Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Quỳ Châu sẵn sàng cho lễ hội hang Bua

09:04, 22/02/2019
Đến hẹn lại lên, từ ngày 20 - 22 tháng Giêng âm lịch hàng năm, người dân ở Quỳ Châu nói riêng và đồng bào các dân tộc miền Tây bắc Nghệ An lại nô nức trẩy hội Hang Bua.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho công tác chuẩn bị, ngay từ những ngày đầu của tháng 1 năm 2019, UBND huyện đã ban hành kế hoạch tổ chức lễ hội hang Bua, đồng thời thành lập Ban tổ chức lễ hội, tiến hành họp phân công nhiệm vụ cho các thành viên ban tổ chức. 

Quang cảnh lễ hội hang Bua 2018. (Ảnh tư liệu)
Quang cảnh lễ hội hang Bua 2018. (Ảnh tư liệu)

Lễ hội Hang Bua được tổ chức tại Thẳm Bua thuộc xã Châu Tiến, huyện Quỳ Châu. Đây là một lễ hội lớn nhất trong năm, là dịp để người dân vùng đất Quỳ Châu hay còn gọi là mường Chiêng Ngam gửi gắm những nguyện vọng tâm linh và nhớ lại truyền thuyết về một lễ hội với những sắc màu huyền thoại.

Tro choi tai lễ hội Hang Bua được tổ chức hàng năm vào 20,21,22 tháng giêng âm lịch năm nay vào 24,25,26 tháng 02 Dương lịch
Lễ hội Hang Bua được tổ chức hàng năm vào 20,21,22 tháng giêng âm lịch hàng năm.

Theo tích xưa, danh thắng Hang Bua gắn liền với mối tình chung thuỷ giữa nàng Ni xinh đẹp, hát hay và chàng Ban hiền lành, chân thật. Chính vì vậy, cứ mỗi dịp xuân về, trai gái trong vùng lại rủ nhau vào lòng hang để tâm tình, và cầu mong những điều tốt đẹp cho hạnh phúc lứa đôi. Theo thời gian, thói quen đó đã trở thành một lễ hội hàng năm của người dân Quỳ Châu.

vãn cảnh đẹp Hang Bua.
Du khách vãn cảnh đẹp Hang Bua.

Lễ hội hang Bua bao gồm phần lễ và phần hội. Phần lễ được tổ chức tại đền thờ thành hoàng Mường Chiềng Ngam để ghi nhớ công ơn các vị tiền nhân đã có công khai Bản, lập Mường Xiêu Bọ, Xiêu Ké và Xiêu Luông.

Hội thi nguoif đẹp Hang Bua 2018. (Ảnh tư liệu)
Hội thi người đẹp Hang Bua 2018. (Ảnh tư liệu)

Phần hội là các hoạt động văn hóa như cắm trại, thi văn nghệ, thi viết chữ Thái, thi thêu dệt-se sợi, trình bày các món ăn ẩm thực Ngưới Thái; thể dục thể thao, các trò chơi dân gian như bắn nỏ, đi cà kheo, tò mạc lẹ, khắc luống-cồng chiêng, đu quay, đẩy gậy, kéo co, đẩy gậy, kéo co, tung còn…đậm đà bản sắc. Tất cả tạo nên một lễ hội độc đáo vừa truyền thống vừa hiện đại làm hài lòng du khách gần xa.

Được trỉa nghiệm dệt thổ cẩm của đồng bào Thái Quỳ Châu
Du khách được trải nghiệm dệt thổ cẩm của đồng bào Thái Quỳ Châu.

Đặc biệt năm nay, huyện Quỳ Châu chú trọng đẩy mạnh công tác xã hội hoá lễ hội, kêu gọi sự tham gia đóng góp của các đơn vị, doanh nghiệp và người dân. Bên cạnh đó, huyện Quỳ Châu tập trung đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền với nhiều hình thức như treo các băng rôn, khẩu hiệu, cụm pa nô trên các trục đường chính diễn ra lễ hội nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm gìn giữ và bảo tồn các giá trị văn hoá truyền thống. Bên cạnh công tác chuẩn bị nội dung các chương trình, ban tổ chức cũng chú trọng đến công tác an ninh trật tự, an toàn giao thông, đảm bảo cho người dân yên tâm khi tham gia lễ hội.

Tham quan cọn nước trên cánh đồng Tạ Chum - Hoa Tiến - Châu Tiến.
Tham quan cọn nước trên cánh đồng Tạ Chum - Hoa Tiến - Châu Tiến.

Đến với lễ hội Hang Bua năm nay, du khách không chỉ được hoà mình vào không khí vui tươi, rộn ràng cùng đồng bào các dân tộc huyện Quỳ Châu mà còn được tham quan các di tích - danh thắng của Quỳ Châu như Mộ- bia - cây táo Đốc binh Lang Văn Thiết, bảo tàng văn hóa các dân tộc huyện Quỳ Châu, cụm hang Thẳm Ồm, Thẳm Chạng, Tôn Thạt, thác Tạt Ngoi, Thác Đũa, làng Thái cổ, làng nghề dệt thổ cẩm - du lịch cộng đồng Bản Hoa Tiến…
Kế Kiên