Giáo dục

Tuyển sinh đại học 2023: Giảm tối đa tiêu cực xét tuyển học bạ

07:56, 12/01/2023
Tuyển sinh năm nay, nhiều trường ĐH có xu hướng giảm chỉ tiêu xét tuyển từ điểm thi tốt nghiệp THPT và tăng chỉ tiêu xét tuyển học bạ, xét điểm kỳ thi đánh giá năng lực.

Thi một trường, xét vào nhiều trường

Năm nay, ĐH Quốc gia Hà Nội và ĐH Quốc gia TPHCM có thỏa thuận về việc công nhận và sử dụng chung kết quả kỳ thi đánh giá năng lực. Do năm 2023, đề thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội được điều chỉnh thành một đầu điểm thay vì có 4 đầu điểm năm trước.

Từ điểm mới này, bài thi đánh giá năng lực thí sinh giữa hai ĐH quốc gia khá tương đồng, vì chỉ còn 1 bài thi nhằm kiểm tra đánh giá năng lực học ĐH của thí sinh.

Thí sinh tham dự kỳ thi đánh giá tư duy của ĐH Bách khoa Hà Nội năm 2022. Ảnh: HUST
Thí sinh tham dự kỳ thi đánh giá tư duy của ĐH Bách khoa Hà Nội năm 2022. Ảnh: HUST

Năm 2022, kỳ thi đánh giá năng lực ĐH Quốc gia TPHCM đã có 86 trường ĐH và CĐ đăng ký sử dụng kết quả để xét tuyển trực tiếp; còn kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội có hơn 50 đơn vị sử dụng, trong đó có những đơn vị thành viên ĐH Quốc gia TPHCM.

GS.TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho hay, hiện có 7 trường ĐH sư phạm, đào tạo sư phạm đăng ký sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Sư phạm Hà Nội để tuyển sinh năm nay. Trường ĐH Sư phạm TPHCM tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt đầu tiên vào năm 2022, đồng thời trường này ký thỏa thuận công nhận kết quả với Trường ĐH Sư phạm Hà Nội.

Năm 2023, hai trường bắt đầu công nhận kết quả kỳ thi lẫn nhau trong xét tuyển đầu vào của mỗi trường. Thí sinh khu vực phía Bắc muốn xét tuyển vào Trường ĐH Sư phạm TPHCM có thể tham dự kỳ thi đánh giá năng lực tại Trường ĐH Sư phạm Hà Nội và ngược lại.

ĐH Bách khoa Hà Nội cũng tổ chức kỳ thi đánh giá tư duy và năm 2022 có trên 20 trường ĐH sử dụng kết quả này để xét tuyển.

Xét tuyển bằng học bạ vẫn chiếm ưu thế

Mùa tuyển sinh năm 2023, Trường ĐH Thương mại dự kiến vẫn sử dụng các phương thức xét tuyển như năm trước và bổ sung thêm một phương thức xét tuyển mới là sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá tư duy của ĐH Bách khoa Hà Nội.

Trường này cũng dự kiến giảm chỉ tiêu xét tuyển bằng phương thức sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT và tăng chỉ tiêu xét tuyển bằng các phương thức xét tuyển kết hợp.

Trường ĐH Kinh tế Quốc dân cũng giảm tỉ lệ xét từ điểm thi tốt nghiệp trong mùa tuyển sinh năm 2023. Cụ thể, Trường giảm chỉ tiêu đối với phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT từ 35% (năm 2022), xuống còn 25% năm 2023.

Chỉ tiêu xét tuyển theo điểm thi đánh giá tư duy của ĐH Bách khoa Hà Nội tăng từ 2% lên 3%. Tổng 2 phương thức xét tuyển thẳng và xét tuyển kết hợp tăng từ 63% lên 72%.

Trong nhiều năm trở lại đây, xét tuyển bằng học bạ trở thành phương thức được nhiều trường sử dụng để tuyển sinh. Mặc dù ngày càng phổ biến nhưng phương thức xét tuyển này vẫn gây không ít tranh cãi. Nhiều ý kiến cho rằng, xét tuyển bằng học bạ không công bằng, không đánh giá được năng lực của người học.

Dù vậy, để giảm thiểu tối đa những tiêu cực trong việc xét tuyển ĐH bằng học bạ, giáo viên, chuyên gia giáo dục cho rằng, Bộ GD&ĐT cần ban hành bộ tiêu chí chung. Cần siết quy trình kiểm tra, đánh giá tại các địa phương để đảm bảo các trường không chạy theo thành tích mà đánh giá sai lệch năng lực học sinh.

Theo TS. Lê Viết Khuyến, Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, Cao đẳng Việt Nam, để phương thức xét học bạ phát huy ưu điểm, các trường nên xếp vào tiêu chí phụ cùng yếu tố hạnh kiểm, thành tích nổi bật... Như vậy, có thể tuyển chọn thí sinh theo đúng tiêu chí và năng lực người học cần đạt.

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện