Thế giới

Công trình đặc biệt tưởng niệm vụ 11/9: Sự phản chiếu hữu hình của lịch sử

07:07, 10/09/2021
 "Bạn phải biến những gì vắng mặt trở nên hữu hình. Đó là điều mà ngay cả khi đi bên rìa sự mất mát này, bạn vẫn cảm nhận được nó. Nó không chỉ ở trong tâm trí mà còn ở trong trái tim của bạn", kiến trúc sư của công trình Đài Tưởng niệm 11/9 Michael Arad chia sẻ.

Sự vắng mặt phản chiếu

Michael Arad đã bắt đầu hành trình ghi lại "lịch sử thực sự" của sự kiện 11/9/2001 sau khi thiết kế Đài Tưởng niệm 11/9 của anh được lựa chọn trong số 5.201 tác phẩm dự thi.

Arad đang ở East Village, Thành phố New York ngày 11/9 khi những chiếc máy bay do những kẻ khủng bố kiểm soát xuất hiện trên bầu trở mùa thu trong xanh của nước Mỹ và thay đổi thế giới mãi mãi. Anh đã tận mắt chứng kiến chiếc máy bay lao vào Tòa tháp phía Nam của Trung tâm Thương mại Thế giới từ căn hộ của mình.

Ngày thường, Đài Tưởng niệm 11/9 không mở cửa với du khách vào ban đêm nhưng sẽ mở cửa vào đêm 11/9 nhằm tưởng niệm 20 năm vụ khủng bố 11/9 xảy ra. Ảnh: USA Today
Ngày thường, Đài Tưởng niệm 11/9 không mở cửa với du khách vào ban đêm nhưng năm nay sẽ mở nhằm tưởng niệm 20 năm vụ khủng bố xảy ra. Ảnh: USA Today

Là một công dân Israel sinh ra ở London và là con trai của một đại sứ, Arad đã có quãng thời gian đi đến nhiều nơi. Arad học trung học ở Mexico City khi cha anh - ông Moshe Arad làm việc tại đây. Họ cũng đã sống ở New York trong thời gian ngắn.

Arad sẽ không bao giờ quên cảnh tượng mọi người đổ ra Quảng trường Thời Đại đã sát cánh với nhau như thế nào. Những người lạ đứng cạnh nhau, nén lại nỗi đau cá nhân và chia sẻ nỗi đau chung cùng mọi người.

Arad chia sẻ, chưa bao giờ anh chứng kiến New York đoàn kết như vậy sau khi Tòa tháp Đôi sụp đổ. Đứng ở Quảng trường Thời Đại vào đêm muộn, lần đầu tiên anh cảm thấy thân thuộc với thành phố này.

"Nếu những kẻ khủng bố nghĩ rằng chúng sẽ làm dấy nên nỗi sợ hãi và sự chia rẽ thì chúng đã không thành công", kiến trúc sư này chia sẻ.

Những thiết kế Đài Tưởng niệm 11/9 bao gồm 5.201 tác phẩm đến từ nhiều nơi trên thế giới, từ những kiến trúc sư nghiệp dư cho tới những công ty thiết kế hàng đầu, trong đó có thiết kế của Michael Arad với ý tưởng về một quảng trường đường phố - một không gian công cộng để tập thể và cá nhân suy nghĩ về những điều mất mát.

Anh gọi thiết kế này là "Reflecting Absence" (tạm dịch là Sự vắng mặt phản chiếu). Ngày 6/1/2004, thiết kế của Arad đã vượt qua hơn 5.200 tác phẩm và giành chiến thắng.

Khoảng trống hữu hình

Bất kỳ ai đặt chân tới quảng trường rộng hơn 3 héc ta này đều có một câu hỏi: "Đâu là vị trí chính xác của những tòa tháp?". Những hồ nước rộng hơn 0,4 héc ta đã trả lời cho câu hỏi cơ bản trên.

Đài Tưởng niệm này cũng nói cho các du khách về những điều mất mát. Điểm nhấn của Đài tưởng niệm 11/9 là hai hồ nước rộng, trên mặt sàn hai tòa tháp 110 tầng từng tồn tại trước kia. Hồ nước phản chiếu ánh sáng được thiết kế đặc biệt. Trên thành hồ có khắc tên 2.983 người đã mất trong cuộc khủng bố 11/9, cùng với các nạn nhân của vụ tấn công trước đó tại Trung tâm Thương mại Thế giới ngày 26/2/1993.

Tên của những nạn nhân thiệt mạng trong vụ khủng bố 11/9 được khắc lên thành của 2 hồ nước từng là nơi Tòa tháp Đôi của Trung tâm Thương mại Thế giới tồn tại. Ảnh: USA Today
Tên của những nạn nhân thiệt mạng trong vụ khủng bố 11/9 được khắc lên thành của 2 hồ nước từng là nơi Tòa tháp Đôi của Trung tâm Thương mại Thế giới tồn tại. Ảnh: USA Today

"Bạn phải biến những gì vắng mặt trở nên hữu hình và có thể nắm bắt được. Đó là điều mà ngay cả khi đi bên rìa sự mất mát này, bạn vẫn cảm nhận được nó. Nó không chỉ ở trong tâm trí mà còn ở cả trong trái tim của bạn", Arad chia sẻ.

Địa điểm này nằm trong một khu phố có các văn phòng và nhà ở, không chỉ là nơi du khách ghé thăm mà còn là nơi người dân đi dạo. Đây vừa là một công trình đặc biệt "có một không hai", vừa trở thành một phần thân thuộc trong cuộc sống hàng ngày của người dân New York.

Buổi tối ở Đài Tưởng niệm 11/9 là một trải nghiệm hoàn toàn khác. Khi hoàng hôn vừa tắt, dòng ánh sáng chiếu lên dòng nước dọc thành hồ từ dưới lên. Ánh sáng nhạt dần lên phía trên, sáng nhất ở dưới đáy và được nước phun lên trên giống như một lăng kính. Ở trung tâm là một khoảng trống không có đáy, chưa được thắp sáng. Những cái tên được khắc trên thành hồ phát sáng giữa ánh đèn vàng dịu trong đêm tối.

Dấu chân của lịch sử

Arad thích nói "những chuyện bên lề ý nghĩa" về những cái tên của Đài Tưởng niệm 11/9, từ việc đó không chỉ là một danh sách cho đến đội ngũ của anh đã tiến hành vô số cuộc phỏng vấn để tạo nên sự kết nối ra sao, hay những khó khăn trong quá trình thực hiện cũng như cách thức họ truyền tải cảm xúc vào công trình này.

Arad đã quyết định sắp xếp tên của các nạn nhân thành nhóm theo địa điểm của họ vào thời gian vụ tấn công xảy ra, cũng như đáp ứng 1.200 yêu cầu đặc biệt từ gia đình của các nạn nhân.

Ở hồ nước phía Bắc ghi tên của các nạn nhân ở trong hoặc gần với Tòa tháp phía Bắc, những người thiệt mạng trên Chuyến bay 11 của American Airlines và những người thiệt mạng trong vụ đánh bom năm 1993.

Quanh hồ nước phía Nam là những người ở trong hoặc gần Tòa tháp phía Nam, những người phản ứng đầu tiên nhận được Huân chương Anh hùng Dũng cảm 11/9, những người trên Chuyến bay 175 của United Airlines, những nạn nhân ở Lầu Năm Góc, những người trên Chuyến bay 77 của American Airlines và những người trên Chuyến bay 93 của United Airlines.

Nói về thiết kế của mình, anh Arad chia sẻ: "Tôi phải thực sự để lịch sử thẩm thấu ở nơi này. Bạn sẽ nhìn thấy những dấu chân của lịch sử đi qua. Đây không phải là một ý tưởng thiết kế mà là sự phản chiếu của một sự kiện lịch sử từng diễn ra ở đây"./.

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện