Kinh tế

Hướng đi mới cho sản phẩm nông nghiệp ở Nghĩa Đàn

10:43, 15/04/2023
Là huyện miền núi thuần nông, với những điều kiện về thiên nhiên, địa lý, huyện Nghĩa Đàn đã chọn phát triển nông nghiệp làm thế mạnh cho địa phương. Với mục tiêu đó, phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM) hơn 10 năm qua, Nghĩa Đàn đã tạo nên một hình ảnh huyện NTM năng động, phát triển các sản phẩm nông nghiệp đa dạng, có chất lượng.

Ngoài các cây trồng mía, cam, ổi, quýt… thì  cây sở được người dân Nghĩa Đàn trồng hơn 1.000 ha theo dự án phủ xanh đất trống đồi núi trọc hiện nay đã cho thu nhập ổn định và đã có một số doanh nghiệp mạnh dạn chuyển hướng đầu tư sản xuất dầu sở để xuất khẩu.

Nghĩa Đàn là một trong những địa phương đứng đầu cả nước về diện tích trồng Sở với hơn 1.000 ha.

Gia đình anh Nguyễn Văn Lưu ở xóm Khe Sài xã Nghĩa Lộc có hơn 10 năm kinh doanh thu mua hạt Sở. Hơn 4 năm nay, anh mạnh dạn thành lập Công ty đầu tư hệ thống lò sấy, ép dầu sở và hoàn thành các thủ tục cấp mã vùng trồng, đăng ký tiêu chuẩn VietGap. Để dầu sở được xuất  khẩu Công ty cần sự tư vấn, đầu tư dây chuyền khép kín các công đoạn từ sấy khô, bóc vỏ, ép dầu theo dây chuyền sản xuất hiện đại nhập khẩu từ nước ngoài. Anh Nguyễn Văn Lưu, Cty TNHH Nông Lâm Sản Việt Trung cho biết: “Trước đây tôi thu mua bán cho các thương lái đi Trung Quốc, sau thấy nhu cầu thị trường về dầu sở tôi mở xưởng ép dầu. Thấy nhu cầu thị trường đầu ra đối với hạt sở tương đối ổn định và chúng tôi cũng mong muốn được cấp trên hỗ trợ để doanh nghiệp đầu tư dây chuyền hiện đại và đủ các tiêu chí sản phẩm 4 sao xuất khẩu đi các nước.”

Người dân làm cỏ, bón phân cho cây Sở.

Năm 2020, trang trại Hộ gia đình bà Bùi Thị Thanh xóm Bình Minh xã Nghĩa Lộc, được cấp chứng nhận Global GAP là tín hiệu vui đối với bà con nông dân trồng cây sở trên địa bàn huyện Nghĩa Đàn, giúp mở rộng thị trường tiêu thụ, giải được bài toán tìm đầu ra cho sản phẩm, góp phần khẳng định hướng đi đúng từ việc tăng thu nhập qua con đường sản xuất nông nghiệp sạch trên địa bàn. Sở là loài cây thuộc giống chè, có thời gian sinh trưởng lâu năm, khả năng thích nghi với nhiều điều kiện địa hình và khí hậu, không bị sâu bệnh. Sản phẩm chính của loài cây này là lấy hạt để ép dầu làm thực phẩm, chế biến xà phòng, làm thuốc chữa bệnh ngoài da và dùng làm phân bón, thuốc trừ sâu...Bà Thanh chia sẻ.

Trước khi ép ra dầu sở được lựa chọn cận thận từng hạt.

Việc sản xuất cây sở theo tiêu chuẩn Global GAP nằm trong chương trình Nhiệm vụ hoạt động KH&CN huyện Nghĩa Đàn năm 2020 do UBND huyện Nghĩa Đàn chủ trì với mục tiêu chung là xây dựng vùng chuyên canh Cây Sở áp dụng tiêu chuẩn Global GAP và các giải pháp khoa học công nghệ tiên tiến để nâng cao chất lượng, năng suất phục vụ xuất khẩu và tiêu thụ nội địa.  Được biết, tiêu chuẩn Global GAP là một bộ tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu, có các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc cùng các vấn đề về an toàn, sức khỏe và phúc lợi cho người lao động và bảo vệ môi trường. Sản phẩm đạt Globalgap sẽ được thừa nhận ở tầm quy mô quốc tế, đồng thời dễ dàng được chấp nhận vào các thị trường các nước khó tính trên thế giới.

Năm 2020 sản phâm sở được cấp chứng nhận Global GAP.

Huyện Nghĩa Đàn là một trong những địa phương đứng đầu cả nước về diện tích trồng Sở với hơn 1.000 ha, tập trung tại các xã: Nghĩa Yên, Nghĩa Minh, Nghĩa Mai, Nghĩa Lâm, Nghĩa Long, Nghĩa Lộc. Bình quân mỗi ha sở cho thu hoạch 7 tấn hạt. Như vậy hàng năm, sau khi trừ hết các chi phí thì mỗi ha sở người dân đã thu lãi được 80 – 100 triệu đồng. Dầu sở, 1 lít tiêu thụ nội địa giá từ 250 - 300 ngàn đồng, xuất khẩu từ 1,2-1,5 triệu đồng/lít. Ông Nguyễn Văn Nam, Phó trưởng phòng Nông nghiệp huyện Nghĩa Đàn cho biết: Việc phát triển sản phẩm nông nghiệp thời gian qua trên địa bàn huyện Nghĩa Đàn đã góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp và nông thôn; đẩy mạnh việc khai thác, đưa vào sản xuất thêm diện tích đất trống, tăng thêm hàng hóa nông sản, tiềm năng và lợi thế của đất đai được khai thác tốt. Trồng cây sở là hướng chuyển đổi sản xuất cho người dân vùng bán sơn địa, góp phần đảm bảo độ che phủ ở những khu vực rừng phòng hộ đầu nguồn; đồng thời nâng cao thu nhập cho các hộ dân.

Tham qua tai cơ sở chế biến dầu sở trang trại hộ gia đình bà Bùi Thị Thanh xóm Bình Minh xã Nghĩa Lộc.

Khi được đầu tư công nghệ tiến tiến để nâng cao chất lượng sản phẩm phục vụ xuất khẩu và tiêu thụ nội địa sẽ giúp người trồng sở trên địa bàn Nghĩa Đàn mở rộng thị trường tiêu thụ, giải được bài toán tìm đầu ra cho sản phẩm, góp phần khẳng định hướng đi đúng từ việc tăng thu nhập qua con đường sản xuất nông nghiệp sạch. Qua đó, nâng tầm giá trị cho các sản phẩm nông nghiệp, tạo thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị./.

Minh Thái  

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện