Kinh tế

Hiệu quả từ chuyển đổi trồng sắn nguyên liệu trên đất bãi ở Anh Sơn

15:23, 06/01/2022
Thực hiện chủ truơng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, những năm gần đây nhiều địa phương ở huyện Anh Sơn đã đưa cây sắn nguyên liệu vào trồng trên đất bãi sông Lam thay thế diện tích một số loại cây trồng trước đó. Năng suất sắn đạt khá cao, góp phần nâng cao thu nhập cho bà con nông dân.

Gia đình ông Nguyễn Văn Nghĩa, ở thôn 6 xã Đỉnh Sơn có mùa thu hoạch đầu tiên sau khi chuyển 7 sào đất bãi trồng ngô sang trồng sắn nguyên liệu. Ông Nghĩa chia sẻ: “Sắn là loại cây trồng thích nghi với nhiều loại đất canh tác, kể cả đất trống đồi trọc, đất bạc màu, đất bãi. Việc áp dụng khoa học kỹ thuật trong trồng, chăm sóc đem lại hiệu quả kinh tế cao. Mặt khác, trồng cây sắn không tốn kinh phí trong khâu đầu tư giống, có thể tự để giống từ vườn sắn của mình cho vụ sau.

Với diện tích 7 sào, gia đình ông thu hoạch được hơn 11 tấn sắn, thu về hơn 20 triệu đồng.

Những năm gần đây, cây sắn được xem là cây trồng mũi nhọn trong phát triển kinh tế nông nghiệp ở huyện Anh Sơn

Gia đình anh Bùi Xuân Hòa ở thôn 4 xã Hội Sơn là một trong những hộ đầu tiên của xã chuyển đổi 15 sào đất bãi ven sông Lam sang trồng sắn nguyên liệu. Theo anh Hòa, để tránh mưa lụt gia đình xuống giống sớm hơn so với sắn trồng trên đất đồi, thời gian trồng tháng  11 năm trước và đến tháng 8 đã cho thu hoạch. Mặc dù mới trồng vụ đầu tiên, nhưng nhờ trồng và chăm sóc theo đúng khoa học kỹ thuật, nên sắn phát triển tốt, cây ra nhiều củ, không có sâu bệnh, năng suất cao trung bình 1 sào của gia đình anh Hòa đạt năng suất 1,5 tấn, với giá thu mua tại bãi là 2.000 đồng/kg cho gia đình anh thu về gần 50 triệu đồng.  

Việc áp dụng khoa học kỹ thuật trong trồng, chăm sóc sắn đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Ông Nguyễn Văn Quyết, chủ tịch UBND xã Hội Sơn cho biết: Toàn xã hiện có hơn 80ha trồng sắn nguyên liệu thì có 10ha bà con chuyển đổi trồng trên đất bãi. Việc đưa cây sắn ra trồng tại vùng bãi là một hướng đi mới, mang tính đột phá góp phần khai thác tiềm năng vùng bãi và mang lại hiệu quả kinh tế khả quan sau chuyển đổi của xã Hội Sơn. Bình quân mỗi sào đạt từ 1,5-1,8 tấn, với giá thu mua tại ruộng giao động từ 1.900- 2.000 đồng/kg, 1 sào sắn cho bà con nông dân thu lãi từ 3-4 triệu đồng.

Trong quá trình triển khai trồng sắn trên đất bãi, doanh nghiệp luôn đồng hành cùng địa phương trong việc triển khai những chính sách hỗ trợ, khuyến khích nông dân trồng cây sắn thông qua việc ký kết hợp đồng đầu tư và bao tiêu sản phẩm với người nông dân, hỗ trợ chuyển giao khoa học kỹ thuật, đưa giống mới, năng suất cao vào trồng.

doanh nghiệp luôn đồng hành cùng địa phương trong việc triển khai những chính sách hỗ trợ, khuyến khích nông dân trồng cây sắn.

Theo những người trồng sắn cho biết, giá thu mua ngay từ đầu vụ thu hoạch đã ổn định. Sau khi trừ hết chi phí, cho bà con thu lãi từ 50- 60 triệu đồng/ha. Hiện nay, huyện Anh Sơn cũng đang chỉ đạo các địa phương tuyên truyền bà con trồng đúng quy hoạch, áp dụng các giải pháp canh tác khoa học để đảm bảo đất không thoái hóa; Đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa để giảm thất thoát sau thu hoạch. Với việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, cây sắn cũng là một trong những loại cây trồng mang lại hiệu quả cao cho người nông dân trên địa bàn huyện, góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp của huyện đạt hiệu quả cao.

Thái Hiền

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện