Pháp luật

TP. Vinh, Nghệ An: Làm rõ việc xác nhận giấy nguồn gốc đất chậm, không đủ nội dung

18:17, 06/07/2023
 Trong khi tiến độ giải ngân đầu tư công đang còn chậm thì tại phường Hưng Bình, TP. Vinh, tỉnh Nghệ An việc xác nhận nguồn gốc một thửa đất của hộ dân lại diễn ra nhiều lần do nhiều nguyên nhân. Cho đến nay, người dân vẫn chưa đồng thuận. Chính điều này đã dẫn đến việc khó khăn cho công tác bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB), ảnh hưởng tiến độ dự án xây dựng đường Lý Thường Kiệt, TP. Vinh.
 

Hội đồng xét xử nhận định "một đường"

Năm 2000, gia đình ông Nguyễn Thanh Bình, trú tại phường Hưng Bình có nhận chuyển nhượng thửa đất số 23, tờ bản đồ 24 của gia đình ông Hồ Viết Trung tại khối Quang Tiến, phường Hưng Bình. Sau khi nhận chuyển nhượng ông Bình, ông đã xây ngôi nhà 3 tầng. Khi UBND TP. Vinh tiến hành bồi thường GPMB xây dựng dự án thửa đất ông Bình nhận chuyển nhượng đã không được UBND phường Hưng Bình xác nhận nguồn gốc là đất ở. 

Sau đó, ông Bình đã khởi kiện và được Hội đồng xét xử của Tòa án nhân dân TP. Vinh mở 2 phiên tòa, cùng với đó đã 2 lần tuyên hủy giấy xác nhận nguồn gốc đất đối với thửa đất số 23, tờ bản đồ số 24 tại khối Quang Tiến, phường Hưng Bình ngày 25/12/2017 và ngày 12/7/2022 do UBND phường Hưng Bình ban hành. 

Được biết, trước yêu cầu của ông Bình buộc UBND phường Hưng Bình xác nhận mục đích sử dụng thửa đất 23 là đất ở, Hội đồng xét xử của Tòa án nhân dân đã đưa ra nhận định như sau: Thửa đất này có nguồn gốc từ trước năm 1945 của dòng họ Hồ Viết để lại cho ông Hồ Viết Khánh. Đến năm 1960, ông Khánh chết để lại cho ông Hồ Viết Oanh quản lý sử dụng. Trên thửa đất là của ông Oanh (bố của ông Hồ Viết Trung) để lại còn 01 ngôi nhà tranh, ông Oanh đã sinh sống và trồng trọt trên thửa đất cho đến năm 1978 khi ông Oanh chết để lại cho ông Trung sử dụng. 

Đến thời điểm ông Trung bán cho ông Bình theo giấy xin chuyển nhượng đất và nhà ở ngày 06/8/2000 vẫn thể hiện còn có 01 ngôi nhà phù hợp với lời khai của những người làm chứng đã từng cư trú cùng thời điểm bắt đầu sử dụng đất liền kề hộ gia đình ông Oanh. 

Đáng chú ý, theo Hội đồng xét xử thì hồ sơ địa chính lưu giữ tại UBND phường Hưng không có sự thống nhất như sổ mục kê năm 1992. Cụ thể, tại thửa đất số 134, tờ bản đồ 09, diện tích 734.0m2, loại đất thể hiện vườn tạp, chủ sử dụng là ông Hồ Viết Oanh; sổ Aslast 1992 đối với đất sản xuất thì sổ Aslast không có; Bản đồ đo đạc năm 1993 tại thửa đất 134, tờ bản đồ 09, diện tích 734.0m2; loại đất không thể hiện. 

Từ những vấn đề nêu ra, Hội đồng xét xử nhận thấy, UBND phường Hưng Bình ban hành giấy xác nhận nguồn gốc, thời gian và diện tích sử dụng đất: "Thửa đất 23, tờ bản đồ 24, diện tích 915,1m2 có nguồn gốc không phải do HTX nông nghiệp Hưng Bình cấp, chia, giao cho bất kỳ hộ cá nhân nào mà là đất nông nghiệp, không phải là đất ở do ông Hồ Viết Oanh( là bố của ông Hồ Viết Trung để lại) tự sản xuất canh tác lâu đời khoảng từ năm 2000 đến nay gia đình ông Oanh không sản xuất nữa, đất bỏ hoang" là không đúng nguồn gốc đất, làm ảnh đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.

Tòa án nhân dân TP. Vinh đã tuyên hủy giấy xác nhận nguồn gốc, thời gian và diện tích sử dụng đất dự án: Xây dựng đường Lý Thường Kiệt (đoạn qua phường Hưng Bình) ngày 12/7/2022 thửa đất số 23 tờ bản đồ số 24, diện tích 915,1m2, tại khối Quang Tiến, phường Hưng Bình, TP. Vinh, tỉnh Nghệ An. Đồng thời Tòa án nhân dân TP. Vinh còn buộc UBND phường Hưng Bình tiếp tục thực hiện nhiệm vụ công vụ theo quy định pháp luật. 

UBND phường xác nhận 1 nẻo, người dân tiếp tục làm đơn "kêu cứu" 

Bản án có hiệu lực pháp luật, đến ngày 04/5/2023 UBND phường Hưng Bình mới ban hành giấy xác nhận nguồn gốc đất. Tuy nhiên, giấy xác nhận này chỉ tồn tại hơn 01 tháng. Vì ngày 06/6/2023, UBND phường Hưng Bình đã ban hành giấy xác nhận nguồn gốc, thời gian và diện tích sử dụng đất thay thế. 

Do giấy xác nhận chưa đầy đủ nội dung nên ngày 16/6/2023 UBND TP. Vinh ban hành công văn yêu cầu UBND phường Hưng Bình khẩn trương xác nhận bổ sung đầy đủ 02 nội dung: Mục đích sử dụng đất và loại đất đối với thửa đất số 23, tờ bản đồ số 24 tại khối Quang Tiến, phường Hưng Bình. 

 

Nhìn chung nội dung giấy xác nhận nguồn gốc đất của UBND phường Hưng Bình vẫn chưa có điểm khác biệt. Theo đó, thửa đất số 23 hình thành trước năm 1945 do họ Hồ Viết để lại cho con cháu canh tác sản xuất nông nghiệp. Hiện tại trên thửa đất đó có ngôi nhà 3 tầng. UBND phường cho rằng trước những năm 1970 ông Hồ Viết Khánh có dựng lều để sử dụng vào mục đích nghỉ ngơi vào buổi trưa khi ông Khánh đi sản xuất trồng lúa, rau muống và rau màu. Từ năm 1970 lều (nhà tranh) không còn, tại UBND phường không có hồ sơ, tài liệu phản ánh, không có cơ sở để khẳng định cái lều mất thời điểm nào. 

Nhận thấy giấy xác nhận nguồn gốc đất chưa đáp ứng yêu cầu của mình nên ông Bình tiếp tục làm đơn kêu cứu và tố cáo gửi nhiều cơ quan chức năng.

Theo một chuyên gia thì UBND phường Hưng Bình cần làm rõ trước đó ông Hồ Viết Oanh (bố của ông Trung) đã sống ở đâu hay chỉ duy nhất trong ngôi nhà tranh tại thửa đất 23. Khi ông Bình tố cáo, biên bản xác minh của Công an tỉnh Nghệ An có thể hiện 01 ngôi nhà tranh trên thửa đất. Ngoài ra cũng cần xem xét nhận định của Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân TP. Vinh tại bản án, trước khi chết ông Oanh đã sinh sống và trồng trọt trên thửa đất số 23, tờ bản đồ số 24 tại khối Quang Tiến, phường Hưng Bình. 

 

Được biết, do chậm quá hạn nhiều lần, xác nhận không thống nhất, không đủ nội dung nên Chủ tịch UBND phường Hưng Bình đã bị phê bình trong việc xác nhận hồ sơ bồi thường, giải phóng mặt bằng liên quan đến thửa đất số 23 tờ bản đồ số 24 tại khối Quang Tiến, phường Hưng Bình.

Hy vọng, UBND TP. Vinh cần sớm có phương án, giải pháp để thống nhất, đáp ứng yêu cầu của người dân và chính quyền theo quy định của pháp luật, đảm bảo tiến độ dự án xây dựng đường Lý Thường Kiệt. 

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện