Kinh tế

Xóm lồng bè thoát nghèo nhờ lòng hồ thủy điện Bản Vẽ

16:10, 25/10/2021
Tận dụng diện tích mặt nước, giữa lòng hồ thủy điện Bản Vẽ, huyện Tương Dương mênh mông sóng nước. Có một xóm nghèo với trên chục ngôi nhà gỗ được dựng trên những khu lồng bè nuôi cá, bước đầu mang lại hiệu quả, không những giải quyết việc làm, nhiều hộ dân còn thoát được cái nghèo.

Tạo sinh kế giúp dân thoát nghèo

Con đường mòn rộng chừng hơn 1 mét dẫn xuống lòng hồ thuỷ điện ở bến thượng lưu đập thuỷ điện Bản Vẽ huyện Tương Dương (Nghệ An), trở nên khô ráo hơn sau những ngày nắng đẹp. Trên cao nhìn xuống, những ngôi nhà gỗ trên lồng bè xếp quanh thành ôm trọn lòng hồ, in bóng trên mặt hồ xanh ngắt. 

Khu vực nuôi cá lồng trên lòng hồ tại bến thượng lưu đập thuỷ điện Bản Vẽ, huyện Tương Dương.

Gặp bà Đậu Thị Vinh (55 tuổi) ngay dưới chân bến đập thuỷ điện Bản Vẽ, bà Vinh cho hay, bà người gốc ở ngoài Cửa Rào nhưng cái nghèo, cái khổ đã đẩy đưa vợ chồng, con cái dắt nhau xuống lòng hồ định cư, kiếm sống đã 5-6 năm nay.

Lúc trước, gia đình tôi cũng sinh sống bằng nghề đánh bắt và kinh doanh cá tự nhiên trong lòng hồ thủy điện cuộc sống rất bấp bênh. Từ năm 2018, khi huyện có chủ trương khuyến khích mô hình nuôi cá lồng bè hồ thủy điện, bà là một trong những người tiên phong xuống hồ. “Lúc đầu chỉ 2 vợ chồng ra lòng hồ ở, dựng lồng bè để nuôi cá, con cái ở nhà cũ trên bờ. Dần dà tôi đưa cả gia đình xuống đây ở luôn, sớm tối có nhau” - bà kể.

Ngôi nhà gỗ của bà Vinh dựng trên khu lồng bè khá chắc chắn. Trong nhà, bàn ghế, giường, tủ, tivi... đều có đủ. Bà Vinh kể, thời điểm bắt đầu cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn do chưa có nhiều kinh nghiệm nên đàn cá bị dịch bệnh và chết rất nhiều. Sau này, hai ông bà mày mò đi các nơi học hỏi kinh nghiệm nuôi các loài có hiệu quả kinh tế cao hơn, đến nay gia đình bà đã có 8 lồng nuôi cá trắm.

Cái khó nhất của bà con vẫn là hướng tiêu thụ, hiện các hộ nuôi chủ yếu tự tìm đầu ra, chúng tôi chào hàng chủ yếu ở các nhà hàng, khách sạn, cửa hàng thực phẩm ở dưới TP Vinh… dần dần, đối tác của chúng tôi nhận được phản hồi tốt từ phía người tiêu dùng nên họ đã chủ động tìm để thu mua. Bà con nuôi cá lồng ở đây chỉ mong có được đầu ra bền vững, để nhiều người tiêu dùng biết đến và có cơ hội dùng cá nuôi thịt dai, ngon và rất sạch… bà Vinh chia sẻ

Nhờ sự cần mẫn, năm nào bà cũng kiếm được hơn trăm triệu đồng, có tiền nuôi con ăn học. “Hồi đầu khi mới làm, thất bại cũng nản lắm, rồi lại phải ở hẳn trên sông nước, nhưng rỗi ở mãi thành quen, chẳng muốn lên bờ…” – bà Vinh, tâm sự.

