Khoa học công nghệ

Cáp quang biển Việt Nam đứt 10 lần/năm, mỗi lần 1 tháng

16:08, 16/12/2021
Đây là một thực tế đáng buồn, đòi hỏi Việt Nam cần có giải pháp khắc phục để sớm tăng cường cơ sở hạ tầng kết nối Internet quốc tế ngang hàng với các nước khác trong khu vực.

Chia sẻ tổng quan về thực trạng cáp quang biển tại Việt Nam và khu vực, ông Hoàng Đức Dũng – Trung tâm Khai thác toàn cầu (Viettel Network) cho biết, các tuyến cáp quang biển quốc tế từ Việt Nam chủ yếu kết nối đến các hub chính là Singapore, Hồng Kông, Mỹ và Pháp.

Xét riêng trong khối các nước Đông Nam Á, mức độ đảm bảo về hạ tầng quốc tế phục vụ kết nối Internet cho người dùng Việt Nam hiện ở mức thấp nhất trong khu vực.

Điều này có thể dễ dàng nhận thấy rõ qua số lượng các tuyến cáp quang biển. Theo đó, Singapore hiện là nước có cơ sở hạ tầng kết nối Internet tốt nhất với 30 tuyến cáp quang biển dù chỉ có 5,8 triệu dân. Đây cũng là lý do khiến nước này trở thành một Hub về viễn thông trong khu vực Đông Nam Á. 

Tổng quan về hạ tầng cáp quang biển Việt Nam và các nước khác trong khu vực. Hiện Việt Nam có tổng cộng 7 tuyến cáp quang biển, 5 tuyến đang hoạt động và 2 tuyến sẽ đưa vào vận hành trong những năm tới đây. 

Xếp ngay sau Singapore về cơ sở hạ tầng kết nối Internet là Malaysia. Quốc gia này có tổng cộng 22 tuyến cáp quang biển. Một nước khác ngay sát với chúng ta là Thái Lan cũng có tới 10 tuyến cáp quang biển. Trong khi đó, Việt Nam hiện chỉ có tổng cộng 7 tuyến cáp quang biển, đạt tỷ lệ 14 triệu dân/tuyến cáp quang.

Các doanh nghiệp Việt Nam đang tham gia khai thác 5 tuyến cáp quang biển gồm AAG (Asia-America Gateway), SMW3 (hay còn gọi là SEA-ME-WE3), cáp quang biển Liên Á - IA (Tata TGN-Intra Asia), APG (Asia Pacific Gateway) và AAE-1 (Asia Africa Europe 1).

Trong đó, SMW3 là tuyến cáp cũ (vận hành từ năm 1999), dữ liệu ít và sắp bị thanh lý. Hai tuyến cáp quang biển SJC2 và ADC dự kiến đến năm 2022 hoặc 2023 mới đưa vào khai thác.

Chia sẻ thêm nhận định về thực tế này, đại diện Viettel Network cho biết hiện hạ tầng cáp quang biển Việt Nam chưa đủ dùng cho các doanh nghiệp viễn thông (chỉ riêng thuê bao của các nhà mạng).

Doanh nghiệp vẫn phải đi thuê đường truyền dữ liệu. Đó là lý do khi sự cố đứt cáp xảy ra, các doanh nghiệp viễn thông trong nước vẫn chưa đủ hạ tầng ứng cứu. Điều này còn chưa tính tới việc cung cấp dịch vụ phục vụ nhu cầu của những doanh nghiệp OTT, CDN, CP, Cloud quốc tế lớn đến Việt Nam. 

Ông Hoàng Đức Dũng – Trung tâm Khai thác toàn cầu (Viettel Network) chia sẻ về tổng quan về thực trạng cáp quang biển tại Việt Nam và các nước Đông Nam Á.


Có một điều đáng buồn khác khi theo ông Hoàng Đức Dũng, trung bình trong khoảng 5 năm trở lại đây, mỗi năm có khoảng 10 sự cố liên quan đến các tuyến cáp quang biển Việt Nam. Thời gian khắc phục trung bình của mỗi sự cố kéo dài khoảng 1 tháng.

Điều này dẫn đến tình trạng, các nhà mạng Việt Nam chỉ sử dụng được khoảng 3/4 tuyến cáp chính. Đây là một thách thức với các nhà mạng, khiến các doanh nghiệp viễn thông luôn phải dự phòng từ 20-25% dung lượng kết nối để đảm bảo trong trường hợp sự cố đứt cáp xảy ra. Thực tế đó đã gây ảnh hưởng đến chi phí đầu tư cũng như quá trình vận hành, khai thác của các nhà mạng để đảm bảo chất lượng tốt nhất cho người dùng.

Theo báo cáo tháng 8/2021 của Ngân hàng Thế giới (World Bank), khi so sánh với 12 quốc gia có điều kiện tương đồng, kết nối Internet của Việt Nam thuộc nhóm cần phải cải thiện chất lượng và tốc độ nếu muốn thành công trong nền kinh tế số.

Điều này đặt trong bối cảnh, theo dự báo của nhiều doanh nghiệp quốc tế như Huawei, Cisco, nhu cầu kết nối Internet quốc tế được dự báo sẽ gia tăng với tốc độ 25%/, thậm chí 50%/năm. Do vậy, đến năm 2030, Việt Nam cần mở rộng khả năng kết nối quốc tế gấp 10 lần hiện tại. Nhu cầu này còn có thể lên gấp 40 lần nếu tính theo những dự báo tăng trưởng khả quan. 

Dự báo nhu cầu dung lượng kết nối Internet quốc tế. 

Trước những thách thức đó, Viettel đề xuất Bộ Thông tin & Truyền thông tạo điều kiện để các doanh nghiệp có thể chủ động đầu tư triển khai cấp vốn cho các dự án hạ tầng Internet quốc tế tại Việt Nam. Bên cạnh đó, Việt Nam cần đặt mục tiêu trở thành một Digital Hub của thế giới.

Trước những chia sẻ của doanh nghiệp về tổng quan thực trạng cáp quang biển Việt Nam, ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) cho rằng, vấn đề cáp quang biển chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới chất lượng truy cập Internet.

Theo đại diện Cục Viễn thông, với thực trạng hiện nay, vẫn có những cách để đảm bảo chất lượng cho người dùng Internet trong nước. Phương án dễ thấy nhất là đặt dung lượng dự phòng lớn hơn so với nhu cầu thông thường.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp viễn thông cũng cần có những giải pháp lâu dài như tăng tiêu dùng dữ liệu trong nước hay xây dựng trung tâm dữ liệu trong nước nhằm giảm tình trạng ảnh hưởng khi các tuyến cáp quang gặp sự cố.

Chia sẻ thêm về vấn đề này, đại diện Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) cho rằng, việc đẩy mạnh sử dụng các sản phẩm công nghệ trong nước cũng sẽ giúp giảm thiểu ảnh hưởng khi đường truyền cáp quang biển quốc tế có vấn đề. Đây được xem là hướng đi bền vững hơn để phát triển những sản phẩm công nghệ Việt Nam.

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện