Đời sống - Xã hội

Cánh sóng vang mãi tên anh - Người lính thông tin

10:31, 17/10/2020
Lời hẹn nhắc nối thông liên lạc vào sáng hôm sau mãi mãi các anh không bao giờ thực hiện được nữa. Khoảng 24 giờ đêm 12/10, trong giấc ngủ vội chập chờn, bất ngờ dòng thác lũ đất đá đổ xuống, ba đồng chí của phân đội thông tin cơ động của Lữ đoàn 80 (Quân khu 4) và 10 người trong đoàn công tác tiếp cận hiện trường sự cố sạt lở tại Nhà máy thủy điện Rào Trăng 3 ở xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, Thừa Thiên-Huế bị vùi lấp và ra đi mãi mãi.
Thượng tá Lê Tất Thắng đang giao nhiệm vụ cho Thiếu tá Nguyễn Cảnh Cường và Đại úy Đinh Văn Trung trước khi theo đoàn công tác vào cứu hộ, cứu nạn tại Nhà máy tủy điện Rào Trăng 3.
Thượng tá Lê Tất Thắng đang giao nhiệm vụ cho Thiếu tá Nguyễn Cảnh Cường và Đại úy Đinh Văn Trung trước khi theo đoàn công tác vào cứu hộ, cứu nạn tại Nhà máy tủy điện Rào Trăng 3.

Nhìn tấm hình Thượng tá Lê Tất Thắng - Phó Lữ đoàn trưởng – TMT đang giao nhiệm vụ cho 2 đồng chí là Thiếu tá Nguyễn Cảnh Cường và Đại úy Đinh Văn Trung (Đại đội 6 – Tiểu đoàn 2 – Lữ đoàn thông tin 80 – Quân khu 4) trước khi theo đoàn cán bộ vào hiện trường sạt lở tại Nhà máy thủy điện Rào Trăng 3 mà đồng đội không kìm nổi nước mắt. Nước lũ bắt đầu dâng cao nhưng các anh vẫn mang đeo máy móc trang bị chắc chắn ôm sát người sau tấm áo mưa, đứng nghiêm nhận nhiệm vụ. Đó là tấm hình cuối cùng của các anh vì chuyến đi ấy các anh đã không kịp trở về. Cơn lũ dữ đã vùi lấp 13 cán bộ, chiến sỹ đoàn công tác đi cứu nạn, trong đó có 3 anh.

Trước đó, do tình hình mưa mưa lũ diễn biến phức tạp dẫn đến hiện tượng ngập lụt nghiêm trọng, chia cắt, cô lập nhiều địa phương gây thiệt hại lớn về người, tài sản tại các tỉnh miền Trung, trưa 11/10, nhận lệnh của Bộ tư lệnh Quân khu 4, phân đội Thông tin cơ động của Lữ đoàn 80 do Thượng tá Lê Tất Thắng chỉ huy đã tức tốc lên đường vào Thừa Thiên-Huế, bảo đảm thông tin liên lạc (TTLL), truyền hình cho Bộ tư lệnh Sở chỉ huy tiền phương chỉ đạo các lực lượng cứu hộ, cứu nạn. Ngay sau khi đến Sở chỉ huy tiền phương của Bộ tư lệnh Quân khu đặt tại thành phố Huế, Thượng tá Lê Tất thắng đã tổ chức cho phân đội thiết lập hệ thống thông tin nối thông liên lạc, truyền hình với các hướng.

Trưa 12/10, phân đội thông tin sóng ngắn do Thượng tá Lê Tất Thắng trực tiếp chỉ huy nhận lệnh cùng Đoàn công tác của Lãnh đạo Quân khu 4 và Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế tiếp cận hiện trường sự cố sạt lở tại Nhà máy thủy điện Rào Trăng 3 (thuộc địa bàn xã Phong Xuân, huyện Phong Điền) làm 17 công nhân tại đây mất tích.

