Người dân chuẩn bị chống bão Kompasu

15:34, 13/10/2021
Người dân Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình đưa tàu thuyền lên bờ, gia cố bờ kè biển, dùng lưới quây ao cá để phòng bão Kompasu đổ bộ.
 

3 ngày qua, tại vùng biển thị xã Kỳ Anh, Đồn Biên phòng Đèo Ngang (Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh) huy động 30 cán bộ đến giúp người dân các xã Kỳ Lợi, Kỳ Nam (thị xã Kỳ Anh) chằng chống nhà cửa, đưa thuyền vào nơi tránh trú. Hiện, Hà Tĩnh đã cấm biển, hơn 2.000 tàu thuyền đã di chuyển từ ngoài khơi vào bờ trú bão.

Theo Đài khí tượng Thủy văn Hà Tĩnh, chiều nay đến ngày 15/10, địa bàn mưa rất to và giông, lượng mưa phổ biến 200-300 mm, có nơi 350 mm. Nhà chức trách cảnh báo vùng núi nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất; khu vực đồng bằng, ven sông đô thị đề phòng ngập úng.

 


Hai ngày qua, nhiều hộ dân xã Thạch Hạ, TP Hà Tĩnh, nuôi cá lồng trên sông Hộ Độ đã chuyển cá vào các ao nuôi trong đê, để tránh bị sốc nước khi mưa lớn. Hiện tổ hợp tác nuôi cá lồng bè tại đây có hơn 30 hộ tham gia, với khoảng 100 ô lồng.

"Năm ngoái lũ dồn dập khiến gia đình tôi không kịp di chuyển gần một tạ cá chim vào bờ, mất trắng hàng chục triệu đồng", một người dân nói.

Trên ảnh là hai vợ chồng chèo thuyền kiểm tra, gia cố lại hệ thống lồng bè trên sông Hộ Độ. Gần 2 tấn cá nuôi dưới lồng đã được họ chuyển vào đê từ chiều hôm qua.

 


Lúc 9h ngày 13/10, tại ao rộng 50 ha nuôi cá mú, cá vược và tôm thẻ ở xóm Nam Hà, xã Hộ Độ, huyện Lộc Hà, nhiều công nhân hợp tác xã nuôi thủy sản đã giăng lưới cao một mét, dài hơn 300 m dọc trục đường chính đề phòng bão đổ bộ gây mưa lớn ngập hồ, ngăn cá trôi ra ngoài.

 


Từ tối qua, huyện Lộc Hà mưa lớn, nhiều nhà hàng bán hải sản ven biển Xuân Hải, thị trấn Lộc Hà, đã đóng cửa chống bão.

"Nhà hàng tôi nằm bên đường thấp, cứ hễ mưa là ngập. Từ hôm qua đến nay các nhân viên kịp di chuyển đồ đạc, thực phẩm đưa lên chỗ cao. Mong bão không đổ bộ, bởi năm nay Covid-19 buôn bán không hiệu quả, nếu bị thiệt hại bởi thiên tai nữa thì lỗ nặng", ông Phạm Bá Nam, 50 tuổi, trú thị trấn Lộc Hà, nói.

 


Trưa 13/10, tại bờ biển xã Quang Phú, TP Đồng Hới (Quảng Bình), nhóm công nhân dùng xe kéo thả rọ đá xuống kè biển, đề phòng sạt lở trong cơn bão Kompasu sắp đến.

Kè biển này bị sóng đánh hư hỏng vào mùa mưa bão năm trước nhưng chưa kịp khắc phục nên phải thả rọ đá để tránh sóng đánh, làm các điểm hư hỏng mở rộng thêm.

Quảng Bình có 6.697 tàu thuyền, hiện đã về bến neo đậu 6.688. Tỉnh yêu cầu các địa phương không để ngư dân ở lại trên tàu khi bão đổ bộ, kiểm soát chặt chẽ ngư dân, nhất là ngư dân các tỉnh bạn khi vào tránh trú để phối hợp thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19, khai báo y tế và xét nghiệm nCoV đối với người về tránh trú bão tại khu neo đậu.

 


Xe múc được huy động để hỗ trợ nhóm công nhân sớm hoàn thành công việc, múc đá từ bờ biển lên kè.

Bão Kompasu gây mưa tại Quảng Bình, khiến một số điểm tại quốc lộ 15 và quốc lộ 12A bị ngập cục bộ 0,3 đến 0,5m, sụt trượt nền đường…

 


Ông Nguyễn Xuân Phong, 62 tuổi, ở TP Đồng Hới, thuê xe cẩu để đưa thuyền nan 40 CV từ sông Nhật Lệ lên bờ tránh bão. Ông Phong nói từ tháng 7 đến nay không đi biển do dịch Covid-19, thành phố phong tỏa, nhưng nghe tin bão đổ bộ vẫn phải chi một triệu đồng cẩu thuyền lên bờ.

"Vừa tránh bão, tôi vừa tranh thủ tu sửa lại thuyền để chuẩn bị cho mùa biển vào tháng 12 tới", ông Phong nói. Gia đình ông Phong hành nghề câu mực, mỗi chuyến ra biển thường 2 người và đi xa nhất khoảng 50 hải lý.

 

Bà Nguyễn Thị Mận, 52 tuổi, cùng chồng đưa lưới rập lên bờ tránh bão. Hàng đêm, bà và chồng đi thả lưới dọc sông Nhật Lệ, sáng ra thu lưới rồi đưa cá sang chợ bán.

"Sáng nay gió lớn, hai vợ chồng đưa lưới lên bờ rồi thuê cẩu thuyền sau. Tối qua, chúng tôi còn tranh thủ đi thả lưới thêm một đêm", bà Mận nói.

 


Tại Nghệ An, cán bộ, chiến sĩ Hải Đội 2 vận chuyển bao cát lên mái tôn khu nhà tại đơn vị để hạn chế thiệt hại khi bão đổ bộ.

 

Thượng úy Trần Quang Vinh, thuyền trưởng cùng đồng đội trên cabin tàu cứu nạn của Hải đội 2 (Bộ đội Biên phòng Nghệ An), đóng ở phường Nghi Hải, thị xã Cửa Lò, trực ứng phó bão.

Hiện Nghệ An có hơn 3.300 phương tiện đánh bắt với hơn 17.000 lao động. Để đảm bảo an toàn, tỉnh đã cấm biển từ 0h ngày 10/10. Toàn tỉnh có hơn 1.000 hồ đập, trong đó nhiều hồ đã đầy nước, nếu bão đổ bộ và mưa lớn thì vấn đề an toàn hồ đập rất lo ngại. Chính quyền có kịch bản sơ tán hơn 16.000 người theo từng cấp độ của bão. Hiện kịch bản này chưa dùng tới. Ngoài ra, trên địa bàn còn hàng chục điểm có nguy cơ sạt lở, tỉnh đã chỉ đạo các địa phương sẵn sang sơ tán dân.

Sự kiện liên quan

    Xem thêm sự kiện