Tư vấn hướng nghiệp

Thí sinh đổ dồn vào các ngành “hot” sẽ dễ thất nghiệp?

07:40, 22/05/2021
Trong tổng số 24 nhóm ngành tuyển sinh năm nay, có một số ngành, nhóm ngành có số liệu thống kê nguyện vọng đáng chú ý, trong đó một số nhóm ngành tiếp tục có sức hút lớn nhất với các thí sinh.

Thí sinh trong cả nước vừa hoàn thành thủ tục đăng ký thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển Đại học, Cao đẳng năm 2021. Số liệu về đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học, cao đẳng của thí sinh cho thấy có sự phân hoá mạnh mẽ giữa các ngành nghề được thí sinh lựa chọn.

Trong tổng số 24 nhóm ngành tuyển sinh năm nay, có một số ngành, nhóm ngành có số liệu thống kê nguyện vọng đáng chú ý, trong đó một số nhóm ngành tiếp tục có sức hút lớn nhất với các thí sinh. Thế nhưng, những nhóm ngành này đang dư thừa nhân lực, thí sinh cạnh tranh gắt gao khi ra trường, thậm chí là thất nghiệp. Để rõ hơn về xu hướng lựa chọn ngành nghề thông qua số liệu đăng ký nguyện vọng xét tuyển, bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD-ĐT đã có trao đổi với phóng viên về vấn đề này.

Bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD-ĐT.
Bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD-ĐT.

PV: Thưa bà, bà có đánh giá, phân tích như thế nào khi nhìn vào số lượt đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học chính quy năm nay?

Bà Nguyễn Thu Thủy: Theo số liệu tổng hợp cho đến nay, toàn hệ thống có trên 3,8 triệu nguyện vọng đăng ký, gần 550.000 chỉ tiêu. Tuy nhiên, con số 3,8 triệu nguyện vọng này đã thống kê tất cả các nguyện vọng (từ NV1, NV2, NV3….). Nếu tính tổng nguyện vọng trên chỉ tiêu thì nguyện vọng có số lượng gấp hơn 7 lần chỉ tiêu. Nhưng nếu tính tổng số thí sinh đăng ký xét tuyển nguyện vọng 1 thì chỉ cao gấp 1,45 lần tổng số chỉ tiêu chỉ tiêu của cả hệ thống.

Để đánh giá tình hình, xu hướng đăng ký ngành năm nay cần phải căn cứ số liệu đăng ký NV1 vì NV1 thể hiện ưu tiên số 1, ngành mong muốn, lựa chọn đầu tiên của các em. Chỉ khi không đỗ NV1, các em mới bắt đầu lựa chọn các ngành nghề khác bằng các NV2, NV3.

Tỷ lệ NV1/chỉ tiêu cho thấy, những ngành “hot” nhất, nhiều thí sinh đăng ký nhất năm nay là: An ninh Quốc phòng (566,82%); Báo chí và thông tin (311,65%), Nghệ thuật (210,7%); Du lịch khách sạn, dich vụ cá nhân (201%), Khoa học xã hội và hành vi (197,97%). Trong tổng số nguyện vọng, thì nhóm ngành Kinh Doanh quản lý tuy chiếm tỷ lệ đăng ký nguyện vọng cao nhất (32,77%). Nhưng khi xét NV1 thì nhóm ngành này chỉ chiếm 186,1%, đứng thứ 6 trong những nhóm ngành hút thí sinh nhất. Điều này cho thấy, nhóm ngành này được nhiều thí sinh lựa chọn cho các nguyện vọng tiếp theo, nếu NV1 không đỗ.

Số liệu trên cho thấy nhóm ngành dịch vụ, báo chí thông tin vẫn đang lên ngôi, An ninh Quốc phòng vẫn giữ vững độ hấp dẫn thí sinh. Đáng chú ý, ngành Khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên có tỷ lệ nguyện vọng đăng ký ở nhóm cao (top 9). Điều này cho thấy, việc Chính phủ ban hành và hướng dẫn thực hiện Nghị định 116 về đặt hàng đào tạo giáo viên, với ưu đãi chính sách hỗ trợ sinh viên sư phạm học phí và sinh hoạt phí, đảm bảo đầu ra sau tốt nghiệp cũng đã mang lại thêm sức hút cho ngành sư phạm. Ngược lại, nhóm ngành ít hấp dẫn nhất (tính theo NV1) là Khoa học sự sống (26%) và Khoa học tự nhiên (20,1%.). Điều này hoàn toàn dễ hiểu vì đây là nhóm ngành khoa học cơ bản, nhu cầu nguồn nhân lực không cao, luôn bị coi là khô khan.

PV: Theo bà, những ngành thu hút đông thí sinh đăng ký nguyện vọng thể hiện điều gì?

Bà Nguyễn Thu Thủy: Việc thí sinh đăng ký tập trung vào 1 số nhóm ngành không nên hiểu là lệch. Mà nên hiểu theo hướng nó thể hiện xu hướng nghề nghiệp của năm, giai đoạn đó (là ngành hot, thu nhập đang cao), thể hiện nguyện vọng của thí sinh và thể hiện phần nào nhu cầu, sự dịch chuyển của thị trường lao động, của nền kinh tế. Đây là điều hết sức bình thường, vẫn diễn ra mỗi kỳ tuyển sinh, từ nhiều năm nay. Sự thay đổi xu hướng đăng ký ngành nghề thể hiện sự dịch chuyển của cơ cấu nền kinh tế, nhu cầu thị trường.

PV: Việc nhiều thí sinh đổ dồn đăng ký xét tuyển vào ngành này sẽ tác động như thế nào đến “cuộc đua” xét tuyển, thưa bà?

Bà Nguyễn Thu Thủy: Chúng ta cũng thấy rằng số lượng chỉ tiêu thực ra chính là năng lực đào tạo của các trường thì nhà trường cũng đã căn cứ vào nhu cầu xã hội để điều tiết nguồn lực, đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất của mình để dồn năng lực đào tạo những ngành nghề đó. Thế nhưng khi chúng ta tập trung quá nhiều nguyện vọng của thí sinh vào một số lĩnh vực, tạm gọi là thu hút thế này thì mức độ cạnh tranh chắc chắn sẽ rất cao và khả năng trúng tuyển của các em cũng sẽ khó hơn để vào các ngành đó. Đây là những rủi ro, thách thức mà các em phải đối mặt. Thậm chí hệ quả có thể dẫn tới việc các em không đỗ vào một trường đại học nào cả, bởi vì tất cả nguyện vọng của mình đã dồn vào những ngành mà có mức cạnh tranh cao như vậy.

Ngoài ra việc tạm gọi chạy theo trào lưu đôi khi là trào lưu, tâm lý xã hội mà không cân nhắc tới thực lực, năng lực sở trường, điều kiện cụ thể, đặc điểm của cá nhân, của gia đình có thể dẫn tới việc chọn sai trường, sai nghề mà điều này sẽ mất rất nhiều thời gian, công sức và nguồn lực mới có thể sửa sai được.

PV: Được biết, hiện nay nhu cầu nhân lực cho khối ngành kỹ thuật, dịch vụ khá lớn, nhưng những ngành này lại không hút thí sinh bằng khối ngành kinh tế. Theo bà nguyên nhân vì sao?

Bà Nguyễn Thu Thủy: Có khá nhiều nguyên nhân theo tôi dẫn tới tình trạng này. Trước hết là do tâm lý của thí sinh, thậm chí phụ huynh, những người xung quanh tác động đến việc lựa chọn lĩnh vực ngành nghề của các em.

Thứ hai là thực sự là chúng ta vẫn còn thiếu những đánh giá rất tổng thể về nhu cầu nguồn nhân lực của những ngành nghề khác nhau. Dự báo sự biến động về nhu cầu trong tương lai trung hạn và dài hạn như thế nào để cung cấp cho thí sinh và gia đình những cái nhìn tổng quát hơn về những lĩnh vực mà sẽ cần thiết sẽ cần đang rất nóng đang cần những chuyên gia giỏi.

Những người giỏi để làm việc thực tế. Tôi thấy những nhiều ngành rất quan trọng như là vận tải biển đóng tàu rồi các ngành về khoa học công nghệ cao có nhu cầu rất lớn về nguồn nhân lực và thu nhập của những ngành nghề này cũng rất tốt. Tuy nhiên việc đào tạo cũng rất khắt khe đặt ra yêu cầu về chuẩn đầu vào chuẩn đầu ra thì đồng thời là những ngành nghề nghiệp rất vất vả của những mức độ rủi ro về nghề nghiệp.

Đây cũng là một trong những nguyên nhân mà tôi cho rằng chưa cân đối về thu hút thí sinh giữa các ngành nghề. Một lý do nữa là các trường dạy học vẫn còn thiếu những hoạt động truyền thông quảng bá một cách thiết thực hữu hiệu để cho thí sinh cho xã hội hiểu biết rõ về những ngành nghề đào tạo của mình vì những cái chuẩn đầu ra những công việc mà các em có thể đáp ứng và chúng ta cũng cần gia tăng sự kết nối với doanh nghiệp để doanh nghiệp tham gia vào quá trình đào tạo doanh nghiệp cũng sẽ quảng bá cho ngành nghề của của họ thì như vậy thì chúng ta sẽ có đủ kênh thông tin cho thí sinh và gia đình lựa chọn.

PV: Xin cảm ơn bà!/.

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện