Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Vô địch AFF Cup, nhưng V-League thì không

09:33, 30/12/2018
Đội tuyển Việt Nam đã có một bước tiến lớn ở sân chơi khu vực sau thành công với chức vô địch AFF Suzuki Cup 2018. Nhưng có một thực tế không khó nhận ra, V-League sân chơi mang tính nền tảng cho sự phát triển của bóng đá quốc gia lại không có được bước tiến như thế!
Thành công của các đội tuyển quốc gia hiện trái ngược hoàn toàn với hình ảnh của V-League. Ảnh: Quang Minh
Thành công của các đội tuyển quốc gia hiện trái ngược hoàn toàn với hình ảnh của V-League. Ảnh: Quang Minh

 

So với những mùa giải trước đó, V-League 2018 có bước chuyển biến mạnh mẽ với sự điều hành của những con người mới trên nền tảng bộ máy cũ. Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc VPF Trần Anh Tú đón nhận “ghế nóng” với nhiều thay đổi tích cực sau thành công của U23 Việt Nam ở VCK U23 châu Á. Lượng CĐV đến sân đông đảo, hiệu ứng truyền thông của giải đấu được nâng tầm đáng kể.

Dù vậy, những “căn bệnh trầm kha” của bóng đá Việt vẫn là nỗi ám ảnh, thử thách niềm tin cho nhiều người. Sau bê bối ở cuộc họp nội bộ về chuyện trọng tài, mùa giải 2018 khép lại với sự ảm đạm như thường thấy. Có thể khẳng định dù đã sang tuổi 18, V-League chưa bao giờ có cái kết trọn vẹn như mong muốn của người yêu bóng đá nước nhà.

Tuy nhiên ở cấp độ các đội tuyển quốc gia, lòng tự hào dân tộc là một câu chuyện hoàn toàn khác. Hàng triệu CĐV hững hờ với các giải đấu quốc nội nhưng khi những cầu thủ trưởng thành từ sân chơi đó khoác trên mình màu cờ sắc áo Việt Nam, người hâm mộ không cần bận tâm về xuất xứ những cầu thủ mà họ sẽ xem như người hùng.

Chuyên gia bóng đá Đoàn Minh Xương nêu quan điểm: “Hãy tưởng tượng một ngôi nhà bóng đá Việt Nam, để làm nên nó thì cần nhiều cái cột. Tôi vẽ ra hai cột chân chống là bóng đá trẻ và bóng đá phong trào là một cột, riêng một cái cột to tương đương là các giải đấu chuyên nghiệp quốc gia như V-League, giải hạng Nhất. Và như đã nói từ lâu bóng đá Việt Nam xây dựng theo mô hình tháp ngược, tức là CLB đỉnh cao nhiều hơn cả CLB chơi hạng dưới, kiểu tồn tại ngược đời đó không nền bóng đá tiên tiến nào thực hiện".

Ông Xương cũng phân tích thêm: "Bóng đá Việt Nam đã trải qua 18 mùa giải chuyên nghiệp và dù đội tuyển vừa vô địch AFF Cup, theo cách nôm na là thống trị khu vực thì tôi nghĩ vẫn có rất nhiều ý kiến cho rằng cái cột đỡ cho bóng đá nước nhà là các giải quốc nội đã mục rỗng. Hay nói khác đi sau 18 mùa giải chuyên nghiệp thì bóng đá Việt Nam đang đi sai đường”.

2. Còn theo những con số thống kê thì sau 18 năm, số tiền các ông bầu đổ vào làm bóng đá chuyên nghiệp đã lên đến con số hơn ngàn tỷ đồng. Đổi lại thành quả là hai chức vô địch AFF Cup, một số thành tựu của các đội trẻ. Còn thất bại thì không đếm xuể như việc các ông bầu “đem con bỏ chợ”, “vui chơi buồn nghỉ”, bóng đá không thực hiện được mục tiêu xã hội hóa sâu rộng như các quốc gia phát triển mà có hiện tượng lợi ích nhóm nhỏ lẻ. Như thế vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của quốc gia gần 100 triệu dân có tình yêu bóng đá cuồng nhiệt và ngay cả với mục tiêu, tầm nhìn mà ngành Thể thao giao phó cho VFF là mục tiêu Top 10 châu lục cũng rất mông lung.

Và hiện tại, dù đội tuyển đã lên đỉnh cao khu vực nhưng so sánh với Thái Lan, không chỉ người làm chuyên môn mà CĐV quan sát đội tuyển lâu năm cũng không tin rằng bóng đá Việt Nam vượt mặt được người Thái. Điển hình như giải VĐQG Thái Lan đã vươn tầm châu lục với những CLB dám đặt mục tiêu ở AFC Champions League, AFC Cup thì các CLB Việt Nam lâu nay xem điều này là xa xỉ.

Từ giải VĐQG chất lượng, người Thái đã có thể “xuất khẩu” những cầu thủ như Chanathip Songkrasin, Teerasil Dangda, Theerathon Bunmathan (chơi bóng ở Nhật Bản) và Kawin Thamsatchanan (Bỉ). Với Việt Nam, những cái tên ra nước ngoài như Công Phượng, Xuân Trường thì ai cũng đã thấy kết quả. Thất bại của Thái Lan ở AFF Cup 2018 được nhiều người hiểu theo cách họ không mặn mà với vị trí số 1 khu vực lâu nay đã nghiễm nhiên thuộc về mình. Và việc họ xếp sau Việt Nam trên bảng xếp hạng FIFA cũng đơn giản vì để thua quá nhiều tại vòng loại cuối cùng World Cup 2018, nơi mà bóng đá Việt Nam mơ ước từ lâu nhưng chưa thành hiện thực.

Vẫn lời chuyên gia Đoàn Minh Xương: “Thành công của đội tuyển Việt Nam vừa qua là kết quả xứng đáng cho những nỗ lực của thầy trò HLV Park Hang Seo. Nó phản ánh công tác đào tạo trẻ từ trước đây đã đi đúng hướng với sự ra đời của nhiều lò đào tạo, phương pháp huấn luyện tiên tiến. Đến môi trường đội tuyển, HLV Park Hang Seo có tài năng và được thừa hưởng một thế hệ cầu thủ tốt. Tuy nhiên như tôi đã đề cập, hãy mạnh dạn nhìn thẳng vào vấn đề trong thành công đó thì V-League sau 18 năm đã đi sai đường. Bóng đá Việt Nam vẫn “mò cua trong lỗ” và không thể bài bản như Thái Lan đã có một giải VĐQG quá chất lượng để giúp nền bóng đá họ nâng tầm.

Vấn đề là lúc này, hãy tận dụng thành công vừa qua để thẳng thắn đánh giá lại những gì được và chưa được sau 18 mùa giải chuyên nghiệp. Làm sao tổ chức lại hệ thống thi đấu từ giải trẻ đến các giải chuyên nghiệp hàng đầu, vấn đề tài chính cho đội tuyển quốc gia, tài trợ cho các CLB, giảm thiểu sự phụ thuộc vào các ông bầu..." chuyên gia Đoàn Minh Xương nói.

"Sau những thất bại trước đây người ta đã nghĩ đến một Hội nghị Diên Hồng cho bóng đá Việt Nam. Nhưng sau thành công vừa qua thì mọi thứ có vẻ đã được xí xóa, dẹp bỏ hết. Mầm mống thất bại vẫn được nuôi dưỡng như thế”, đó là băn khoăn của ông Đoàn Minh Xương cũng như nhiều chuyên gia bóng đá khác.