Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Xã hội hoá thể thao: Phép lạ từ những “cây đũa thần”

15:16, 13/03/2011
Cùng với sự “thay tên đổi họ” của hàng loạt đội bóng đá từ một loạt đơn vị nhà nước sang các Cty, tập đoàn tư nhân..., các môn thể thao khác cũng đang trong tiến trình tách ra khỏi việc chờ đợi đầu tư từ nguồn “sữa” kinh phí nhà nước hạn hẹp.

 

Nhưng làm thế nào để khơi gợi nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân – tập hợp sức mạnh riêng lẻ thành sức mạnh quốc gia với một cộng đồng có phong trào phát triển rộng khắp, có thành tích chuyên nghiệp đỉnh cao – là việc cần có sự chung tay của cả xã hội.

 

Gương sáng Bình Dương

 

Có thể nói những năm gần đây công tác xã hội hoá (XHH) TDTT tại các địa phương được thực hiện, triển khai khá tốt và bước đầu mang lại nhiều kết quả đáng mừng, Bình Dương là một trong những địa phương thực hiện tốt công tác này, đặc biệt tỉnh miền Đông Nam Bộ này hiện sở hữu hàng loạt các giải đấu ở nhiều cấp được tổ chức hàng năm, nhờ việc thực hiện công tác xã hội hoá TDTT.

 

Đầu tiên là giải Bóng đá quốc tế truyền hình Bình Dương (với sự nỗ lực và được đầu tư nghiêm túc của Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Dương, Công ty cổ phần Kinh doanh tổng hợp Bình Dương, nhà tài trợ chính Tập đoàn Tân Hiệp Phát, sự quan tâm của ngành TDTT, giải được LĐBĐ Châu Á đưa vào hệ thống thi đấu chính thức thường niên) được tổ chức đều đặn qua hơn thập kỷ qua với chất lượng chuyên môn cao đã trở thành sân chơi quan trọng cho các CLB trong nước chuẩn bị cho mùa bóng mới.

 

Một pha bóng trong Cúp Truyền hình Bình Dương.
Một pha bóng trong Cúp Truyền hình Bình Dương.

 

Một điểm sáng nữa trong công tác XHH thể thao Bình Dương và là môn thế mạnh là bộ môn quần vợt (QV). Những năm gần đây, Bình Dương đã có hàng loạt các giải đấu trong nước và quốc tế diễn ra tại đây (Giải Quần vợt thanh thiếu niên quốc tế nằm trong hệ thống thi đấu chính thức của LĐQV thế giới; Giải Quần vợt Hữu nghị Việt Nam - Thái Lan; Giải Quần vợt Vô địch quốc gia Việt Nam... ).

 

Không dừng lại ở đó, môn thể hình mang về rất nhiều vinh quang cho thể thao tỉnh Bình Dương nói riêng và thể thao nước nhà nói chung. Mặc dù không được đầu tư nhiều về mọi mặt nhưng với sự nỗ lực không mệt mỏi trong công tác quản lý, sự đầu tư phối hợp giữa các cá nhân, đơn vị tài trợ của ban lãnh đạo ngành TDTT tỉnh, Bình Dương đã nhanh chóng trở thành một trong 5 trung tâm hàng đầu của thể hình Việt Nam.

 

Tất cả những thành quả trên đã minh chứng cho sự phát triển của thể thao Bình Dương, ngày càng phát triển mạnh mẽ. Chính điều đó là những yếu tố góp phần vào việc thực hiện công tác XHH TDTT Bình Dương tốt hơn nữa. Hiện tại và trong tương lai, Bình Dương không chỉ được biết đến như là địa phương đi đầu trong cả nước trong phát triển công nghiệp, thu hút vốn đầu tư nước ngoài mà còn là điểm sáng trong thực hiện công tác XHH các hoạt động TDTT không chỉ của riêng Bình Dương mà đối với cả ngành TDTT.

 

Đầu tư tăng vọt

 

Kinh tế xã hội ngày càng phát triển, đời sống người dân không ngừng được nâng cao, việc bảo vệ sức khoẻ con người cũng vì thế được quan tâm hơn. Số người tham gia tập luyện TDTT không chỉ còn giới hạn ở những nơi có điều kiện kinh tế phát triển như các thành phố, thị xã, khu đông dân cư mà đã trở thành phong trào rộng khắp ở các vùng nông thôn. Chính vì vậy, cùng với việc Nhà nước đầu tư xây dựng hệ thống các công trình TDTT công cộng phục vụ tập luyện TDTT trong các cơ quan, xí nghiệp, trường học... tại các địa phương trên cả nước, nhiều hộ gia đình, cá nhân, doanh nghiệp... đã mạnh dạn đầu tư xây dựng các công trình TDTT phục vụ cho việc tập luyện của nhân dân. Số công trình TDTT ngoài công lập tập trung chủ yếu ở các địa phương có nền kinh tế, xã hội phát triển, trong đó nhiều nhất là Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Thanh Hoá, Long An, An Giang...

 

Các công trình TDTT có vốn đầu tư khá lớn (có những công trình lên tới vài chục tỷ đồng) do tư nhân đầu tư xây dựng đều đạt tiêu chuẩn, đảm bảo cho việc tập luyện các môn thể thao, đáp ứng được phần nào nhu cầu ngày càng cao của người dân. Các cơ sở TDTT ngoài công lập chủ yếu tập trung ở một số môn như: Bóng chuyền, cầu lông, bóng bàn, quần vợt...  Điều đó cho thấy chủ trương XHH các lĩnh vực trong đó có TDTT đã thu hút được nhiều thành phần kinh tế-xã hội tham gia vào các hoạt động cung ứng dịch vụ ngoài công lập. Trước xu hướng phát triển ngày càng mạnh mẽ của các hoạt động văn hoá, giáo dục, y tế và TDTT, đòi hỏi các cơ sở ngoài công lập phải nâng cao năng lực cạnh tranh mới có thể đáp ứng được nhu cầu của nhân dân trong xã hội.

 

Nhiều cơ sở TDTT của các tổ chức và tư nhân được thành lập và hoạt động có hiệu quả, phù hợp với đặc thù của địa phương và điều kiện hoạt động, sản xuất của các cơ quan, đơn vị. Có vô vàn những doanh nghiệp như: Tập đoàn Đông Nam Dược Bảo Long (Hà Nội), Bình Điền Long An, Gạch Đồng Tâm Long An (Long An), Than khoáng sản (Quảng Ninh)... là những doanh nghiệp đã có đóng góp tích cực cho hoạt động XHH lĩnh vực TDTT.

 

Những đóng góp thầm lặng

 

Trong làng quần vợt Việt Nam, tay vợt trẻ Nguyễn Hoàng Thiên đã gây chấn động khi lần đầu tiên vô địch giải đấu Orange Bowl tại Mỹ dành cho các tay vợt trẻ xuất sắc đến từ hơn 60 nước trên thế giới.  Đáng nói là lịch sử gần 48 năm của Orange Bowl đều mang lại thành công cho các tay vợt của Mỹ, Châu Âu hay Nam Mỹ. Duy nhất một tay vợt Châu Á thành công vào năm 1999 là Yeu Tzuoo Wang (Đài Loan) khi giành ngôi vô địch sau khi thắng Gullermo Hormazabal (Chile) 6/2, 6/1 trong trận chung kết. Sau này vào năm 2003, có thêm tay vợt người Nhật Kei Nishikori vào đến chung kết nhưng thua Roberto Maytin (Venezuela) 7/5, 2/6 và 3/6.

 

Từ đó đến nay chưa có thêm tay vợt Châu Á nào được vinh danh. Nhiều cường quốc quần vợt trẻ như Hàn Quốc, Ấn Độ, Trung Quốc, kể cả Thái Lan cũng chưa hề có vận động viên được góp mặt ở những trận tranh ngôi thứ cao nhất tại giải đấu này. Chiến thắng của Hoàng Thiên đã làm nức lòng người hâm mộ quần vợt VN vì lần đầu tiên một tay vợt VN chinh phục được giải đấu Organe Bowl danh giá. Còn với Thiên, đây là một chiến tích có ý nghĩa quan trọng, mở ra một triển vọng rất lớn, giúp Thiên có tương lai sáng sủa trên con đường chuyên nghiệp sau này.

 

Thành công của Thiên tại giải đấu này cũng như hàng loạt giải quốc tế và trong nước gần đây đều có công đóng góp to lớn của gia đình tay vợt này. Mới lên 8-9 tuổi, Hoàng Thiên đã tỏ ra yêu thích quần vợt. Ba của Thiên là anh Nguyễn Ngọc Minh thấy con mình mê và có năng khiếu quần vợt nên cho Thiên đến học tại trung tâm đào tạo nổi tiếng ở Florida (Mỹ). Hoàng Thiên dành trọn thời gian tập luyện mà không quan tâm đến các thú vui khác. Buổi sáng, em học văn hoá, 15 giờ ra sân tập luyện với HLV đến gần 21 giờ mới trở về nhà nghỉ ngơi. Vì vậy, ngày nào ba mẹ em cũng canh khoảng hơn 21 giờ khi em chuẩn bị ăn tối thì trò chuyện qua webcam cho em đỡ buồn và nhớ nhà. Mỗi tháng, gia đình phải đóng phí đào tạo cho em là 50.000USD, đó là chưa kể hàng loạt phí tham dự các giải quốc tế để nâng cao tay nghề.

 

Cũng trong làng banh nỉ, chuyện “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” là chuyện không hiếm. Như trường hợp tay vợt 17 tuổi Đài Trang – người vừa vượt qua các tay vợt đàn chị như Huỳnh Mai Huỳnh, Thùy Dung để đăng quang ngôi vô địch ĐH TDTT toàn quốc lần 6 với màu áo Đà Nẵng - cũng là một ví dụ sinh động. Năm 1998, khi cô bé tròn 5 tuổi, nhận thấy con thể hiện một sự ham thích kỳ lạ khi cùng bố mẹ đến sân quần vợt, anh Tùng và chị Ánh - bố mẹ của Trang - đã quyết định cho con theo học môn thể thao này khi bán luôn tiệm phở nổi tiếng ở TP Vũng Tàu để đưa con về TPHCM thao luyện để đến nay làng Quần vợt Việt Nam lại có thêm một nhân tố triển vọng. Hay như tay vợt Việt kiều Huỳnh Mai Huỳnh hay Thuỳ Dung cũng trưởng thành nhờ công lao rất lớn từ bệ phóng gia đình.

 

Tương tự như môn quần vợt, ở môn cầu lông, để có được cái tên Nguyễn Tiến Minh (hạng 8 thế giới) cũng một phần lớn nhờ công sức đóng góp của gia đình tay vợt này. Ở các môn thể thao khác như võ thuật, bóng đá, xe đạp, bơi lội... , việc gia đình là chỗ dựa quan trọng để các VĐV yên tâm phát huy tài năng là điều rất dễ nhận thấy.

 

Tiềm năng

 

Theo đánh giá của các chuyên gia thể thao hàng đầu, để tiếp tục phát triển công tác XHH thể thao, ngoài việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các chính sách khuyến khích tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân đầu tư, tài trợ cho các hoạt động TDTT, Nhà nước cần tăng cường thêm những hướng dẫn cụ thể thông qua việc ban hành các chính sách, chế độ khuyến khích đối với tư nhân trong việc đầu tư trên các lĩnh vực: xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị, tài trợ, bảo trợ các đội tuyển thể thao và đào tạo tài năng thể thao một cách phù hợp với quy định của pháp luật.

 

Bên cạnh đó không ngừng vận động các doanh nghiệp xây dựng các cơ sở TDTT bán công, dân lập, tư nhân hoạt động theo hình thức kinh doanh dịch vụ, cho phép liên doanh với nước ngoài xây dựng các cơ sở thể thao giải trí quy mô lớn để vừa phục vụ, vừa kinh doanh và chịu sự quản lý của Nhà nước... Có như vậy, tiềm năng và nguồn lực của xã hội sẽ được khơi dậy mạnh mẽ, góp phần phát triển các phong trào TDTT, đáp ứng nhu cầu tập luyện thể dục, giữ gìn sức khoẻ cho nhân dân.

 

(Theo Lao động)