Nhường đất cho thủy điện Bản Vẽ - ông Lô Văn Chương (60 tuổi) sau khi được tái định cư xuống xã Ngọc Lâm (Thanh Chương). Sinh sống ở khu tái định cư một thời gian, ông bà để con cái ở lại học hành, còn hai vợ chồng quay về quê cũ, dựng lán vừa chăn nuôi bò, lợn và đóng ít lồng nuôi cá trong lòng hồ. Việc nuôi cá không tốn kém nhiều công sức, thức ăn cho cá chủ yếu là rau, cỏ nên cũng dễ kiếm. Mỗi năm, từ chăn nuôi bò và lồng cá, gia đình ông Chương cũng có thu nhập ổn định từ 40-50 triệu đồng mà không phải lo thiếu đói…ông Chương cho biết.

Trên địa bàn huyện Tương Dương hiện có 21.450m3 tổng thể tích nuôi cá lồng tại lòng hồ thủy điện, với trên 429 lồng cá và trong 9 tháng đầu năm đạt sản lượng 490 tấn, bình quân cho thu nhập mỗi lồng từ 25-30 triệu đồng/1 năm. Các lồng cá này chủ yếu ở xã Yên Na, Lượng Minh, Hữu Khuông và một số hộ dân tái định cư thủy điện Bản Vẽ từ Ngọc Lâm (Thanh Chương) quay lại lòng hồ tham gia nuôi. Riêng khu vực lòng hồ thủy điện Bản Vẽ có trên 300 lồng cá, hàng chục hộ đã thoát nghèo, có kinh tế ổn định nhờ nuôi cá. 

Việc phát triển nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện đã giải quyết việc làm cho một bộ phận lao động, giúp họ tăng thu nhập, giảm tỷ lệ đói nghèo. Với những loại cá đã cho thu hoạch như: cá trắm, cá ghé, cá mương… cho thu nhập trung bình từ 25-30 triệu đồng/1lồng/năm. Từ đó, tạo sinh kế, góp phần nâng thu nhập cho bà con, nhiều hộ dân trên địa bàn nhờ nuôi cá đã thoát nghèo bền vững, ông Lô Khăm Kha - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Tương Dương cho hay.

Khai thác, phải đi đôi với bảo vệ

Để kiểm soát, bảo vệ các hoạt động khai thác, đánh bắt thủy sản hiệu quả, huyện Tương Dương đã tuyên truyền, nâng cao ý thức, trách nhiệm người dân khu vực lòng hồ không sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc và các ngư cụ mang tính hủy diệt để khai thác thủy sản. Tuy nhiên, nhiều năm qua việc khai thác quá mức nguồn lợi cá, xây dựng thủy điện, khai thác vàng, chặt phá rừng và canh tác đất dốc ở khu vực vùng hồ như hiện nay đã làm giảm sút nghiêm trọng về số lượng và chất lượng nguồn lợi cá trên sông, ảnh hưởng xấu đến môi trường sinh thái.

Được biết, vùng lòng hồ thủy điện Bản Vẽ huyện Tương Dương và các lòng hồ thuỷ điện ở huyện Quế Phong, chủ yếu nuôi các loài cá như cá trắm, cá ghé, cá leo, cá vược…để hài hòa lợi ích giữa khai thác thủy sản trên hồ với việc bảo vệ môi trường sinh thái, các địa phương như Tương Dương, Quế Phong đang có kế hoạch triển khai đầu tư để phát triển nguồn lợi cá, nghiên cứu, tạo môi trường sinh sản thuận lợi cho các loài cá đặc sản.

 

Bà Đậu Thị Vinh bên những lồng bè nuôi cá của mình.

Tập trung phát triển và đa dạng hóa các đối tượng thủy sản đặc sản có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện khí hậu, nguồn nước...như cá Lăng, cá Leo, cá Chình, cá Trắm đen, cá Thát Lát... trên nhiều loại hình nuôi, hình thức nuôi. Đồng thời, không ngừng đổi mới công nghệ nuôi tiên tiến, tăng năng suất, sản lượng, đóng góp khoảng 8-10% trong cơ cấu sản lượng của ngành nuôi trồng thủy sản.

Để làm được điều đó, ông Lô Thanh Nhất cho hay, huyện tiếp tục khuyến khích các hộ gia đình mở rộng diện tích nuôi cá lồng lòng hồ thủy điện với những giải pháp gồm: quy hoạch phát triển tổng thể nuôi trồng thủy sản đến năm 2025, quy hoạch chi tiết vùng gắn với các đối tượng nuôi chủ lực nhằm sử dụng có hiệu quả tại hồ thủy điện. Huyện chú trọng gắn nuôi thủy sản theo hướng sản xuất hàng hóa với nuôi truyền thống; ưu tiên các nguồn hỗ trợ từ những chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và nguồn kinh phí sự nghiệp nông thôn mới, để bà con có vốn đầu tư nuôi cá lồng.

“Những người dân ở đây đã cần mẫn, linh hoạt tìm giống cá hiệu quả nên thu nhập rất đỡ, cuộc sống gia đình khấm khá, nhiều hộ đã thoát nghèo. Đến giờ họ đã trả hết số nợ vay, tiếp tục tăng số lượng lồng bè, đó là điều đáng mừng” - ông Nhất nói.

Mặt khác, huyện Tương Dương tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ cung cấp giống thủy sản nước ngọt, cung cấp thức ăn và tiêu thụ sản phẩm như: hỗ trợ thuế sử dụng đất, cấp giấy phép hoạt động, tư vấn và kiểm tra kịp thời trong quá trình hoạt động của các đơn vị. Trước thực trạng nguồn lợi thủy sản đang bị khai thác tận diệt, huyện Tương Dương đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với các xã dọc sông đẩy mạnh tuyên truyền các văn bản quy định về khai thác, đánh bắt thủy sản. Bảo vệ nghiêm ngặt các bãi cá đẻ tự nhiên. Quy định cụ thể mùa vụ khai thác, cỡ cá khai thác, mắt lưới tối thiểu dùng để khai thác, quản lý vùng cấm khai thác có thời hạn với các bãi cá đẻ. Xây dựng các mô hình tổ chức đồng quản lý nguồn lợi thủy sản với sự tham gia của cộng đồng. Mở các lớp tuyên truyền về các nội dung văn bản của trung ương, tỉnh về bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Tổ chức thăm quan học tập kinh nghiệm về mô hình quản lý cộng đồng có hiệu quả.

Bảo tồn 10 km2 nguồn lợi cá Mát gắn với du lịch sinh thái Nông nghiệp tại các xã Tam Quang, Tam Thái, Tam Đình, Lưu Kiền, Nga My, Xiêng My, Tam Hợp. Thành lập HTX có chức năng bảo vệ, đánh bắt và nuôi trồng thủy sản trên lòng hồ bản Vẽ.

Nhiều khó khăn trước mắt, được ông Lô Khăm Kha chỉ ra, trên địa bàn huyện mới manh nha mô hình ươm con giống nhưng hiệu quả không cao. Việc bị động trong cung cấp các giống cá khiến cho quy mô nuôi cá lồng chưa đạt được hiệu quả cao nhất, vì thế mà một diện tích lòng hồ rộng lớn còn bỏ trống. Cùng với đó người dân nuôi cá lồng vẫn còn mang nặng tập tục sản xuất của địa phương, cá nuôi gối vụ qua nhiều năm, nhiều lứa nên hiệu quả không cao. Hơn nữa trình độ dân trí không đồng đều, thiếu kiến thức về khoa học kỹ thuật, mức độ đầu tư thâm canh còn thấp, nên ảnh hưởng rất lớn đến năng suất.

“Niệc nuôi cá lồng còn gặp khó khăn do đầu ra chưa ổn định. Hầu hết người dân chưa có công ty, doanh nghiệp nào bao tiêu sản phẩm, mà chỉ bán rẻ tại các chợ, nhà hàng nhỏ trên địa bàn huyện Tương Dương và một số huyện lân cận. Huyện mong muốn các doanh nghiệp, chính quyền tỉnh Nghệ An quan tâm đầu ra, có những chính sách ưu đãi mời gọi doanh nghiệp để tạo đầu ra, thu nhập ổn định cho bà con”- ông Kha nói.

Hoàng Trinh

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện