Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

1 tuần cách ly xã hội đã trôi qua như thế nào

21:28, 08/04/2020
7 ngày cách ly xã hội, cả nước có 42 ca nhiễm mới và thêm 64 bệnh nhân xuất viện. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận đã có chuyển động lớn nhưng lưu ý không được chủ quan.
 
 

"Hạn chế đi ra ngoài, chỉ ra ngoài khi thực sự cần thiết. Nếu buộc phải đi ra ngoài thì luôn đeo khẩu trang. Hãy giữ khoảng cách tiếp xúc, tốt nhất là 2 m....". Một giọng nữ phát ra từ chiếc loa gắn trên chiếc xe tuyên truyền chạy ngang qua khu phố tôi ở thuộc quận Phú Nhuận (TP.HCM) giữa trưa.

Đã hơn 10 năm sống ở thành phố này, nhưng có lẽ đây lần đầu tiên tôi nghe âm thanh này và chứng kiến cảnh tượng như những ngày vừa qua.

Hầu hết mọi người đều ở yên trong nhà, chỉ một số ít ra đường khi thật sự cần thiết. Đường phố vắng vẻ, xe cộ thưa thớt, hàng quán đóng cửa im lìm. Cả thành phố vốn sôi động, náo nhiệt nay chìm vào không khí vắng lặng.

Hôm nay là ngày 8/4, có nghĩa là một tuần "cách ly toàn xã hội" đã trôi qua. Những tiêu đề bài báo "Thêm nhiều người mắc Covid-19 ở Việt Nam khỏi bệnh", "Sáng nay chưa có thêm ca nhiễm nào mới" xuất hiện nhiều - tín hiệu khả quan trong công cuộc chặn dịch Covid-19 ở nước ta.

 

 

Một tuần trước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ban hành Chỉ thị 16, yêu cầu tất cả phải thần tốc, cương quyết, dồn mọi nguồn lực và bằng mọi giải pháp xử lý triệt để các ổ dịch; tranh thủ từng phút để truy vết, áp dụng các biện pháp phù hợp đối với các trường hợp có nguy cơ lây bệnh.

Đặc biệt, trong Chỉ thị 16, khái niệm "cách ly xã hội" lần đầu xuất hiện. Người đứng đầu Chính phủ giải thích đây là giải pháp mới mang tính “tiền khẩn cấp” để giãn cách xã hội, chỉ dừng lại ở việc thuyết phục, vận động nhân dân tự giác chấp hành.

 

Sau chỉ thị này, người dân được khuyến cáo ở yên trong nhà, "tỉnh nào ở tỉnh đó, huyện nào ở huyện đó, xã nào ở xã đó, thôn nào ở thôn đó, nhà nào ở nhà đó”.

Tuần qua, tổng số ca bệnh mới phát sinh là 42 người (tính đến hết 7/4), riêng ngày 5/4 chỉ ghi nhận 1 trường hợp dương tính. Trong khi đó, cũng chính tuần "cách ly xã hội" có tới 64 bệnh nhân được chữa khỏi và ra viện.

Nhiều báo nước ngoài dành lời khen ngợi trước hiệu quả chống dịch của Việt Nam.

Hãng thông tấn EFE của Tây Ban Nha phỏng vấn tiến sĩ Kidong Park, Trưởng đại diện của WHO tại Hà Nội để giải thích tại sao Việt Nam đang chống lại Covid-19 một cách hiệu quả.

Theo ông Park, "sự chuẩn bị trong thời bình", "kích hoạt hệ thống cảnh báo sớm" và "cách tiếp cận toàn xã hội dưới sự lãnh đạo mạnh mẽ" là những lý do chính cho sự thành công của Việt Nam cho đến thời điểm này.

Tiến sĩ Park cũng nhận định rằng chính phủ Việt Nam đã có những quyết định đi đúng hướng, và người dân cũng có ý thức tuân thủ các quy định của Chính phủ.

Đài truyền hình Đức DW (Deutsche Welle) nêu lên việc các phương tiện truyền thông Nhà nước đã mở một chiến dịch mạnh mẽ để truyền tải thông tin về virus corona tới mọi người dân trong xã hội. Bộ Y tế Việt Nam còn trực tiếp đỡ đầu cho một bài hát được sáng tác để nhắc nhở mọi người rửa tay - và nó đã trở thành giai điệu được lan truyền không chỉ ở Việt Nam.

Trong ngày 6/4, một đoạn video ngắn ghi lại cảnh y, bác sĩ tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Thuận ôm nhau mừng rỡ, thậm chí có người bật khóc khiến nhiều người xem xúc động.

Từ địa phương được đánh giá tiềm ẩn nguy cơ lây lan sau ca bệnh số 34, Bình Thuận đã kiểm soát, khống chế được dịch. Ngày 6/4, tất cả 7 bệnh nhân tại đây đều âm tính, khỏi bệnh và xuất viện.

Với 2 ổ dịch hiện tại là bar Buddha (quận 2, TP.HCM) và Bệnh viện Bạch Mai (Đống Đa, Hà Nội), việc kiểm soát sự lây lan và gia tăng ca nhiễm đang được thực hiện có hiệu quả.

Sở Y tế TP.HCM nhận định tạm thời "có thể yên tâm" về bar Buddha sau khi có 18 người mắc Covid-19. Trong khi đó, Hà Nội đã rà soát hơn 25.000 người liên quan Bệnh viện Bạch Mai và lấy mẫu hơn 12.000 trường hợp. Trong số này, 4.405 mẫu có kết quả âm tính, 4 người dương tính. Số còn lại đang chờ kết quả.

 

Theo ghi nhận của phóng viên, trong chiều ngày 6 và 7/4, lượng phương tiện lưu thông trên các tuyến đường ở TP.HCM và Hà Nội đông đúc hơn. Có thời điểm mật độ xe ở vài điểm giao thông chật kín.

Theo Chỉ thị 16 của Chính phủ, thời gian cách ly toàn xã hội sẽ kéo dài đến hết ngày 15/4. Thời gian này, người dân cần hạn chế ra khỏi nhà, đứng cách nhau tối thiểu 2 m ở nơi công cộng, không di chuyển đến địa phương khác, các doanh nghiệp làm việc online tại nhà thay cho việc đến công ty...

Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ với các tỉnh, thành phố chiều 6/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt vấn đề: “Giãn cách xã hội là biện pháp rất quan trọng mà Chính phủ, ban chỉ đạo các cấp, các ngành đã thực hiện. Vậy ta thấy hiện nay nên tiếp tục hay không? Có cần thiết phải tiếp tục hay như thế nào?”.

Từ góc độ cá nhân, lãnh đạo Chính phủ cho rằng việc cách ly xã hội là cần thiết trong giai đoạn này và vẫn nên tiếp tục.

PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, cho hay các ca mắc Covid-19 mới giảm bởi chúng ta đã tập trung giám sát các ca bệnh nhập cảnh. Nhìn chung, số người nhập cảnh đã giảm hẳn và số ca mắc được ghi nhận trong nhóm này cũng giảm.

Tuy nhiên, TS Phu khẳng định hiện tại, vẫn chưa thể đánh giá được tình hình. Các ca trong cộng đồng bây giờ mới là mối cần quan tâm. Chúng ta cần phải xem diễn biến trong cộng đồng như thế nào.

 

PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, nhận định: "Còn sớm để có thể đánh giá tình hình. Bởi số ca mắc còn phụ thuộc vào công cụ tìm kiếm. Lo ngại nhất hiện nay là các mầm bệnh vẫn còn ở trong cộng đồng".

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng chiến lược phòng chống dịch trong giai đoạn 2 là cách ly xã hội, tìm kiếm ca bệnh, khoanh vùng, dập dịch và tích cực điều trị.

Ông yêu cầu từ nay đến ngày 15/4, cả hệ thống chính trị bám sát tình hình, chuẩn bị nhanh tất cả các kịch bản, các giải pháp để chuẩn bị cho làn sóng thứ 2 lây nhiễm Covid-19 mà nhiều nước như Trung Quốc, Singapore, Nhật Bản… đang phải đối phó rất vất vả, thậm chí, phải tuyên bố biện pháp mạnh hơn.

Với các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Thủ tướng cho rằng phải tìm cho được các ca F0, truy tìm mọi dấu vết của 2 ổ dịch tại các địa phương này.

 

"Nếu bạn khó khăn hãy lấy một phần. Nếu bạn ổn xin nhường lại cho người kém may mắn hơn", "“Ai cần cứ đến lấy. Nếu khó khăn, hãy lấy một gói mỗi ngày”... là những dòng chữ bên cạnh những phần quà dành cho người có hoàn cảnh khó khăn, được lan truyền nhiều ngày qua.

Những địa điểm phát gạo, cơm từ thiện liên tục được chia sẻ mạnh mẽ trên các trang mạng xã hội để có nhiều người nghèo biết tìm đến.

Ở một góc đường Vườn Lài (quận Tân Phú, TP.HCM), một máy phát gạo tự động được một doanh nghiệp chế tạo và đặt tại đây từ ngày 7/4 để phát cho người nghèo.

Dự kiến ban đầu máy phát chỉ phát 300 kg gạo/ngày, tuy nhiên trong ngày đầu tiên vận hành đã phát gần 1 tấn gạo cho những người có hoàn cảnh khó khăn. Nhiều tấm lòng hảo tâm cũng chở gạo đến để quyên góp.

Ở các địa phương, có những cụ ông, cụ bà cũng mang mấy chục quả trứng, vài ký gạo đến để hỗ trợ cho công tác phòng, chống dịch tại địa bàn. Những em bé cũng dành heo đất tiết kiệm để ủng hộ quỹ chống dịch.

Đầu cầu Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam (nơi tiếp nhận nguồn ủng hộ phòng, chống dịch), ngày nào cũng có các cá nhân, đơn vị đến ủng hộ, tiếp sức. Tổng số tiền ủng hộ đến nay đã hơn 770 tỷ đồng.

Một nhóm từ thiện ở TP.HCM phát 250 phần cơm mỗi ngày cho người nghèo.
Một nhóm từ thiện ở TP.HCM phát 250 phần cơm mỗi ngày cho người nghèo.

Với những người bán vé số buộc phải dừng 15 ngày theo chỉ thị tạm dừng phát hành xổ số kiến thiết, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã chấp thuận đề xuất của Sở Lao động - Thương binh và xã hội, hỗ trợ cho người bán vé số lưu động đang sinh sống trên địa bàn TP với mức 750.000 đồng/người.

Trong số nhiều bài viết chia sẻ trên Facebook, tôi nhớ mãi hình ảnh một người phụ nữ gầy gò, đen đúa đứng chần chừ trước những phần quà từ thiện ở quận 8. Theo chủ nhân bài viết, chị ấy thấy dòng chữ "Nếu bạn khó khăn hãy lấy một phần. Nếu bạn ổn xin nhường lại cho người kém may mắn hơn", nên băn khoăn không biết mình có đủ ổn hơn người khác hay không.

"Thấy vậy, có anh bạn nọ la lên 'Ai ổn hơn chị này giơ tay?'. Mấy anh hàng xóm giơ tay hết, chị mới dám lấy 1 phần", người viết kể.

Nhà khoa học M.Faraday đã từng nói: “Mọi thứ rồi sẽ qua chỉ còn tình người ở lại”. Chuỗi ngày sống chung với dịch bệnh chưa biết khi nào kết thúc nhưng chắc chắn rồi sẽ qua. Và khi đó, điều khiến mỗi chúng ta nhớ về những ngày này chính là tình người và sự đồng lòng của người dân, chính quyền khắp cả nước.

Theo Zing

Sự kiện liên quan

    Xem thêm sự kiện

    Xem thêm