Khi đi đến khu vực có ngầm tràn sâu trên đường 71, xe ôtô không qua được, Đoàn để lại xe và bám dây vượt ngầm đi bộ vào khu vực Thủy điện Rào Trăng 3 cách đó khoảng 13km. Từ đây, chặng đường vào Nhà máy thủy điện Rào Trăng 3 Đoàn gặp rất nhiều khó khăn do mưa lũ làm xói lở làm đất đá, bùn lầy chắn ngang đường đi.

Qua lời kể của một đồng chí may mắn thoát nạn, trên đoạn đường ấy phân đội thông tin cực kỳ vất vả vì ngoài quân tư trang, các anh còn mang mỗi người một bộ máy thông tin được buộc chặt sau lớp áo mưa chật cứng. Nhiều đoạn đường phải trèo đèo lội suối hay bùn sình, đất đá ngập chân rút mãi không lên nhưng các anh vẫn rất cẩn trọng bảo đảm an toàn khô ráo, sạch sẽ cho máy móc thông tin, khi thủ trưởng cấp trên yêu cầu là bảo đảm TTLL kịp thời và thông suốt được ngay.

Đến khoảng 20 giờ cùng ngày, khi còn cách hiện trường 3 km, do mưa quá lớn, nước chảy xiết, đường đi trơn trượt, nguy hiểm, đoàn phải dừng chân nghỉ tại khu nhà của Trạm Kiểm lâm Tiểu khu 67. Ngay khi đặt ba lô xuống, mặc dù đã thấm mệt sau chặng đường hành quân vất vả, trời mưa rất to nhưng Thượng tá Lê Tất Thắng vẫn đội mưa chỉ huy Thiếu tá Nguyễn Cảnh Cường và Đại úy Đinh Văn Trung triển khai điện đài sẵn sàng liên lạc với Sở chỉ huy tiền phương. Do địa hình đồi núi hiểm trở nên tín hiệu thông tin chập chờn, bất chấp mưa to, gió lớn các anh đã không quản ngại trèo lên cột cờ của trạm triển khai ăng ten 2 cực để nối thông liên lạc.

Đúng 20 giờ 15 phút, phiên liên lạc đầu tiên với Sở chỉ huy tiền phương được nối thông trong sự vui mừng của 2 đầu sóng điện. Lúc này, các anh mới nhớ là buổi tối chưa có gì lót bụng, chia nhau tấm lương khô, vội bưng bát cơm trắng nước mắm tiếp tục duy trì liên lạc. Tính từ 20 giờ 15 phút đến 23 giờ đêm 12/10, các anh đã thực hiện 4 phiên liên lạc truyền tin thông báo tình hình địa hình, thời tiết và tình hình của đoàn công tác về Sở chỉ huy tiền phương. Phiên liên lạc cuối cùng, các anh còn hẹn đúng 5 giờ sáng hôm sau mở máy liên lạc. Nghiệt ngã thay, đồng đội đâu ngờ rằng, phiên liên lạc ấy là phiên liên lạc cuối cùng với các anh.

Từ trái qua phải: Thượng tá Lê Tất Thắng, Thiếu tá Nguyễn Cảnh Cường và Đại úy Đinh Văn Trung.

Lời hẹn nhắc nối thông liên lạc vào sáng hôm sau mãi mãi các anh không bao giờ thực hiện được nữa. Khoảng 24 giờ đêm hôm ấy, trong giấc ngủ vội chập chờn, bất ngờ dòng thác lũ đất đá đổ xuống đè lên tòa nhà Đoàn đang nghỉ, chỉ có 8 người thoát khỏi khu vực sạt lở. Ba đồng chí của phân đội thông tin và 10 người trong đoàn công tác trong đó có Thiếu tướng Nguyễn Văn Man – Phó Tư lệnh Quân khu 4 bị vùi lấp và ra đi mãi mãi.

Các anh hy sinh giữa “trời trắng” xứ Huế để người dân được bình yên trong cơn lũ dữ. Các anh hy sinh nhưng cánh sóng thông tin vẫn vang mãi tên các anh – Những Người lính thông tin trên quê hương Bác, những người lính quả cảm vì dân, vì nước, vì Tổ quốc thân yêu./.

Kỳ Sơn

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện