Đời sống - Xã hội

Mưa lũ tại Miền Trung - Tây Nguyên làm 8 người chết, gần 20.000 người phải sơ tán

18:04, 10/10/2020
Đến trưa 10/10, mưa lũ tại miền Trung - Tây nguyên đã làm 8 người chết, 7 người mất tích, gần 20.000 người dân phải sơ tán tránh lũ.

Ngày và đêm 9/10, tại các tỉnh miền Trung, mưa lớn trở lại khiến mực nước trên các sông Thừa Thiên Huế lên nhanh, nước sông Bồ đã vượt lũ lịch sử. Các sông đã đạt đỉnh và xuống chậm. Mưa lớn cộng với một số hồ chứa xả điều tiết để đón lũ khiến nhiều khu dân cư tại Quảng Nam ngập trở lại, ở tỉnh Quảng Trị nước đã rút bớt. Đến trưa 10/10, mưa lũ tại miền Trung - Tây nguyên đã làm 8 người chết, 7 người mất tích, gần 20.000 người dân phải sơ tán tránh lũ.

Nước lên nhanh gây ngập nhiều nhà dân ở huyện Đại Lộc tỉnh Quảng Nam.
Trong số 8 người chết do mưa lũ đến thời điểm này, các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, mỗi tỉnh 2 người; các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Gia Lai, Đắk Lắk, mỗi tỉnh 1 người. 7 người mất tích gồm 6 người ở tỉnh Quảng Trị, 1 người tại tỉnh Gia Lai. Đến trưa 10/10, lũ trên các sông lớn như sông Vu Gia - Thu Bồn, tỉnh Quảng Nam; sông Hương, Sông Bồ, tỉnh Thừa Thiên Huế đều lên trên báo động 3. Các địa phương đã tổ chức di dời tại chỗ khoảng 5.800 hộ với khoảng 20.000 người .

Đến trưa 10/10, tại tỉnh Quảng Trị, gần 18.000 hộ dân vẫn còn bị ngập lụt. Các hồ chứa tại Quảng Trị đã đạt 50%. Hiện tỉnh Quảng Trị đang tập trung tìm kiếm các nạn nhân mất tích do chìm tàu vận tải cảng Cửa Việt, ứng cứu 2 tàu mắc cạn.

"Người dân ở đây đã dự trữ đồ ăn cho gia đình từ trước, kể cả thức ăn cho gia súc cũng đã được chuẩn bị từ trước. Vì vậy lũ lên, cả người và gia súc đều ở trên cao. Một số hộ dân chủ quan chưa đến mùa lũ nên chưa trữ lương thực nhưng cũng có người thân cứu trợ"- ông Phạm Văn Dơn, ở xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị cho biết.

Tại tỉnh Quảng Nam, sáng 10/10, mưa rất to khiến các huyện phía Bắc ngập lụt diện rộng. Ngập nặng nhất là các xã ven sông Vu Gia thuộc huyện Đại Lộc. Sáng nay, nhiều xã ven sông Vu Gia đã sơ tán người và tài sản đến nơi cao hơn tránh lũ. Ông Trần Văn Hòa, Chủ tịch UBND xã Đại Phong, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam cho biết, xã đã sơ tán 100 người già, trẻ em vùng xung yếu ven sông đến nơi an toàn. 

Lực lượng Công an thành phố Huế đưa người dân ra khỏi vùng ngập.

Trưa 10/10, UBND tỉnh Quảng Nam họp trực tuyến với các chủ hồ chứa thủy điện bàn biện pháp phối hợp điều tiết đón lũ và giảm lũ cho hạ du. Hiện 2 hồ chứa thủy điện là A Vương và Sông Bung 4 xả điều tiết, duy trì mực nước hồ ở cao trình mực nước đón lũ thấp nhất. Theo thông số điều tiết của hồ chứa thủy điện A Vương, mực nước hồ là 370m. Để vận hành điều tiết duy trì mực nước hồ ở cao trình mực nước đón lũ thấp nhất 370m, Công ty CP thủy điện A Vương sẽ điều tiết xả tràn với lưu lượng dự kiến 1.200 m3/s. Trong khi đó, thủy điện Sông Bung 4 xả 800m3/s.

"Công ty thực hiện theo lệnh của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam. Để góp phần giảm lũ cho hạ du thì lưu lượng xả của mình sẽ nhỏ hơn lưu lượng về hồ, tích bớt một phần trong hồ chứa. Hiện nay, hồ chứa chưa đến mực nước dâng bình thường. Hiện đang xả về hạ du 800m3, trong khi đó lượng nước về hồ là 1700m3/giây. Hồ mình có tổng dung tích chứa là 234 triệu m3"- ông Lê Đình Bản, Giám đốc Công ty Thủy điện Sông Bung, quản lý thủy điện Sông Bung 4 cho biết./.

Theo VOV

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện