Pháp luật

Đấu giá biển số xe ô tô: Mức giá khởi điểm chiếm khoảng 3-4% giá trị xe

07:39, 01/07/2022
Bộ Tư pháp họp thẩm định đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá.

Chiều 30-6, Bộ Tư pháp họp thẩm định đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Phan Chí Hiếu.

Giá khởi điểm ở Hà Nội, TP.HCM là 40 triệu đồng

Dự thảo Nghị quyết gồm 7 điều, theo đó, biển số ô tô đưa ra đấu giá là biển số nền màu trắng, chữ và số màu đen trong kho biển số chưa được đăng ký mà cơ quan Công an dự kiến cấp mới theo từng tháng, quý, 6 tháng hoặc 1 năm.

Các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có nhu cầu đấu giá có thể tùy chọn bất kỳ biển số nào trong kho số đấu giá để tham gia đấu giá.

Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông Đỗ Thanh Bình cho hay những năm qua, rất nhiều người có nhu cầu sở hữu những biển số xe theo sở thích, thường gọi là “biển số đẹp”. Xuất phát từ nhu cầu của người dân, Bộ Công an đã hai lần phối hợp với Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp báo cáo Thủ tướng cho phép đấu giá và thu lệ phí cấp biển số tự chọn (năm 1993 và năm 2008).

Tuy nhiên, do báo chí và dư luận xã hội còn nhiều ý kiến trái chiều, Chính phủ đã yêu cầu ngừng triển khai việc thu lệ phí cấp biển số tự chọn và đấu giá biển số.

Cơ quan Công an sẽ đăng công khai kho số đấu giá tại nơi đăng ký trên Trang thông tin đấu giá trực tuyến và trên trang thông tin điện tử Cục Cảnh sát giao thông để người dân biết.

Trường hợp các biển số qua kỳ đấu giá không thành thì hệ thống sẽ tự động chuyển về kho số không đấu giá để cấp theo hình thức ngẫu nhiên trên hệ thống đăng ký, quản lý xe cho người dân.

Đại diện cho cơ quan soạn thảo, Đại tá Đỗ Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông nhấn mạnh quan điểm của Bộ Công an là không có biển số xấu, biển số đẹp mà chỉ có biển số theo nhu cầu. Giá của biển số sẽ do thị trường định giá.

Cũng theo ông Bình, trước mắt không đưa ra đấu giá đối với biển số cấp cho xe mua sắm từ ngân sách Nhà nước, xe của Quân đội sử dụng vào mục đích quốc phòng, xe của doanh nghiệp Quân đội làm kinh tế, xe của tổ chức doanh nghiệp nước ngoài, cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế và người nước ngoài làm việc trong cơ quan, tổ chức đó hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam.

Dự thảo Nghị quyết cũng quy định người trúng đấu giá được sử dụng biển số trúng đấu giá, khi chuyển nhượng xe, người trúng đấu giá được quyền giữ lại biển số để đăng ký cho xe khác thuộc sở hữu được chuyển nhượng (bán, cho tặng, thừa kế) biển số trúng đấu giá theo xe nhưng người được chuyển nhượng xe có gắn biển số trúng đấu giá không được quyền giữ lại biển số trúng đấu giá để đăng ký cho xe khác.

Về nghĩa vụ, người trúng đấu giá không được phép chuyển nhượng biển số trúng đấu giá, trừ trường hợp chuyển nhượng biển số trúng đấu giá theo xe.

Giá khởi điểm của biển số đưa ra đấu giá được quy định theo vùng. Cụ thể, vùng 1 (Hà Nội, TP.HCM) là 40 triệu đồng; vùng 2 (các địa phương còn lại) là 20 triệu đồng. Mức giá khởi điểm này chiếm khoảng 3-4% giá trị của xe, theo ông Bình.

Cân nhắc mở rộng đấu giá với biển số nền vàng

Tại cuộc họp, Phó Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật (Bộ Tư pháp) Trần Đình Đức đề nghị cân nhắc phạm vi áp dụng, có thể chỉ ở một số tỉnh, thành rồi tổng kết, đánh giá, sau đó mới có thể triển khai diện rộng.

Đáng chú ý, ông Đức đề nghị mở rộng đấu giá đối với biển số vàng (cấp cho các tổ chức, cá nhân có mục đích kinh doanh). Đồng thời, cho phép người trúng đấu giá được quyền chuyển nhượng quyền sử dụng biển số và thực hiện thủ tục đăng ký lại đối với phương tiện.

Đại diện Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản TP. Hà Nội cho rằng tiêu chí thế nào là “biển số đẹp” chưa được quy định rõ. Ngoài ra, về giá khởi điểm, vị này cho rằng với những biển số đẹp như tứ quý, ngũ quý... thì giá khởi điểm là 20 triệu hay 40 triệu “là rất thấp”. Thực tế đấu giá có khả năng xảy ra tình trạng thông đồng dìm giá, làm thất thoát tài sản giá trị của biển số này.

Tuy nhiên, với biển số chỉ một, hai người có nhu cầu thì mức giá trên lại tương đối cao. “Việc này sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả của đấu giá”- ông nhận xét và đề nghị nên phân chia theo ra từng nhóm: loại biển một người hay một số người có nhu cầu và biển số nhiều người có nhu cầu giá sẽ khác nhau. Thẩm quyền này theo từng tỉnh thành, vì “biển số ngũ quý của Hà Nội hoàn toàn khác với biển số ngũ quý của Nghệ An hay Phú Thọ”.

“Nếu không cẩn thận sẽ xảy ra tình trạng buôn số đẹp”- ông tiếp tục cảnh báo.

Ngoài ra, theo ông, nếu chỉ bán đấu giá một lần không thành đã chuyển vào kho biển số thường là không hợp lý, trong khi có rất nhiều lý do để đấu giá lại. Quy định như dự thảo rất dễ xảy ra việc “tạo điều kiện” để không đấu giá thành để chuyển về kho số thường.

Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu khẳng định Hội đồng nhất trí cao với sự cần thiết xây dựng văn bản QPPL điều chỉnh vấn đề này, cũng như cơ bản nhất trí về phạm vi, đối tượng áp dụng của dự thảo Nghị quyết.

Tuy nhiên, do có ý kiến của thành viên Hội đồng về việc đấu giá biển số vàng, xe mô tô, Thứ trưởng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo giải trình rõ hơn tại sao giai đoạn này chưa mở rộng áp dụng với biển số vàng cho ô tô, biển trắng cho mô tô, đồng thời tính đến lộ trình mở rộng như thế nào?

Liên quan đến giá khởi điểm, ông Hiếu cho rằng cần tiếp tục nghiên cứu thêm vì đây có thể là nội dung được tranh luận nhiều tại Quốc hội...

Dự thảo Nghị quyết quy định bán cho người duy nhất trong trường hợp đáp ứng đủ các điều kiện sau khi hết thời hạn đăng ký tham gia mà chỉ có một người đăng ký tham gia đấu giá, một người tham gia cuộc đấu giá, một người trả giá ít nhất bằng giá khởi điểm khi đấu giá lần đầu.

Số tiền thu được từ đấu giá biển số sau khi trừ các khoản chi phí tổ chức đấu giá theo quy định, sẽ phân chia nguồn thu theo tỷ lệ 70% nộp vào ngân sách Trung ương, 30% phân bổ cho ngân sách địa phương.

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện