Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Người Mông Huồi Cọ ... Cõng chữ về bản

19:54, 29/03/2014
Giáo dục ở miền núi, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào các dân tộc ít người, lâu nay, mọi người vẫn chỉ biết tới những vất vả, gian truân… Cũng chính vì vậy, học sinh miền núi thường thất học hoặc phải nghỉ học giữa chừng. Thế nhưng, ở một nơi khó khăn nhất của tỉnh Nghệ An, tinh thần học tập của các em học sinh đồng bào dân tộc Mông đáng để cho chúng ta phải suy

 

Không biết bao nhiêu lần bước chân của Và Bá Tủa đã đi trên con đường mòn quen thuộc từ xã trung tâm xã Nhôn Mai ngược lên bản Huồi Cọ, một bản làng xa nhất của địa bàn biên giới Tương Dương. 6 tiếng đồng hồ băng rừng, vượt dốc, Bá Tủa về tới đầu bản, nơi đã sinh ra anh. Giờ đây, khi đã thành đạt với chức danh là trạm trưởng trạm y tế xã biên giới Nhôn Mai, bác sĩ Và Bá Tủa vẫn không quên những năm tháng gian nan, lặn lội đi tìm con chữ cách đây ngót 35 năm. Những bông hoa ban nở trắng rừng biên giới như níu anh trở lại với kỷ niệm của ngày xưa.

 

  Đỉnh Phá Đánh quanh năm mây mù phủ kín

 

Đường về Huồi Cọ…

 

Ngày ấy, nếu nói về sự đói nghèo, lam lũ, có lẽ sẽ không đâu cuộc sống của người dân khốn khổ như ở bản Huồi Cọ. Trên đỉnh Phà Đánh quanh năm mây phủ, đồng bào Mông chỉ biết săn bắt, hái lượm, phát nương, làm rẫy. Cuộc sống cứ như thế duy trì từ ngày này sang ngày khác, tháng này sang tháng khác, năm này sang năm khác. Mọi liên hệ với cộng đồng dân cư bên ngoài bản Huồi Cọ gần như bị chia cách bởi dãy núi Phà Đánh và chặng đường rừng ngót cả ngày đường. Đói nghèo đã khiến cho già trẻ, gái trai quanh năm đầu tắt mặt tối, nhọc nhằn chuyện mưu sinh, lo cho no cái bụng, cái áo lành mặc ấm. Nhưng no sao được, ấm sao được khi đồng bào thiếu hẳn tư duy, nhận thức về phát triển kinh tế hàng hóa. Những ngày giáp hạt, thiếu lúa ăn, người Mông Huồi Cọ phải ăn ngô, mèn nén cho qua bữa…  Cái đói, cái nghèo như ngấm vào da thịt của cả cộng đồng dân cư nơi đây. Và hiển nhiên, không một ai trong bản biết chữ, biết tiếng nói phổ thông. 35 năm trước, dân Huồi Cọ chẳng hiểu trang giấy dùng để làm gì.

 

Cho tới một ngày, có một người đàn ông trong bản từng vượt rừng, xuống tận thị trấn Hòa Bình xa xôi đã trở về Huồi Cọ. Ông là Và Chia Chư, cha đẻ của bác sĩ Và Bá Tủa. Xuống vùng thấp, ra thị trấn, Và Chia Chư nhận thấy người dân họ giàu có hơn đồng bào Mông ở Huồi Cọ, họ được ăn cơm ngon, được mặc áo đẹp; ông tò mò tìm hiểu thì nghe người ta nói là nhờ cái chữ. Cái chữ là gì, ông không biết, nhưng nếu cái chữ đổi được lúa gạo cho gia đình ông, cho dân bản, ông phải tìm nó về. Vậy là Và Chia Chư lẫm lũi dắt tay con trai xuống trường, xin thầy cô cho con học chữ. Già Và Chia Chư đã chia sẻ với chúng tôi “Dạo ấy, trên này đói khổ lắm, người dân chẳng có gì để ăn, ta bảo với Bá Tủa, phải học được như người Kinh, phải có con chữ sẽ thoát được nghèo. Lúc nó mới 6 tuổi, ta đem xuống Nhôn Mai rồi đem ra Hòa Bình cho nó học đấy, 4 ngày đi bộ mới đến nơi. Thầy cô giáo cũng rất thương và quan tâm đến nó, sau này cho nó đi học ở tận dưới tỉnh, nó thành Bác sĩ. Bây giờ thì cuộc sống khác trước rồi. Bá Tủa không nghèo đói nữa, dân bản Huồi Cọ cũng đã khác xưa. Ta rất vui”.

 

 Bác sĩ Và Bá Tủa đã thành công sau hơn 16 năm lặn lội, khổ luyện tìm con chữ. Với khả năng chuyên môn và đạo đức nghề y của mình, Bá Tủa đã được chính quyền và nhân dân xã Nhôn Mai tín nhiệm, anh trở thành trạm trưởng trạm y tế xã khi chỉ mới 29 tuổi. Giờ đây, người học trò hiếu học đầu tiên của bản Huồi Cọ đã và đang đem hết tâm sức, khả năng của mình để khám chữa bệnh cho nhân dân trên khắp địa bàn. Nhôn Mai là xã biên giới vùng sâu, vùng xa, người dân khó có điều kiện để xuống thị trấn khám chữa bệnh, Và Bá Tủa - người con ưu tú của Huồi Cò đã có mặt trên khắp các bản làng để trực tiếp giúp đỡ đồng bào còn khó khăn. Bởi hơn ai hết, anh là người thấu hiểu những thiếu thốn mà dân mình đang gặp phải. Với Và Bá Tủa, câu chuyện gian nan đi tìm con chữ của chính bản thân anh vẫn như đang còn hiển hiện. Bởi thế, anh đã làm thêm cả một việc ngoài chuyên môn của mình là tận dụng thời gian để làm thầy giáo dạy chữ cho học trò người Mông.

 

 Dẫu còn nhiều gian khó, nhưng ngày ngày các em vẫn bám trường, bám lớp

 

Tin Và Bá Tủa đi học và thành tài được người Mông ở Huồi Cọ nhanh chóng lan truyền trong bản. Dòng họ Và mừng lắm, họ tự hào vì bản trên, bản dưới có ai được như thế đâu. Lũ trẻ người Mông bắt đầu mong mình được như anh Tủa. Nhưng để những ước mơ của các em trở thành hiện thực vẫn là cả câu chuyện dài nơi bản làng vùng sâu nhất của tỉnh Nghệ An. Bởi số lượng những hộ dân tin rằng con chữ giúp họ thoát nghèo còn ít lắm.

 

Dạo ấy, chương trình phổ cập giáo dục cho học sinh vùng miền núi ở Nghệ An đã được chú trọng đẩy mạnh. Tuy nhiên, vì đói nghèo và vì nhận thức còn hạn chế, rất nhiều phụ huynh, đặc biệt là đồng bào Mông còn ngăn cản việc cho con em tới trường. Đối với họ, đói nghèo, ốm đau, bệnh tật cũng chỉ là bởi con ma rừng. Nếu đuổi được con ma đi thì dân bản sẽ không còn khổ nữa. Học cái chữ phải học cả đời người, con cái đi học hết lấy ai làm rẫy, phát nương. Vậy là ở Huồi Cọ, mặc dù bước chân của các thầy cô giáo đã đi khắp bản để vận động phụ huynh cho con em tới trường nhưng số lượng học sinh người Mông đi học cũng chỉ mới đếm được trên đầu ngón tay. Số còn lại ngày ngày vẫn phải theo chân bố mẹ lên rẫy với những nhọc nhằn đè nặng lên cả cuộc đời của các em.

 

Quyết tâm không để cho học trò người Mông thất học, ngành giáo dục tiếp tục tổ chức vận động, tuyên truyền với nhiều hình thức khác nhau. Theo chân thầy cô giáo đến tận các bản làng người Mông còn có màu áo của những cán bộ, chiến sĩ đồn biên phòng Nhôn Mai và những người có úy tín trong bản làng. Một lần không được, tổ tuyên truyền đến ngày thứ 2, thứ 3, cho đến khi nào người Mông ở Huồi Cọ hiểu được mới thôi. Để thay đổi được nhận thức của đồng bào nơi đây, trong giai đoạn đầu tham gia tuyên truyền, vận động, hầu hết các thầy cô giáo đều thất bại. Nhiều phụ huynh đã đưa ra lý luận: con ta chứ có phải con thầy đâu mà ngày nào cũng đến bắt nó đi học.

 

 Huồi Cọ một góc nhìn

 

Làm cho người Mông ở Huồi Cọ hiểu được ý nghĩa của việc đi học, còn một cách là chỉ cho họ thấy: ai có con chữ, người ấy sẽ thoát nghèo. Gia đình Và Nhia Hờ, một công dân tiến bộ trong bản vừa có con tốt nghiệp trường cao đẳng, các con còn lại người thì học đại học, người đang theo học cấp 3. Từ khi con cái được học chữ, gia đình Nhia Hờ có cuộc sống khác trước nhiều. Đi học về, con bày cho cha phát triển kinh tế trang trại. Nhia Hờ nghe con, tham gia khai hoang, trồng lúa nước, chăn nuôi gia súc, đào ao thả cá. Những sản phẩm thu hoạch được, Nhia Hờ đều bán để lấy tiền, mua sắm những vật dụng cần thiết. Vợ chồng Nhia Hờ bây giờ đã là hộ khá ở trong bản. Thầy cô giáo, tổ tuyên truyền đã đem dân bản xuống tận trang trại nhà Nhia Hờ, ai cũng thấy hay hay. Ông Và Nhia Hờ cho biết: đời ông đã đói khổ rồi, chỉ lao động bằng chân tay, bây giờ cho con cái đi học, nó có cái chữ, nó đã bày cho bố mẹ phải nuôi con trâu, con bò, làm thêm ao cá để bán kiếm tiền, gia đình đã đỡ vất vả như trước.

 

Tấm gương hiếu học của Bác sĩ Và Bá Tủa cũng như những nỗ lực tuyên truyền của ngành giáo dục đã làm thay đổi nếp nghĩ của bà con dân bản Huồi Cọ: học thì lâu, mất công một tí nhưng phải quyết tâm học, phải cho con đến trường mới thay đổi được cuộc sống, nếu không chúng nó cũng sẽ khổ như bố mẹ. Người Huồi Cọ vào rừng lấy gỗ về dựng lớp, dựng trường đón thầy cô về bản dạy chữ. Số lượng con em tới trường ngày càng đông.

 

Ban ngày trẻ con học, đêm về người lớn thắp đèn lên lớp học xóa mù. Quyết không để thua lũ trẻ, người lớn cũng phải học. Có hôm thì thầy giáo đứng lớp, có hôm bộ đội biên phòng cắm bản lại tham gia dạy chữ cho bà con. Học chữ khó hơn cầm con dao phát rẫy, khó hơn cầm cung tên bắn thú rừng nhưng ai cũng thấy vui vui. Bây giờ, Nhà nước đã mở thêm con đường để đi lại dễ hơn trước. Người Kinh sẽ có cơ hội về thăm Huồi Cọ. Không học chữ, không biết tiếng phổ thông xấu hổ lắm.

 

 Ánh lửa không chỉ sưởi ấm những đêm đông giá lạnh mà còn thắp sáng bao ước mơ cho con trẻ nơi đây.

 

Nhiều tấm gương quyết tâm học chữ đã xuất hiện ở bản làng Huồi Cọ. Bí thư bản, anh Và Khua Đớ là một điển hình như thế. Giờ đây, khi có cái chữ, đời sống của gia đình anh cũng đã thay đổi. Và Khua Đớ bao giờ cũng xem việc học tập của các em nhỏ là hàng đầu. Bởi 10 năm trước đây, chính anh là người từng vượt qua mọi mặc cảm để vượt rừng, cùng 2 con xuống trọ học tại trường tiểu học và trung học cơ sở Nhôn Mai. Hiếm có người Mông nào lại ham học chữ như anh. Theo anh, “học nhiều thì sẽ được làm ít, học ít thì không được làm gì cả”. Một lý luận rất hồn nhiên nhưng cũng là suy nghĩ của đại đa số đồng bào Mông ở Huồi Cọ. Thế nên, với học sinh người Mông ở Huồi Cọ hôm nay, hết cấp học tiểu học, các em lại khăn gói lên đường, xuống trung tâm xã học tiếp bậc THCS. Và như thấu hiểu tấm lòng của người lớn, dù đường xa và khó nhọc, dù gia đình nghèo nhưng các em vẫn kiên trì đến trường. Những ngày cuối tuần, từng tốp học sinh THCS trở về thăm bản rồi sáng thứ hai đầu tuần, người ta lại thấy các em xuôi xuống dốc núi, hăm hở mang theo bao gạo, bó rau cải nương. Tất cả những cái đó là sự gói ghém những ước mơ cho cuộc sống phía trước.

 

Giờ đây, trường lớp đã khang trang hơn trước. Học sinh các dân tộc ít người theo học tại Trường phổ thông dân tộc bán trú THCS Nhôn Mai đã có điều kiện học tập hơn hẳn thế hệ cha anh của các em những ngày còn trọ học trong nhà tranh tre nứa lá. Tuy nhiên, so với điều kiện sinh hoạt và học tập của học sinh miền xuôi thì có lẽ chẳng bao giờ các em dám mơ ước. Chỉ đơn giản là một bữa ăn sáng đàng hoàng sau giờ thể dục mỗi buổi sớm, các em, và gia đình các em vẫn chưa đủ điều kiện để đáp ứng. Bên bếp lửa chập chờn mỗi buổi sáng mai, các em học sinh người Mông ở Huồi Cọ là chụm đầu thổi cơm và thưởng thức món ăn quen thuộc là cơm trắng chan nước lã và muối. Thế mới thấy, nỗ lực của các em phi thường đến mức nào. Trong hành trình đi tìm con chữ, học sinh Huồi Cọ đã viết nên những kỳ tích cho trường Phổ thông dân tộc bán trú trung học cơ sở Nhôn Mai. Chỉ mới đây thôi, hai nữ học sinh lớp 9B, là học sinh bản Huồi Cò đã vượt qua hàng chục ngàn học sinh cùng khối trong toàn tỉnh để được về thành phố thi tài môn địa lý cùng hàng trăm học sinh giỏi tỉnh Nghệ An. Trường phổ thông dân tộc bán trú THCS Nhôn Mai, nơi có các em theo học trở thành nhà trường thuộc tốp đầu của huyện miền núi Tương Dương về thành tích đào tạo học sinh giỏi, với số lượng 3 trong tổng số 37 học sinh THCS thuộc 16 trường tham dự kỳ thi học sinh giỏi toàn tỉnh.

 

Hết bậc học THCS, nhiều học sinh Huồi Cọ lại hăm hở vượt tiếp chặng đường sông gần 4 tiếng đồng hồ để xuống thị trấn Hòa Bình hay về trường dân tộc nội trú tỉnh để tiếp tục theo học chương trình THPT. Cuộc sống của các em đâu chỉ gặp khó khăn bởi chặng hành trình từ nhà tới trường hàng trăm cây số ấy. Tiếp xúc với các bạn học là người các dân tộc khác và đặc biệt là người Kinh, các em thua kém mọi bề. Điều kiện ăn ở, sinh hoạt đến gốc đào tạo từ tấm bé… học sinh người Mông bao giờ cũng là đối tượng phải chịu nhiều thiệt thòi nhất. Nhưng có lẽ lại chẳng có ai có quyết tâm lớn như các em. Bởi vậy, dù sống và học tập trong môi trường mới, học sinh Huồi Cọ vẫn dành được nhiều thành tích tốt trong học tập. Thấu hiểu được sự vất vả, khó nhọc của bố mẹ trong chặng đường nuôi con ăn học, các em học sinh Huồi Cọ luôn là những người chăm ngoan, cần cù và rất tự tin. Các em đã tâm sự rằng, sau này nếu được đi học và lựa chọn ngành nghề, các em sẽ làm bác sĩ, làm thầy giáo, làm chú công an để giúp đỡ và bảo vệ bản làng của các em nơi biên giới xa xôi.

 Những bước chân mang theo khát vọng tìm đến chân trời tri thức.

 

114 học sinh ở Huồi Cọ trong độ tuổi đi học đều đã được đến trường. Trong số đó, có 10 em hiện đang học đại học, 4 em học các trường cao đẳng, trung học chuyên nghiệp. Một bản làng chỉ có 35 hộ dân sinh sống với hơn 200 nhân khẩu thì có lẽ con số này là minh chứng rõ ràng nhất của đồng bào Mông ở Huồi Cọ về tinh thần hiếu học và khả năng vượt khó phi thường của các em. Người lớn nhịn ăn, nhịn mặc, bán trâu bò, gà lợn để lấy tiền nuôi con ăn học. Cả bản đã hình thành được một quỹ khuyến học để hỗ trợ, giúp đỡ các em học sinh nghèo. Bất cứ một gia đình nào trong bản có con em học tập tốt, đều nhận được sự quan tâm hỗ trợ của cả cộng đồng. Bản Huồi Cọ đã trở thành bản làng tiêu biểu của người Mông ở Nghệ An về phong trào khuyến học, khuyến tài.

 

Những tấm gương hiếu học như Và Bá Tủa, Và Khua Đớ và rất nhiều các anh chị khác luôn là động lực để các thế hệ học sinh Huồi Cọ học tập và noi theo. Trong hành trình gian nan tìm đến cái chữ ở Huồi Cọ luôn có mặt của những tấm gương hiếu học ấy để rồi chính các em sẽ làm rạng danh cho bản của mình và là nòng cốt cho sự đổi thay cuộc sống nơi đây.

 

(Ngọc Dũng)