Sức khỏe

Bộ Y tế đề nghị Bộ Quốc phòng cử thêm lực lượng chống dịch ở hai tỉnh

09:01, 15/09/2021
Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, hai lực lượng quân, dân y phải kết hợp chặt chẽ, đảm bảo tốt công tác xét nghiệm, cách ly, điều trị và tiêm chủng vaccine Covid-19.

Đây là thông tin được đưa ra trong cuộc họp của Bộ Y tế chiều 14/9. Trước đó, khi họp trực tuyến với các xã, phường của Tiền Giang và Kiên Giang về công tác phòng, chống dịch, Thủ tướng yêu cầu chậm nhất là ngày 30/9, hai tỉnh này phải kiểm soát dịch Covid-19. Đây là hai địa phương có nhiều xã, phường, thị trấn chuyển từ “xanh”, “cam” thành “đỏ”.

Quân - dân y phối hợp chặt chẽ

“Chúng tôi đề nghị Bộ Quốc phòng xem xét tiếp tục bố trí cử lực lượng y tế cùng Bộ Y tế để hỗ trợ công tác phòng, chống dịch của Tiền Giang, Kiên Giang” - Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói.

Lãnh đạo Bộ Y tế cũng đề nghị lực lượng quân y cần chuẩn bị nhân lực để hỗ trợ xét nghiệm thần tốc của các địa phương. “Quan điểm của Thủ tướng và bài học kinh nghiệm của quốc tế cũng như của nhiều địa phương nước ta trong các đợt chống dịch cho thấy chỉ có xét nghiệm thần tốc mới có thể bóc tách F0 ra cộng đồng, cùng đó kết hợp quản lý cách ly, khoanh vùng tránh lây nhiễm ra cộng đồng sẽ tránh được giãn cách kéo dài”, ông Long nói.

Đối với tổ quân y, Trưởng Tiểu ban Y tế của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 đề nghị tiếp tục triển khai hoạt động được giao, nhất là triển khai các trạm y tế lưu động tại TP.HCM. Đồng thời, những đơn vị này cần đánh giá hiệu quả của hoạt động trạm y tế lưu động, từ đó nhân rộng ra các địa bàn khác.

Bộ trưởng nhận định: “Thực tế cho thấy mô hình trạm y tế lưu động đã rất có hiệu quả trong việc quản lý, chăm sóc, hỗ trợ điều trị F0 tại cộng đồng”.

Công tác xét nghiệm tỉnh Kiên Giang và Tiền Giang chậm hơn tốc độ lây lan, không đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch. 
Công tác xét nghiệm tỉnh Kiên Giang và Tiền Giang chậm hơn tốc độ lây lan, không đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch. 

Vấn đề đặc biệt quan trọng được nêu trong cuộc họp là các bên phải phối hợp trong thành lập cũng như hoạt động của trung tâm hồi sức tích cực Covid-19 tầng 3; hoạt động của tầng điều trị 2; thiết lập bệnh viện dã chiến ra sao… để lên kế hoạch, kịch bản chuẩn bị mua sắm trang thiết bị, máy thở… và nhân lực.

“Quân - dân y kết hợp chặt chẽ. Có sự điều phối chặt chẽ để phối hợp với nhau. Kể cả lực lượng công an cũng vậy”, ông Long nhấn mạnh.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long chia sẻ Tiểu ban Y tế là đơn vị chịu trách nhiệm quan trọng nhất, đóng vai trò quyết định đối với công tác phòng chống dịch. Đây là bộ phận thường trực của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch.

Ông Long nhận định, “trong thời gian qua, với vai trò là cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo và chức năng của các bộ (Bộ Quốc phòng, Bộ Công an), chúng ta đã phối hợp ăn ý, triển khai hiệu quả công tác phòng chống dịch liên quan hoạt động chuyên môn y tế. Lực lượng tuyến đầu nòng cốt là y tế, bộ đội và công an đã cùng nhau phối hợp triển khai các hoạt động nhịp nhàng, hiệu quả với tinh thần rất trách nhiệm, tích cực”.

Công tác xét nghiệm tỉnh Kiên Giang và Tiền Giang chậm hơn tốc độ lây lan, không đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch. 
TP Phú Quốc áp dụng trạng thái bình thường mới sau 13/9. 

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long biểu dương các lực lượng tuyến đầu tham gia công tác phòng chống dịch, không quản ngại khó khăn, nhiều người đã gác lại gia đình riêng để tham gia chống dịch tích cực. “Có nhiều tấm gương rất cảm động, đi chống dịch hàng tháng chưa về với gia đình" - Bộ trưởng bày tỏ.

Sau khi nghe ý kiến trao đổi, thảo luận, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long đề nghị tổ chuyên môn của tiểu ban, bao gồm tổ y tế quân đội và công an, xây dựng các kế hoạch triển khai nhiệm vụ những tháng cuối năm 2021 và gửi lại bộ phận thường trực trước ngày 20/9. Sau đó, Tiểu ban Y tế sẽ tổng hợp báo cáo và gửi Thủ tướng Chính phủ.

Bộ trưởng Y tế lưu ý mỗi tổ chuyên môn phải xác định các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên nhưng đồng thời phải có sự phối hợp chung, chặt chẽ trong hoạt động điều hành chuyên môn của y tế, đó là các vấn đề về giám sát, cách ly, xét nghiệm, điều trị… Đặc biệt trong hoạt động sắp xếp, bố trí hỗ trợ, điều phối nhân lực y tế giữa Bộ Y tế và các Bộ Quốc phòng, Bộ Công an.

Đảm bảo tiêm chủng vaccine đúng tiến độ, an toàn
Tại cuộc họp, ông Long cũng thông tin, trong tháng 9-10, vaccine Covid-19 về Việt Nam rất nhiều. Do đó, các lực lượng y tế và quân đội, công an phải tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong tổ chức bảo quản, vận chuyển, phân phối và tiêm vaccine tối đa công suất để đảm bảo tiến độ, an toàn tiêm chủng.

Các bên cũng cần phối hợp chặt chẽ trong nghiên cứu sản xuất máy thở, thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế, khẩu trang, oxy y tế. Riêng về oxy y tế, tổ quân y cần có kế hoạch cụ thể về oxy bồn, oxy bình, oxy trung tâm tương ứng với giường điều trị…

“Chúng ta phải chú trọng về oxy y tế, tăng năng lực sản xuất và cung ứng oxy để đảm bảo sẵn sàng cho nhu cầu điều trị” - Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long lưu ý.

Ông cũng yêu cầu các tổ giám sát cách ly, tiêm chủng, xét nghiệm… đặc biệt là xét nghiệm phải rốt ráo; phải ban hành các hướng dẫn “đúng và trúng” về giám sát, cách ly trong tình hình mới. Vấn đề liên quan hộ chiếu vaccine cũng được yêu cầu các tổ chủ động thực hiện. Tổ điều trị phải làm rõ trong kế hoạch về giường bệnh, oxy, nhân lực, máy thở…

Theo Bộ trưởng Y tế, một trong những điều kiện để đảm bảo có mở cửa được hay không là đáp ứng hệ thống y tế một cách đầy đủ cho đại dịch và các năm tiếp theo. Do đó, các tổ chuyên môn phải liên tục rà soát lại từ kế hoạch, các quy định, hướng dẫn cụ thể…

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Y tế yêu cầu bệnh viện tuyến huyện và y tế công an và quân đội tập huấn cho toàn bộ lực lượng y tế để chủ động phương châm “4 tại chỗ” trong phòng chống dịch.

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện