Giáo dục

Tuyển sinh ÐH 2022: 9,5 điểm mỗi môn vẫn trượt

08:27, 16/09/2022
 Hôm qua, nhiều trường đại học (ÐH) công bố điểm chuẩn xét tuyển đối với phương thức thi tốt nghiệp THPT năm 2022. Có những ngành, thí sinh khu vực 3 đạt 9,5 điểm/môn vẫn trượt nguyện vọng xét tuyển.

 

Ðiểm chuẩn một số ngành năm 2022 giảm so với năm 2021

Nhất Quan hệ công chúng, nhì Báo chí, ba Công nghệ

Năm 2022, các ngành Báo chí, Truyền thông đa phương tiện, Quan hệ công chúng (Public Relations - PR)… là những ngành “hot”, có sức hút với thí sinh. Điểm chuẩn vào các ngành này ở mức cao kỷ lục, thí sinh đạt trên 29 điểm đối với tổ hợp C00 (Văn, Sử, Địa) mới có thể đỗ.

Chiều qua, sau khi kết thúc 6 lần lọc ảo, Bộ GD&ĐT trả kết quả về cho các trường ĐH để bắt đầu thực hiện việc công bố điểm chuẩn. Trong số trường ĐH đã công bố điểm chuẩn năm 2022 (tính đến 17h30 ngày 15/9), Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội vẫn giữ mức điểm chuẩn cao kỷ lục. Dù không có ngành chạm đỉnh 30 điểm/tổ hợp C00 như năm ngoái nhưng vẫn nằm trong top các trường có nhiều ngành điểm chuẩn ở mức rất cao của năm nay.

Cụ thể, 3 ngành có điểm chuẩn cao nhất là Quan hệ công chúng, Hàn Quốc học, Đông phương học, cùng lấy 29,95 điểm. Kế tiếp, ngành Báo chí tổ hợp C00 là 29,90 điểm. Hai ngành “hot” là Hàn Quốc học và Đông phương học của trường, điểm chuẩn năm nay giảm nhẹ so với năm 2021. Năm ngoái, hai ngành này có mức điểm chuẩn cao kỷ lục, thí sinh phải đạt điểm tuyệt đối hoặc gần tuyệt đối của tổ hợp C00 mới có cơ hội trúng tuyển.

Năm nay, ngành Quan hệ công chúng lại lên ngôi, khi có điểm chuẩn tăng từ 29,30 lên 29,95 điểm. Với những ngành này, thí sinh khu vực 3 (thuộc các quận nội thành của các thành phố trực thuộc trung ương) nếu không có điểm ưu tiên đối tượng thì năm nay sẽ không trúng tuyển. Vì thủ khoa của tổ hợp C00 năm nay đạt 29,75 điểm, thấp hơn điểm chuẩn 0,25 điểm. Nên những thí sinh đạt 9,5 điểm/môn ở khu vực 3 đối với tổ hợp C00 năm nay vẫn trượt nguyện vọng vào những ngành này.

Với các ngành còn lại của Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, điểm chuẩn năm nay tăng nhẹ so với năm 2021, đặc biệt ở tổ hợp C00. Trong đó, ngành Báo chí năm 2021 có mức điểm 28,80 khối C00 thì năm nay tăng lên 29,90 điểm. Ngoài ra, trường cũng có một số ngành có điểm chuẩn là 29 điểm đối với tổ hợp C00 như Quản trị Văn phòng, Quốc tế học, Tâm lý học, Quản lý thông tin.
Tính đến thời điểm này, Quan hệ công chúng, Hàn Quốc học, Báo chí đang là những ngành có điểm chuẩn cao nhất, dao động từ 28-29,95 điểm. Tại Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, ngành PR là ngành có điểm chuẩn cao nhất trong số 60 ngành/chuyên ngành đào tạo của trường, 28,60 điểm. Xếp ngay sau đó là ngành Công nghệ thông tin. Trong đó, ngành Công nghệ thông tin của Trường ĐH Công nghệ, ĐH Quốc gia Hà Nội đang có điểm chuẩn cao nhất trong số các trường kỹ thuật đến thời điểm này, với 29,15 điểm. Mức điểm này đã soán ngôi của ĐH Bách khoa khi điểm cao nhất của trường này chỉ 28,29 điểm (năm 2021 là 28,43 điểm).

Mặt bằng chung cho thấy, điểm chuẩn một số ngành của ĐH Bách khoa Hà Nội đã giảm so với năm 2021. Ngành Kỹ thuật Sinh học giảm 2,09 điểm, ngành Kỹ thuật Thực phẩm giảm 2,59 điểm, ngành Kỹ thuật Hoá dược giảm 2,70 điểm, ngành Kỹ thuật Điện giảm 3,45 điểm. Tuy nhiên, có điểm mới của tuyển sinh năm nay đối với ĐH Bách khoa Hà Nội là các ngành thuộc nhóm Công nghệ Thông tin, Trí tuệ nhân tạo, Khoa học dữ liệu vốn là ngành nóng thì không xét tuyển phương thức thi tốt nghiệp THPT.

Ðiểm chuẩn khối Y dược, Kinh tế không tăng

Năm nay, điểm chuẩn các trường thuộc nhóm Kinh tế không tăng so với năm 2021. Điểm chuẩn Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, ngoài ngành Quan hệ công chúng, có 5 ngành học khác có điểm chuẩn từ 28 điểm trở lên là Marketing, Kinh doanh Quốc tế (28 điểm), Thương mại điện tử (28,10 điểm), Kiểm toán (28,15 điểm), Logistics (28,20 điểm). Năm trước, có 7 ngành có điểm chuẩn trên 28 điểm.

Hội đồng tuyển sinh ĐH chính quy năm 2022 Trường ĐH Ngoại thương đã họp thống nhất phương án điểm chuẩn các mã xét tuyển của trường cho các phương thức xét tuyển sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2022 (phương thức xét tuyển 4) tại trụ sở chính Hà Nội và cơ sở II tại TPHCM. Theo đó, mức điểm nhóm ngành cao nhất là 28,40 điểm và thấp nhất là 27,5 điểm.

PGS.TS Vũ Thị Hiền, Trưởng phòng Quản lý Đào tạo, Trường ĐH Ngoại thương, cho biết, chỉ tiêu đối với phương thức 4 của trường giữ ổn định 30% như năm 2021. Nguồn tuyển năm nay tương đối dồi dào. Sau khi thí sinh trúng tuyển vào nhóm ngành, trường cho thí sinh đăng ký lựa chọn ngành. Dự kiến, điểm chuẩn ngành Kinh tế đối ngoại của trường có mức điểm trúng tuyển cao nhất là 28,90 điểm.

Theo PGS Hiền, điểm xét tuyển cao nhất của thí sinh tham gia xét tuyển bao gồm cả điểm cộng ưu tiên khu vực và đối tượng là 30,85 (theo thang điểm 30) và điểm xét tuyển cao nhất của thí sinh tham gia xét tuyển không bao gồm điểm ưu tiên là 29,8 (theo thang điểm 30). Về cơ bản, điểm trúng tuyển của năm 2022 tại tất cả các phương thức xét tuyển của nhà trường là ổn định và chênh lệch không nhiều so với năm 2021. Dự kiến năm 2023, trường sẽ xây dựng và tuyển sinh 2 ngành đào tạo mới là Khoa học dữ liệu và Kinh tế chính trị quốc tế.

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện