Nhà báo Hồ Quang Lợi - Ngòi bút phải thấm đẫm tính chiến đấu và tính nhân văn

16:18, 21/06/2023
Một nhà nghiên cứu từng viết: “Đọc Quang Lợi, thấy rõ một khoảnh khắc hoạt động căng thẳng và ráo riết của tư duy. Anh đã chộp được một vấn đề, lóe sáng một ý tưởng trong hình hài đột ngột của câu chữ!". Và quả thực, mỗi bài báo của ông là một tác phẩm bình luận ấn tượng, hấp dẫn từ cách đặt titre, đến bố cục bài viết và từng câu chữ trong bài đều chỉn chu đến kỳ lạ, không thể thêm hay bớt dù chỉ một từ. Nhân dịp kỷ niệm 98 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2-23), Phóng viên NTV đã có cuộc trò chuyện với nhà báo Hồ Quang Lợi về câu chuyện Nghề. Và với ông ngòi bút phải luôn giữ được lửa chiến đấu và tính nhân văn, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào. 
a
Nhà báo Hồ Quang Lợi

PV: Thể loại Bình luận báo chí rất khó và không nhiều người lựa chọn. Vậy tại sao, ngay từ đầu anh đã đam mê và quyết tâm theo đến cùng thể loại này?

Nhà báo Hồ Quang Lợi: Bình luận là thể loại trụ cột của một tờ báo, góp phần nâng tầm vị thế của tờ báo, có sức hấp dẫn và cuốn hút đặc biệt tới bạn đọc. Chúng ta đang sống trong thời đại hội nhập Quốc tế.

Chúng ta tiếp cận ko biết bao nhiêu thông tin và người dân khi tiếp nhận những thông tin đó thì ko biết được đâu là thật, đâu là giả. Đó là lúc báo chí phải lên tiếng. Mà lên tiếng tốt nhất là các bài bình luận, xã luận. Nó sẽ tác động trực tiếp đến nhận thức của nhân dân. Định hướng dư luận. Vì thế vai trò của người viết bình luận được thể hiện rất rõ.

PV: Bình luận về một vấn đề gì đó đã khó. Vậy bình luận về các vấn đề thời sự nóng trong nước và quốc tế lại càng khó hơn?  

Bình luận về các sự kiện trong nước hay Quốc Tế đều quan trọng và đều khó. Khó bởi viết bình luận cần phải khoan sâu, phân tích với một góc nhìn sắc sảo, thấu đáo, để người đọc hiểu rõ bản chất vấn đề. Đáng viết nhất là khi một sự việc đang xảy ra và là trung tâm sự chú ý của dư luận. Người viết bình luận phải trả lời được những câu hỏi: điều gì đang xảy ra, bản chất sự việc là gì? Nó ảnh hưởng như thế nào đến đời sống KT-XH của người dân? Và phải nói được triển vọng, sự phát triển của vấn đề đó như thế nào trong thời gian tới, tức là khả năng dự báo của người viết.

Bình luận là loại sản phẩm có tính sáng tạo cá nhân rất cao. Nó thể hiện phẩm chất của nhà bình luận, của người làm báo, đòi hỏi khả năng phân tích, tư duy sắc sảo và khả năng định hướng dư luận xã hội. Bên cạnh đó, rất cần một bút pháp, một tư duy logic và khả năng ngôn ngữ được cất cánh trên nền tảng của tư duy và cảm xúc; Để khi viết, câu chữ cứ thế tuôn ra theo mạch suy nghĩ của mình.

PV: Với kinh nghiệm hơn 40 năm làm Nghề của mình, quan điểm làm báo của ông như thế nào?

Chúng ta phải làm báo với một sự khách quan công tâm để bảo vệ công lý và lẽ phải. Chúng ta viết một vấn đề sai trái, hay biểu dương một việc làm tốt, thì nhà báo phải làm sao để người dân tin vào công lý, tin vào ánh sáng nhân văn luôn lấp lánh trong cuộc sống này. Một cuộc sống dù còn nhiều điều khiến chúng ta phải trăn trở, suy ngẫm. Khi con người, địa phương bị mất niềm tin, hay gặp phải một vấn đề gì đó thì báo chí nói chung và người bình luận nói riêng phải vực họ dậy để họ có niềm tin vượt qua những vấn đề của cá nhân, của địa phương để từ đó xã hội sẽ tốt đẹp hơn. Vì thế, ngòi bút luôn phải sắc, phải có tính chiến đấu cao, nhưng cũng thấm đẫm tính nhân văn và tình người.

a
Nhà báo Hồ Quang Lợi sinh ra tại làng Quỳnh Đôi (Quỳnh Lưu, Nghệ An)

PV: Ông đã từng chia sẻ: "Với tôi, nghề báo dường như đã là mạch sống, là nhịp đập không bao giờ dừng lại…"
Khi tôi viết, trang giấy trước mặt, cây bút trong tay. Trái tim đây, khối óc đây. Tôi phải viết làm sao để thuyết phục được bạn đọc. Cái đó mới là quan trọng nhất. Trong thế giới truyền thông hôm nay, báo chí ko thể chạy đua được với MXH, nhưng báo chí phải vượt qua MXH về độ tin cậy và sức thuyết phục. Trong đó người viết bình luận, xã luận và chính luận là cực kỳ quan trọng. Độ tin cậy và sức thuyết phục của Báo chí là sức sống còn của Báo chí trong thời đại truyền thông số hiện nay.

Còn bản thân tôi, sinh ra ở một làng quê nổi tiếng của xứ Nghệ - Quỳnh Đôi, Nghệ An. Dòng máu và tính cách người Nghệ luôn thấm sâu, chảy trong huyết quản. Nó thôi thúc tôi phải viết, phải dùng ngòi bút của mình để chiến đấu cho công lý và lẽ phải. Ko được chùn bước trước bất công ngang trái của XH. Và tôi sẽ viết cho đến khi đôi tay này không còn cầm được bút.

PV: Nhân kỷ niệm 98 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, nhà báo chí sẻ điều gì với những người làm báo, nhất là những người làm báo trẻ hôm nay? 

Báo chí Việt Nam và cả báo chí Thế giới, đang trải qua một cuộc chuyển mình mạnh mẽ chưa từng có, từ cách thức làm nghề và phương thức là nghề. Nhưng dù cho cách thức làm nghề và phương thức làm nghề có thay đổi như thế nào thì Đạo đức làm nghề, tâm thế làm nghề không bao giờ khác được. Chúng ta làm nghề vì đất nước, vì nhân dân mà phải khách quan, công tâm, tôn trọng sự thật.

Nhà báo Hồ Quang Lợi chụp ảnh lưu niệm cùng Nhà báo Khánh Ly - Đài PT-TH Nghệ An tại buổi phỏng vấn.
Nhà báo Hồ Quang Lợi chụp ảnh lưu niệm cùng Nhà báo Khánh Ly - Đài PT-TH Nghệ An tại buổi phỏng vấn.

Còn riêng với những đồng nghiệp trẻ thì tôi nhớ đến một lần ngồi nói chuyện với nhà Báo Phan Quang – một nhà báo lão thành nổi tiếng của Báo chí Cách mạng Việt Nam, ông có chia sẻ rằng: “Cuộc đời của nhà báo Phan Quang chỉ có 4 chứ thôi: đọc, đi, nghĩ và viết”. Tôi nghĩ đó là một sự đúc kết tuyệt vời. “Đọc” ở đây có nghĩa là học. Mà học không chỉ trong sách vở; “Đi” là gắn với đời sống; “Nghĩ” tức là tư duy. Phải tư duy độc lập thì mới tách khỏi những ràng buộc, vướng bận thì ngòi bút mới trung thực. Và “Viết”, đó là lao động, là rèn nghề. Làm được những điều đó, tức là chúng ta góp phần trên con đường dùng báo chí để phụ vụ xã hội, phục vụ đất nước và nhân dân.

Nhà báo Hồ Quang Lợi trò chuyện cùng MC Thu Hằng
Nhà báo Hồ Quang Lợi trò chuyện cùng MC Thu Hằng
Nhà báo Hồ Quang Lợi chụp ảnh lưu niệm cùng ekip thực hiện chương trình của NTV.
Nhà báo Hồ Quang Lợi chụp ảnh lưu niệm cùng ekip thực hiện chương trình của NTV.

PV: Một lần nữa cảm ơn nhà báo Hồ Quang Lợi với những chia sẻ rất ý nghĩa. Nhân dịp kỷ niệm ngày báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6, kính chúc nhà báo và tất cả những người làm báo Việt Nam luôn giữ vững tấm lòng trong và ngòi bút sắc./.

Khánh Như - Minh Tân

Sự kiện liên quan

    Xem thêm sự kiện