Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Đưa áo dài gần hơn với đời sống

09:09, 21/10/2016

Khi giá trị tinh thần của áo dài ngày càng được đề cao thì cũng cần lắm sự hiện hữu nhiều hơn của áo dài trong đời sống.

Trải qua bao thăng trầm của cuộc sống, chiếc áo dài truyền thống vẫn được xem là trang phục đẹp nhất của người phụ nữ Việt Nam. Bởi hiếm có một trang phục nào vừa kín đáo, chuẩn mực lại vừa tôn lên dáng vẻ thướt tha, mềm mại của người phụ nữ. Khi giá trị tinh thần của áo dài ngày càng được đề cao thì cũng cần lắm sự hiện hữu nhiều hơn của áo dài trong đời sống.

Sinh ra ở Hà Nội, từ bé Nghệ sĩ ưu tú Thanh Loan (người nổi tiếng với vai diễn Ni cô Huyền Trang trong phim Biệt động Sài Gòn) đã gắn bó với chiếc áo dài. Trong kí ức của bà, áo dài luôn hiện diện trong mỗi dịp lễ, Tết như một thứ lễ nghi truyền thống.

Áo dài tôn vinh vẻ đẹp người phụ nữ Việt
Áo dài tôn vinh vẻ đẹp người phụ nữ Việt

Đất nước khó khăn, có lúc tưởng chừng người ta quên đi vẻ đẹp của chiếc áo dài. Khi kinh tế phát triển, cuộc sống khá hơn, chiếc áo dài đã trở lại, cùng với đó, phụ nữ cũng có nhiều cơ hội lựa chọn trang phục với váy, đầm và những xu hướng thời trang trên thế giới. Tuy nhiên, với nhiều người phụ nữ đã có tuổi, chiếc áo dài luôn được chọn làm trang phục chính. Bởi với họ, càng mặc áo dài càng thể hiện sự duyên dáng, mặn mà.

Nghệ sĩ ưu tú Thanh Loan cho biết: "Đối với tôi từ xưa đến nay tà áo dài vẫn có một vẻ đẹp vĩnh cửu, không bao giờ thay thế được. Dù trong bất cứ sự kiện nào của gia đình hay của xã hội thì tôi đều mặc áo dài. Người ta bảo áo dài vướng víu nhưng tôi chẳng thấy vướng víu gì đâu, nếu mình tạo thành thói quen. Áo dài Việt Nam đơn giản, tinh tế".

Dù mỗi thời xu hướng thiết kế áo dài mỗi khác, khi thì chít eo phô đường cong, khi thì rộng rãi thoải mái với phom dáng rộng, khi lại dài chấm gót hay ngắn hơn một chút. Dù là cổ cao hay cổ thấp thì áo dài vẫn là trang phục truyền thống của phụ nữ Việt Nam và trở thành một thương hiệu riêng, được bạn bè quốc tế yêu mến.

Nhà nghiên cứu văn hóa Trần Đình Sơn cho biết, thời trang là sự thể hiện giới tính. Sở dĩ đến nay người phụ nữ vẫn thích mặc áo dài là bởi nó tôn vinh giới tính nữ với vẻ tha thướt, dịu dàng, kín đáo. Nếu ngày xưa áo dài thường dành cho các mệnh phụ phu nhân với những chất liệu sang trọng như nhung, gấm thì bây giờ, không phân biệt sang hèn, người phụ nữ nào cũng có quyền mặc và làm đẹp với tà áo dài.

Tuy vậy, trước trào lưu cách tân áo dài hiện nay, theo nhà nghiên cứu văn hóa Trần Đình Sơn, các mẫu thiết kế, bộ sưu tập thời trang đều chưa tạo được bản sắc riêng mà hầu hết giống nhau ở sự ngẫu hứng, tạo thành một nét chung về thời trang là tính hiện đại.

Nhiều người cho rằng nếu như đầu thế kỉ 20, dấu ấn của Hà Nội là áo dài Le mur Cát Tường, sau đó là áo dài Lê Phổ mà sức ảnh hưởng của nó đã lan tỏa cả nước, còn dấu ấn thời trang của Huế là chiếc áo dài 5 thân thì ngày nay, mặc dù các nhà thiết kế sáng tạo ra nhiều bộ sưu tập áo dài mới lạ nhưng vẫn chưa thể hiện rõ rét dấu ấn thời trang và bản sắc vùng miền. Lạm dụng sự cách tân, sáng tạo, không ít nhà thiết kế đã biến chiếc áo dài thành một thứ trang phục chẳng giống ai.

 

Áo dài Việt Nam được nhiều du khách quốc tế yêu mến
Áo dài Việt Nam được nhiều du khách quốc tế yêu mến

Với mong muốn đưa áo dài gần hơn với đời sống, đồng thời quảng bá áo dài đến bạn bè quốc tế thông qua du lịch, ông Cao Tiến Đạt-Phó Giám đốc Công ty du lịch Transviet đã đưa ra một số gợi mở hoàn toàn có thể thực hiện được, chẳng hạn như Hà Nội nên tổ chức không gian đi bộ thành không gian để kêu gọi tất cả học sinh, sinh viên, người dân, du khách trong nước và quốc tế mặc áo dài vào những ngày cuối tuần, những ngày mát mẻ. Như vậy nó sẽ tạo thành một điểm nhấn cho không gian phố đi bộ, tạo thành một cảnh đẹp. Và du khách chắc chắn sẽ rất thích thú, sẽ quay phim, chụp ảnh và quảng bá lại những hình ảnh này trên trang cá nhân của họ. Như vậy sẽ giúp cho việc quảng bá du lịch Việt Nam đến bạn bè quốc tế.

Đã qua rồi cái thời mà áo dài chỉ là hình ảnh ngưỡng vọng trên sân khấu biểu diễn thời trang hay những cuộc thi hoa hậu. Cùng với xu hướng trở lại với những giá trị văn hóa truyền thống, chiếc áo dài ngày càng trở nên gắn bó trong đời sống hàng ngày, không chỉ như một biểu tượng văn hóa bởi sự nâng niu, gìn giữ và trân trọng của  người phụ nữ Việt Nam./.

(Theo VOV)