Na Ngoi với chút vốn còn lại Già Chống Pó mua bò chăn nuôi, khai hoang trồng rau, phát nương làm rẫy, cuộc sống của gia đình dần đi vào ổn định tại quê hương. Anh Già Chống Pó nói: Ở 6 tháng thì vợ con không kiếm được đồng tiền nào cả, trở về Việt Nam làm kinh tế nuôi trâu bò, làm nương làm rẫy, Họ thường nói đi Lào là sướng, nhưng đi Lào khổ hơn  Việt Nam ta, ở ta, nhà nước quan tâm hỗ trợ cho dân, làm nhà cho dân, có đất, tự do nuôi trâu bò, tự do làm ăn không sợ gì cả, đi Lào khổ, chỗ mô cũng của họ, không được tý nào cả.

Theo báo cáo của cơ quan chức năng, từ đầu năm 2015 đến nay, có 23 hộ 113 khẩu di cư, trong đó nhiều nhất vẫn là các xã thuộc địa bàn huyện Kỳ Sơn và huyện Tương Dương. Hầu hết các hộ gia đình di cư khi trở về đều gặp rất nhiều khó khăn do trước khi di cư, các hộ đều bán tài sản, nhà cửa, di chuyển theo đường tiểu ngạch, có một số sử dụng hộ chiếu đi công khai dưới hình thức thăm thân, còn lại vượt biên trái phép. Tình trạng này đã gây những xáo trộn, khó khăn cho công tác quản lý hộ tịch, hộ khẩu, kiểm soát tình hình ANTT biên giới. Đặc biệt, có một số đối tượng lợi dụng việc di cư này để trà trộn thực hiện âm mưu đen tối, vận chuyển trái phép chất ma túy... Trước diễn biến phức tạp của việc di cư tự do, lực lượng BĐBP đã tích cực triển khai các biện pháp, phối hợp với các ban, ngành, lực lượng và các địa phương, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động để người dân không di cư trái pháp luật. Ông Mùa Gio Thái, Phó Bí thư- Chủ tịch HĐND xã Na Ngoi huyện Kỳ Sơn cho biết: 1/3 dân Na Ngoi di cư sang lào, lợi dụng di cư bằng con đường hộ chiếu, đi cả gia đình bán cả nhà cả cửa. Bên Lào anh em cũng đã đi thăm. Đời sống của bà con khổ hơn bên này, bên này có các chủ trương, dự án đầu tư của cấp trên, lợi thế của xã có nhiều nguồn thu chăn nuôi trâu, bò, gừng, giong riềng và nhiều nguồn thu khác, ưng đi người ta đi thôi còn kinh tế bên này phát triển rất chi là mạnh.        

Thiếu hiểu biết về pháp luật của đồng bào vùng sâu vùng xa là nguyên nhân sâu xa của tình trạng di cư trái phép qua bên kia biên giới. Bởi vậy, bên cạnh giúp dân phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giải quyết vấn đề công ăn việc làm, BĐBP Nghệ An đã phối hợp với các cấp các ngành tập trung  tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho bà con các dân tộc vùng biên giới. Làm cho người dân hiểu rằng việc di cư  trái phép qua bên kia biên giới không mang lại cuộc sống ấm no, mà thực tế rất nhiều người đã phải quay trở về tay trắng. Đó là chưa kể nơi đất khách quê người phải sống chui lủi, bệnh tật. Bằng những nỗ lực này, Bộ đội Biên phòng Nghệ An đang góp phần giảm tình trạng di dịch cư tự do, góp phần giữ vững bình yên ở các bản làng, tạo thế trận an ninh vững chắc nơi biên giới.

(Hải Thượng)