Giáo dục

Thời gian đăng ký nguyện vọng kéo dài, ảnh hưởng đến thời gian năm học

10:44, 11/08/2022
Theo Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non năm 2022, thời gian thí sinh đăng ký nguyên vọng kéo dài gần 1 tháng. Nhiều ý kiến cho rằng, thời gian như vậy là quá dài, sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch tổ chức đào tạo của các trường đại học.

Năm nay, theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tất cả các nguyện vọng đăng ký xét tuyển đại học của thí sinh (theo các cơ sở đào tạo, các ngành, các phương thức xét tuyển) của đợt xét tuyển đợt 1 sẽ được đăng ký và ghi nhận vào Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung. Việc đăng ký và điều chỉnh nguyện vọng của thí sinh được thực hiện trong một đợt thay vì hai đợt như trước đây, theo quan điểm của Bộ là "để vừa thuận lợi cho thí sinh, vừa tiện cho các trường".

Thời gian để thí sinh đăng ký nguyện vọng lên Hệ thống bắt đầu từ ngày 22/07 đến 17 giờ ngày 20/08. Từ ngày 1/9 đến hết ngày 15/09, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tổ chức xét tuyển, xử lý nguyện vọng xét tuyển trên hệ thống. Một số trường đại học cho rằng, thời gian đăng ký nguyện vọng trong gần 1 tháng là quá dài, dễ khiến thí sinh dao động với các lựa chọn của mình.


Ông Nguyễn Thanh Chương, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giao thông vận tải nêu ý kiến: “Bởi vì thí sinh cũng chỉ đăng ký một lần, thứ hai là thí sinh cũng đã có kết quả thông báo đủ điều kiện trúng tuyển sớm. Vì vậy, tâm lý thí sinh hiện nay cũng cân nhắc giữa một số ngành và một số điểm. Khi có điểm thi thì trong vòng khoảng độ 1 - 2 tuần, thí sinh cũng có thể xác định được nguyện vọng của mình và điều chỉnh nguyện vọng của mình. Bởi vì thí sinh không có thông tin nào khác, ngoài thông tin của các trường cung cấp và kết quả thi của mình, cũng như nguyện vọng mong muốn của mình để đặt vào hệ thống xét tuyển của Bộ Giáo dục đào tạo”. 

Ảnh minh họa.

Cùng quan điểm này, ông Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng, do là năm đầu tiên triển khai việc đăng ký tất cả các nguyện vọng xét tuyển đại học của thí sinh lên Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung nên Bộ Giáo dục và Đào tạo kéo dài thời gian để dễ xử lý các tình huống kỹ thuật phát sinh nếu có. Thế nhưng, việc kéo dài thời gian đăng ký nguyện vọng của thí sinh và thời gian tổ chức xét tuyển đến giữa tháng 9 sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến kế hoạch đào tạo chung của các trường đại học.

“Có lẽ chỉ nên đến chục ngày là nhiều, ngay cả thời gian để mà chạy xét tuyển cũng vậy. Như mọi năm chỉ mất 3 ngày là xong, bây giờ nhiều chắc cũng gấp 3 lần, khoảng chục ngày thôi, bây giờ 15 ngày thì dài quá và ảnh hưởng đến kế hoạch đào tạo chung. Nếu xét kỹ, chắc chắn sẽ không hiệu quả, bởi vì chúng ta tốn rất nhiều thời gian để cho mùa tuyển sinh và bao nhiêu việc kèm theo nữa. Khóa mới này, nếu theo lịch như vậy thì các kế hoạch phá vỡ hết, các em không còn ngày nào nghỉ hè cả, không chỉ các em mà còn hoạt động của trường nữa”, ông Bùi Đức Triệu nói.

Theo ông Trần Đình Phong, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học và công nghệ Hà Nội, năm nay, các thí sinh chỉ trúng tuyển ở một nguyện vọng cao nhất dù xét tuyển theo nhiều phương thức khác nhau, nên các em cũng không phải lo lắng lựa chọn giữa các phương thức xét tuyển khác nhau khi đăng ký nguyện vọng. Dễ cho thí sinh, nhưng lại khó cho các trường bởi đến thời điểm này vẫn không biết số thí sinh đã có kết quả đủ điều kiện trúng tuyển sớm có đăng ký nguyện vọng vào trường hay không, nên việc tuyển đủ chỉ tiêu cũng là bài toán khó.

“Những năm trước, dựa trên số sinh viên xác nhận nhập học vào trường, chúng tôi biết là còn bao nhiêu chỉ tiêu để xét tuyển các phương thức xét tuyển khác. Nhưng năm nay thì hoàn toàn không biết thành ra là sẽ là một bài toán rất là khó, tôi nghĩ rằng, rất nhiều trường sau đợt tuyển sinh đợt 1 sẽ phải thực hiện tiếp các đợt tuyển sinh tiếp theo để đảm bảo chỉ tiêu của mình. Như vậy sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch đào tạo tại vì đến cuối tháng 9 mà vẫn chưa tuyển sinh xong thì rất khó triển khai đào tạo trong năm tiếp theo”, ông Trần Đình Phong cho hay.

Thực tế số liệu thống kê trên Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy, việc kéo dài thời gian đăng ký nguyện vọng cũng khiến thí sinh dao động, đắn đo nhiều hơn. Đến 12 giờ ngày 9/8, dù gần hết 2/3 thời gian đăng ký nguyện vọng, nhưng mới chỉ có hơn 451.000 thí sinh nhập nguyện vọng lên hệ thống, trong khi số thí sinh đăng ký xét tuyển đại học là hơn 939.000 em. Vì thế nhiều ý kiến cho rằng, việc Bộ Giáo dục và Đào tạo kéo dài thời gian xét tuyển nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh, nhưng đồng thời cũng phải đảm bảo được quyền tự chủ tuyển sinh và triển khai kế hoạch đào tạo của các trường đại học./.

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện