TV & Video Hoạt động NTV
Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Nhân rộng các mô hình nuôi cá nước ngọt ở miền núi Tương Dương

10:10, 03/06/2019
Những năm qua, cùng với phát huy thế mạnh các lòng hồ thuỷ điện, huyện Tương Dương đã triển khai nhiều mô hình nuôi cá nước ngọt tại các xã trên địa bàn huyện. Thông qua việc xây dựng mô hình, đã giúp đồng bào dân tộc thiểu số tại các bản làng vùng sâu, vùng xa tiếp cận với tiến bộ KHKT, tăng thu nhập, nâng cao mức sống, góp phần xoá đói giảm nghèo bền vững.
Gia đình ông Lương Văn Pắn ở bản Khe Ngậu là 1 trong 15 hộ gia đình được lựa chọn triển khai thực hiện mô hình đào ao thả cá thương phẩm.

Gia đình ông Lương Văn Pắn ở bản Khe Ngậu là 1 trong 15 hộ gia đình được xã Xá Lượng, huyện Tương Dương lựa chọn triển khai thực hiện mô hình đào ao thả cá thương phẩm. Được chương trình nông thôn mới hỗ trợ kinh phí đào ao, cung cấp nguồn cá giống cũng như thức ăn ông đã mạnh dạn cải tạo lại nguồn quỹ đất sẵn có của gia đình đào 2 ao với diện tích mặt nước hơn 800 m2 để nuôi cá. Các giống cá thả nuôi chủ yếu là trắm cỏ, mè, chép và cá rô phi. Đây là các loại cá có thể nuôi theo hình thức nuôi ghép, quy trình kỹ thuật nuôi phù hợp người dân. Bên cạnh thức ăn công nghiệp còn có thể tận dụng các loại phụ phẩm nông nghiệp có sẵn ở địa phương như lá sắn, cỏ, chuối, ngô..

Ông còn trồng thêm chuối, rau, cỏ...phục vụ chăn nuôi cá.

Ông Pắn chia sẻ: nuôi cá ao mặc dù không vất vả nhưng đòi hỏi sự chịu khó, lấy công làm lời. Vào buổi sáng, ông tranh thủ vào rừng lấy thêm cỏ về làm thức ăn cho cá ăn. Nhờ chăn nuôi đúng quy trình kỹ thuật, cá phát triển tốt, bình quân mỗi con có trọng lượng từ 3-3,5kg, với giá bán 130.000đồng/1kg, trong năm vừa qua gia đình ông thu nhập gần 30-40 triệu đồng từ tiền bán cá. 
 “Được cán bộ kỹ thuật huyện, xã xuống tận hộ gia đình hướng dẫn chúng tôi triển khai làm ao cá này, như bản thân tôi đã nắm bắt được kỹ thuật nuôi cá, từ phòng bệnh, thức ăn chăn nuôi...hiện nay hiệu quả của gia đình tôi thay đổi khá rõ rệt” – ông Pắn cho biết.

Tham gia mô hình, ông Pắn được hướng dẫn về kỹ thuật nuôi cá, được hướng dẫn cách cải tạo ao, chăm sóc cá.

Để tăng thu nhập, ông còn mạnh dạn nhận bảo vệ hơn 9ha rừng, kết hợp với trồng rừng nguyên liệu và đầu tư phát triển chăn nuôi. Với tinh thần, ý chí vượt khó vươn lên, ông xác định để kinh tế gia đình đi lên một cách bền vững trong khi ít vốn thì phải thực hiện phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, tìm ra nguồn thu khác trong khi chờ diện tích rừng cho thu hoạch. Ngoài trồng lúa, trồng ngô, gia đình ông còn trồng hàng trăm gốc chuối, trồng rau, trồng bí đỏ...phục vụ phát triển chăn nuôi. Tính ra, từ chăm sóc và bảo vệ rừng, trồng trọt và chăn nuôi, tổng thu nhập của gia đình ông Pắn đạt 200 triệu đồng/năm. Không chỉ có gia đình ông mà cả 15 gia đình được chương trình đầu tư bình quân 10 triệu đồng/hộ để đào ao nuôi cá, đều phát huy hiệu quả.

Bên cạnh thức ăn công nghiệp còn có thể tận dụng các loại phụ phẩm nông nghiệp có sẵn như lá sắn, cỏ, bí đỏ..

Sau khi có hỗ trợ sản xuất theo chương trình NTM, UBND xã đã triển khai xuống tận hộ dân, tổ chức họp dân. Những hộ nào có khả năng thực hiện, có lao động, có địa điểm để đào ao, thì xã sẽ đầu tư để bà con đào ao thả cá, trong đó ao diện tích thấp nhất là 300m2” – bà Lô Thị Trà My, Phó Chủ tịch UBND xã Xá Lượng trao đổi.

Cán bộ kỹ thuật hướng dẫn

Cũng theo bà Lô Thị Trà My, điểm vượt trội của mô hình là mang lại thu nhập cao, người dân được hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, cách phòng trị bệnh nên cá phát triển nhanh, tỷ lệ hao hụt thấp. Thời gian thu hoạch từ 1,5 – 2 năm như trước đây được rút ngắn xuống còn từ 8 tháng – 1 năm. Hơn nữa, lâu nay đồng bào dân tộc chỉ quen đánh bắt cá tự nhiên ở sông, suối để cải thiện bữa ăn hằng ngày, còn việc nuôi cá thì chủ yếu là chỉ thả cá giống, việc chăm sóc nuôi dưỡng hầu như là “nhờ trời”.

Nhờ chăn nuôi đúng quy trình kỹ thuật, cá phát triển tốt, bình quân mỗi con có trọng lượng từ 3-3,5kg.

Vì vậy, từ chính những mô hình được triển khai tại chỗ, hỗ trợ kỹ thuật thông qua phương pháp "cầm tay chỉ việc", đã tạo được niềm tin cho người dân trong việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Góp phần thay đổi tập quán nuôi cá của đồng bào dân tộc thiểu số từ chỗ chỉ nuôi theo tập quán lạc hậu và kinh nghiệm của bản thân là chính sang nuôi có kỹ thuật, lựa chọn cá giống có chất lượng tốt, đầu tư thức ăn, phòng bệnh cho cá…

Cán bộ Nông nghiệp huyện, xã kiểm tra mô hình nuôi cá của gia đình ông Lương Văn Pắn.

“Qua một năm triển khai, chúng tôi thấy các hộ dân có thu nhập khá từ ao cá. Mặc dù, ở địa phương diện tích mặt nước, lòng hồ khá lớn, song nuôi trên lòng hồ mang tính rủi ro cao. Nhiều hộ nuôi cá trên lòng hồ bị mất trắng khi thủy điện xả lũ, rồi chưa kể khi thủy điện tích nước thì mặt nước cạn kiệt, ảnh hưởng rất lớn đến chăn nuôi. Chính vì vậy, chủ trương đào ao nuôi cá bước đầu đã được bà con tích cực hưởng ứng và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Từ ao cá có diện tích khoảng 300m2, đem lại thu nhập khoảng từ 30-40 triệu đồng/năm. Trong thời gian tới, xã sẽ tiếp tục tuyên truyền vận động nhân dân và chỉ đạo tiếp tục nhân rộng mô hình chăn nuôi ao cá kết hợp trồng các loại cây thức ăn cho cá như trồng chuối, cỏ, rau, sắn...nhằm giải quyết việc làm cho lao động nhàn rỗi, tăng thu nhập cho người dân, góp phần hoàn thành chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững ở địa phương.” – Bà Lô Thị Trà My trao đổi.

Hiến Chương

Sự kiện liên quan

    Xem thêm sự kiện

    Xem thêm