Trang trọng lễ công bố Di sản văn hoá phi vật thể Quốc gia - Lễ hội Đền Nguyễn Cảnh Hoan "Thập niên sự lệ"

22:32, 22/04/2024
Tối 22/4 (tức ngày 14/3 âm lịch), Sở Văn hoá - Thể thao phối hợp cùng UBND huyện Đô Lương, xã Tràng Sơn, dòng họ Nguyễn Cảnh tổ chức Lễ hội Đền Nguyễn Cảnh Hoan (Thập niên sự lệ) năm 2024 và công bố Di sản văn hoá phi vật thể Quốc gia.
Các đại biểu thực hiện nghi thức chào cờ.

Dự buổi lễ có các ông: Nông Quốc Thành - Phó Cục trưởng, Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch; Bùi Đình Long - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Trần Thị Mỹ Hạnh - Giám đốc Sở Văn hoá - Thể thao; Lãnh đạo huyện Đô Lương, xã Tràng Sơn, đông đảo nhân dân trên địa bàn và du khách thập phương, con cháu dòng họ Nguyễn Cảnh.

Quang cảnh buổi lễ.
Quang cảnh buổi lễ.

Thân thế, sự nghiệp của Thái phó Tấn Quốc Công Nguyễn Cảnh Hoan

Trình bày diễn văn tại buổi lễ, ông Nguyễn Trung Thành - Phó Chủ tịch UBND huyện Đô Lương nêu rõ: Nguyễn Cảnh Hoan sinh năm Tân Tỵ (1521), tại làng Tràng Thịnh, xã Đô Lương, nay là xã Tràng Sơn, huyện Đô Lương, Nghệ An. Sinh ra và lớn lên trong bối cảnh đất nước có nhiều biến động, triều đình nhà Lê ngày càng suy yếu. Năm Đinh Hợi 1527, Mạc Đăng Dung phế bỏ nhà Lê sơ lập nhà Mạc. Cha con Nguyễn Cảnh Huy một lòng trung quân ái quốc. Đến năm Bính Thân 1536, Nguyễn Cảnh Huy đã cùng với các con đem toàn bộ thuộc hạ sang Ai Lao phò vua Lê Trung Tông, được nhà vua trọng dụng tin tưởng phong Nguyễn Cảnh Huy tước Bìnhh Dương Hầu, Nguyễn Cảnh Hoan tước Dương Đường Hầu, dưới quyền của Nguyễn Kim.

Ông Nguyễn Trung Thành - Phó Chủ tịch UBND huyện Đô Lương trình bày diễn văn.
Ông Nguyễn Trung Thành - Phó Chủ tịch UBND huyện Đô Lương trình bày diễn văn.

Trong sự nghiệp Trung hưng nhà Lê, Nguyễn Cảnh Hoan trở thành một trong những trợ thủ đắc lực của Nguyễn Kim sau này là Trình Kiềm. Ông được vua yêu, chúa mến và được Thái sư Trình Kiềm cho mang họ Trình và đổi tên là Trình Mô. Ông tham gia rất nhiều trận đánh đều lập được nhiều chiến công và được thăng đến Binh bộ Thượng thư, hàm Thái phó về sau được tấn phong Quốc công.  

Khi Nguyễn Cảnh Hoan mất, vua Lê vô cùng thương tiếc cho nghỉ chầu 3 ngày, sai sứ mang vàng, bạc và các đồ tế lễ đến viếng. Về sau các triều đại phong kiến ban cấ nhiều sắc phong cho ông.

Vào năm Nhâm Dần (1602), vua Lê Kính Tông sắc chỉ cho xây dựng đền thờ Nguyễn Cảnh Hoan (theo chế độ quốc tạo). Đến năm Giáp Thìn (1664), đời vua Lê Huyền Tông triều đình cử vị Quốc sư Hòa Chính về thôn Tràng Thịnh tìm đất tốt để cát táng mộ ông và trùng tu lại đền thờ, từ đây di tích phối thờ thêm 3 vị công thần triều Lê Trung Hưng là Thái bảo Tả Tư không Thư Quận công Nguyễn Cảnh Kiên, Thiếu phó Đô úy Tả Tư mã Thắng Quận công Nguyễn Cảnh Hà và Tả đô đốc Phó tướng Liêu Quận công Nguyễn Cảnh Quế.

Giá trị văn hóa, tinh thần của Đại lễ hội “Thập Niên Sự Lệ”

Đền thờ Nguyễn Cảnh Hoan không chỉ là ngôi đền linh thiêng, cổ kính mà còn bảo lưu được di sản văn hóa phi vật thể độc đáo mang đậm dấu ấn của vùng quê Đô Lương. Đó chính là lễ hội “Thập niên sự lệ” với các nghi thức tâm linh trang trọng, đặc sắc và các hoạt động mang đậm tính dân gian, giàu bản sắc văn hóa của vùng quê xứ Nghệ.

Để tưởng nhớ công ơn tổ tiên, khơi dậy niềm tự hào, tự tôn và bảo tồn những giá trị văn hoá tốt đẹp của dòng họ, kể từ năm 1604, cứ mười năm một lần, vào ngày Rằm tháng Ba âm lịch, con cháu dòng họ Nguyễn Cảnh cùng nhân dân trong vùng lại tề tựu về Đền thờ Thái phó Tấn Quốc công Nguyễn Cảnh Hoan tại xã Tràng Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An để tổ chức lễ hội truyền thống “Lễ hội chay” hay còn gọi là “Thập niên sự lệ”.

Hát múa khai từ: “Dòng máu lạc hồng” - Sáng tác: Lê Quang; Biên đạo múa: NSƯT Diễm Hằng; Biểu diễn: NSƯT Minh Tâm cùng nghệ sỹ Trung tâm Nghệ thuật truyền thống Nghệ An.
Hát múa khai từ: “Dòng máu lạc hồng” - Sáng tác: Lê Quang; Biên đạo múa: NSƯT Diễm Hằng; Biểu diễn: NSƯT Minh Tâm cùng nghệ sỹ Trung tâm Nghệ thuật truyền thống Nghệ An.

Lễ hội “Thập niên sự lệ”diễn ra trong 3 ngày, bao gồm các phần lễ chính Giám Lễ rước linh vị các thần tổ, tiên tổ từ các nhà thờ chỉ về đền thờ; Lễ cầu hóa ta siêu, cầu an; Lễ cáo yết, dâng cỗ chay; Lễ rước thần; Lễ chính tế và lễ vàng.

Lễ hội diễn ra ở ba địa điểm chính. Đoàn rước từ Đền Khoảng đủ dùng mi Hoan qua đền Đức Hoàng, nơi thờ vua Lê Trang Tông. Tại đây, diễn ra lễ chầu của những vị trung thần họ Nguyễn Cảnh đối với vua Lê Trang Tông, đồng thời thể hiện tinh thần trung, cần, nhân, nghĩa của con cháu dòng họ Nguyễn Cảnh. Sau đó đoàn về tại Chùa Phúc Mỹ, xã Yên Sen xin phép chư Phật thỉnh kinh về quy y cho các thần tổ họ Nguyễn Cảnh và tụng kinh cầu siêu, cầu cho quốc thái dân an.

Đây là một nghi lễ mang ý nghĩa tâm linh sâu sắc. Đức Thái phó Nguyễn Cảnh Hoan cũng như nhiều con cháu hậu duệ của Ngài là những vị tướng lĩnh cầm quân trên chiến trường, từng nhìn thấy biết bao binh lính tướng tá tử trận nên việc lên chùa lễ Phật là một lời cầu nguyện cho linh hồn những binh sĩ được yên nghỉ. Đồng thời thông qua nghi lễ này giáo dục cho con cháu về sự hướng thiện trong cuộc sống. Sau khi hoàn thành đoàn rước về tại đền thờ Nguyễn Cảnh Hoan để tổ chức lễ. Song song với đó là phần hội với nhiều trò chơi dân gian truyền thống như đánh du, đấu vật, cờ thể,…

Bà Trần Thị Kim Phượng - Trưởng Ban Quản lý Di tích tỉnh Nghệ An công bố quyết định công nhận di sản Văn hóa phi vật thể Quốc Gia Lễ hội Đền Nguyễn Cảnh Hoan
Bà Trần Thị Kim Phượng - Trưởng Ban Quản lý Di tích tỉnh Nghệ An công bố quyết định công nhận di sản Văn hóa phi vật thể Quốc Gia Lễ hội Đền Nguyễn Cảnh Hoan

Năm 2024, Lễ hội Đền thờ Thái phó Tấn Quốc công Nguyễn Cảnh Hoan được Nhà nước công nhận là Di sản Văn hoá phi vật thể Quốc gia.

Bà Trần Thị Mỹ Hạnh - Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao phát biểu tại buổi lễ.
Bà Trần Thị Mỹ Hạnh - Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao phát biểu tại buổi lễ.

Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Trần Thị Mỹ Hạnh - Giám đốc Sở Văn hoá - Thể thao nhấn mạnh, Lễ hội Đền thờ Thái phó Tấn Quốc công Nguyễn Cảnh Hoan là hoạt động mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc, khơi dậy được truyền thống uống nước nhớ nguồn, tình yêu quê hương đất nước, tinh thần thượng võ hiếu học, tôn vinh những giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Giám đốc Sở Văn hoá - Thể thao Trần Thị Mỹ Hạnh đề nghị địa phương làm tốt hơn nữa, phát huy hiệu quả vai trò của cộng đồng, dòng họ trong việc bảo vệ phát huy giá trị di sản văn hoá, tiếp bước truyền thống tổ tiên, làm rạng danh cho dòng tộc đát nước. Đặc biệt có kế hoạch đào tạo bài bản cho thế hệ trẻ thực hành các nghi thức tế lễ trong lễ hội, sưu tầm tài liệu cổ ghi chếp về thập niên sử lễ, làm cơ sở để phục dựng lại lễ hội chính xác và khoa học, bảo tồn không gian văn hoá diễn ra lễ hội có sự kết nối giữa các chi họ Nguyễn Cảnh trên địa bàn toàn tỉnh, nhân dân trong huyện Đô Lương nói riêng, nhân dân Nghệ An nói chung; Áp dụng khoa học công nghệ để bảo tồn di sản hiệu quả, số hoá không gian các di tích diễn ra lễ hội một cách bài bản, để lễ hội ngày càng lan toả và có sức sống trường tồn trong cộng đồng, đóng góp quan trọng trong công cuộc xây dựng nền văn hoá Việt Nam  tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.

Ông Nông Quốc Thành - Phó Cục trưởng, Cục Di sản văn hóa Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch trao bằng công nhận Di sản văn hoá phi vật thể Lễ hội Đền Nguyễn Cảnh Hoan (Thập niên sự lệ) và ông Bùi Đình Long - Phó Chủ tịch UBND tỉnh tặng hoa chúc mừng.
Ông Nông Quốc Thành - Phó Cục trưởng, Cục Di sản văn hóa Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch trao bằng công nhận Di sản văn hoá phi vật thể Lễ hội Đền Nguyễn Cảnh Hoan "Thập niên sự lệ" và ông Bùi Đình Long - Phó Chủ tịch UBND tỉnh tặng hoa chúc mừng.

Trong không khí trang trọng của buổi lễ, ông Nông Quốc Thành - Phó Cục trưởng Cục Di sản Văn hoá, Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch đã trao bằng công nhận Di sản văn hoá phi vật thể Quốc gia Lễ hội Đền Nguyễn Cảnh Hoan (Thập niên sự lệ) và ông Bùi Đình Long - Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã tặng hoa chúc mừng huyện Đô Lương và dòng họ Nguyễn Cảnh. 

a
Ca khúc Ta tự hào đi lên ôi Việt Nam - sáng tác: Chu Minh - Biên đạo: NSƯT Diễm Hằng
 
a
NSƯT Tiến Lâm và Trung tâm NTTT Nghệ An biểu diễn tại chương trình.

Ngay sau phần công bố quyết định và trao bằng công nhận di sản Văn hóa phi vật thể Quốc Gia Lễ hội Đền Nguyễn Cảnh Hoan là chương trình nghệ thuật với chủ đề “Sáng mãi bài ca truyền thống”, tái hiện lại quá trình hình thành và phát triển của lễ hội Nguyễn Cảnh Hoan - Thập niên sự lệ. Chương trình có 3 chương: Chương 1 - Từ cội nguồn lịch sử; Chương 2 - Nơi đất lành hội tụ; Chương 3 - “Thập niên sự lệ” Di sản mãi trường tồn.

Theo kế hoạch, lễ hội được diễn ra 03 ngày, bắt đầu từ ngày 21/4/2024 đến ngày 23/4/2024 (tức ngày 13 đến ngày 15 tháng 3 năm Giáp Thìn). Nội dung gồm: cổ lễ, tân lễ; Phần hội:chương trình đêm thơ “ Nguyễn Cảnh thi tập” (đêm ngày 13 tháng 3 năm Giáp Thìn) và Chương trình văn nghệ “Sáng mãi bài ca truyền thống”(đêm ngày 14 tháng 3 năm Giáp Thìn); Các hoạt động thể thao: Tổ chức giải bóng chuyền nữ, kéo co nam. Giao lưu bóng chuyền nam, bóng chuyền nữ, bóng đá nam biểu diễn Thái cực trường sinh đạo, võ thuật.

 

 

Thuỳ Dương - Hữu Hoàng

Sự kiện liên quan

    Xem thêm sự kiện