Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Mạng xã hội: Cơ hội tăng chỉ số rating truyền hình

10:48, 20/12/2018

Mặc dù công nghệ truyền hình đã có bước phát triển vượt bậc, thế nhưng, truyền hình hiện đang phải chấp nhận một thách thức "Rất khó giữ chân khán giả trước màn ảnh". Tuy vậy, nền tảng internet, mạng xã hội và xu hướng nghe xem của khán giả đã tạo ra một cơ hội mới cho truyền hình, có thể hút được nhiều khán giả hơn trên nền tảng đa phương tiện.

 

Sáng nay (20/12), trong khuôn khổ của Liên hoan truyền hình toàn quốc lần thứ 38 tại TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, đã diễn ra “Hội thảo mạng xã hội và truyền hình” do Ban Thanh thiếu niên, Đài THVN tổ chức. Đây là một nội dung quan trọng của truyền hình trước thách thức của cuộc cách mạng Công nghệ 4.0 và là một điểm nhấn của Liên hoan truyền hình toàn quốc năm nay.

Toàn cảnh Hội thảo
Toàn cảnh Hội thảo

Nền tảng internet đã mở ra cho ngành truyền hình nhiều cơ hội nhưng cũng đem lại không ít thách thức. Khi internet xâm lấn mọi ngõ ngách, truyền thông thế giới và ngành truyền hình đã chứng kiến một cuộc cách mạng  toàn diện và các thành tố của mô hình truyền thông đã có sự thay đổi đáng kể. Bởi vậy, với sự trải nghiệm của người xem truyền hình trên hạ tầng mạng, làm thế nào để tăng số lượng người xem và chỉ số raiting của truyền hình ngoài cách xem truyền hình truyền thống, hội thảo đã mang đến nhiều chia sẻ của các chuyên gia để trả lời câu hỏi trên.

Thạc sỹ Lê Vũ Điệp – Học viện công nghệ bưu chính viễn thông trình bày tổng quan các xu thế phát triển của truyền hình phi truyền thống trên thế giới
Thạc sỹ Lê Vũ Điệp – Học viện công nghệ bưu chính viễn thông trình bày tổng quan các xu thế phát triển của truyền hình phi truyền thống trên thế giới

Thạc sỹ Lê Vũ Điệp – Giảng viên ngành truyền thông đa phương tiện, Khoa Đa phương tiện, Học viện công  nghệ bưu chính viễn thông đã trình bày tổng quan các xu thế phát triển của truyền hình phi truyền thống trên thế giới; Làn sóng phát triển của CNTT và viễn thông theo xu hướng hội tụ đa phương tiện đang diễn ra ở nhiều nơi nhưng  vẫn có sự khác biệt ở từng quốc gia, từng vùng ngôn ngữ khác nhau tùy thuộc vào bối cảnh chính trị, điều kiện kinh tế, bản sắc văn hóa...

Tiến sỹ Nguyễn Hồng Hà (Ban khoa giáo – Đài Truyền hình Việt Nam) trình bày những ứng dụng trong sản xuất chương trình truyền hình có sự tương tác với mạng xã hội
Tiến sỹ Nguyễn Hồng Hà (Ban khoa giáo – Đài Truyền hình Việt Nam) trình bày những ứng dụng trong sản xuất chương trình truyền hình có sự tương tác với mạng xã hội

Thách thức của một “bác sỹ tâm lý” bắt căn bệnh “hội tụ đa phương tiện” trên thực tế đã được chuyển thành cơ hội. Tiến sỹ Nguyễn Hồng Hà (Ban khoa giáo – Đài Truyền hình Việt Nam) đã chứng minh điều đó qua những dẫn chứng cụ thể từ VTV2.  Hai trang VTV2 Chất lượng cuộc sống và VTVlife do Ban khoa giáo quản lí, hàng tuần có 7 triệu lượt người xem với hơn 10 triệu phút video. Những con số biết nói ấy đã chứng minh rằng: sự phát triển của internet và smartphone đã tạo đòn bẩy giúp truyền thông số phát triển, và chính nó đã rút ngắn khoảng cách tương tác hai chiều từ nhà sản xuất chương trình đến khách hàng, đồng thời tạo ra lợi ích thông tin cho các bên.

Facebook, zalo, Twitter, Instagram... và smartphone đã tạo ra mô hình truyền thông thế hệ thứ 4 (MEDIA 4.0). Tất cả đã làm thay đổi nhận thức về môi trường và bối cảnh truyền thông. Và khán giả không chỉ là một khách hàng mà trở thành một khâu quan trọng trong quá trình truyền thông, bởi vậy đã mở ra môi trường truyền thông đa chiều và đa hình thái, do đó, nhà đài cần thay đổi vai trò và vị trí của mình: Là người dẫn dắt hơn là người kể chuyện.

nhà báo Lê Quang Tùng – phụ trách VTVlife: Truyền thông trong bối cảnh kết nối mọi nơi đã tạo ra mô hình kinh doanh sáng tạo dựa trên kết nối.
Nhà báo Lâm Quang Tùng – phụ trách VTVlife: Truyền thông trong bối cảnh kết nối mọi nơi đã tạo ra mô hình kinh doanh sáng tạo dựa trên kết nối.

Theo nhà báo Lâm Quang Tùng – Giám đốc VTVLife: Truyền thông trong bối cảnh kết nối mọi nơi đã tạo ra mô hình kinh doanh sáng tạo dựa trên kết nối. Muốn có được Kênh truyền thông thông minh này, cần thiết có sự kết nối cộng động các nhà cung cấp dịch vụ; Thấu hiểu cộng đồng đến từng cá nhân; chú trọng chăm sóc các nhóm cộng đồng và hỗ trợ thực hiện các giao dịch online. Cùng với đó là xây dựng mạng lưới các nhóm nhu cầu kết nối người tiêu dùng thông minh.

Hội thảo mạng xã hội và truyền hình cũng đã chia sẻ những công cụ kỹ thuật để vận hành, ứng dụng các nền tảng mạng xã hội trên truyền hình và tính năng của Facebook có thể ứng dụng trên các chương trình truyền hình.

Các đại biểu tham gia Hội thảo cũng thú vị trải nghiệm những lợi ích từ mạng xã hội đối với truyền hình qua một số trò chơi của BTC Hội thảo.

Lê Trang – Hiến Chương