Thế giới

Ông Biden bị chỉ trích khi muốn hàn gắn với Ả-rập Xê-út vì dầu mỏ

11:53, 09/03/2022
Tổng thống Mỹ Joe Biden vấp phải nhiều chỉ trích sau khi có thông tin rằng Nhà Trắng đang lên kế hoạch cho một chuyến thăm Ả-rập Xê-út để bàn về việc cung cấp dầu mỏ cho thị trường toàn cầu.
Tổng thống Mỹ Joe Biden đang cố tìm nguồn thay thế cho dầu Nga. 
Tổng thống Mỹ Joe Biden đang cố tìm nguồn thay thế cho dầu Nga. 

Ngày 6/3, Axios đưa tin các cố vấn cấp cao của ông Biden đang tính tổ chức một chuyến thăm trong mùa xuân này đến Ả-rập Xê-út nhằm cải thiện quan hệ song phương và đề nghị Ả-rập Xê-út tăng lượng dầu xuất khẩu.

Trong cuộc họp báo đầu tuần này, thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki không xác nhận kế hoạch đó, nhưng cho biết các quan chức cấp cao trong chính quyền đã thăm Ả-rập Xê-út vào tháng trước để “thảo luận về hàng loạt vấn đề, trong đó có cuộc chiến ở Yemen, an ninh khu vực và cả an ninh năng lượng”.

“Họ đã thảo luận việc giảm tác động lên thị trường dầu toàn cầu vì lợi ích của tất cả mọi người”, bà Psaki nói.

Việc Mỹ cấm nhập dầu khí Nga sẽ có tác động lớn đến Mỹ và các đồng minh, nhất là châu Âu. Năm 2019, Nga chiếm 41% tổng lượng khí đốt nhập khẩu vào các nước châu Âu.

Nếu một nước có trữ lượng dầu mỏ lớn như Ả-rập Xê-út hay Venezuela tăng xuất khẩu vào Mỹ và EU, lượng đó có thể bù đắp vào khoảng trống mà lệnh cấm tạo ra. Bà Psaki xác nhận rằng một nhóm cố vấn của ông Biden đã đến Caracas vào cuối tuần qua để gặp các quan chức Venezuela, nhưng không khẳng định liệu Nhà Trắng có sớm nới lỏng trừng phạt dầu khí Venezuela hay không.

Nỗ lực tìm nguồn thay thế từ Ả-rập Xê-út đang vấp phải phản ứng giận dữ từ một số nghị sĩ. Nghị sĩ Ilhan Omar, một thành viên trong nhóm “Bộ tứ” tiến bộ ở Hạ viện Mỹ, cho rằng Tổng thống Biden đang nhắm mắt làm ngơ trước những “tội ác chiến tranh” của Ả-rập Xê-út ở Yemen.

“Phản ứng của chúng ta với chiến dịch của ông Putin ở Ukraine không nên là tăng cường quan hệ với Ả-rập Xê-út, nước đang gây ra khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất trên hành tinh ở Yemen. Yemen không có ý nghĩa về địa chính trị với một số người, nhưng cần quan tâm đến vấn đề nhân đạo”, ông Omar viết trên Twitter.

Phe Cộng hoà nói rằng việc chính quyền hàn gắn với Ả-rập Xê-út và Venezuela cho thấy sự cần thiết phải tăng cường khai thác dầu trong nước.

“Mỹ có thể dễ dàng thay thế dầu của ông Putin bằng cách tự mình làm ra nhiều hơn”, ông Marco Rubio, thành viên hàng đầu trong Ủy ban tình báo Thượng viện Mỹ, viết trên Twitter.

Tăng cường khai thác dầu trong nước sẽ đi ngược lại cam kết của ông Biden về việc giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hoá thạch và đưa Mỹ chuyển sang sử dụng năng lượng tái tạo. Chống biến đổi khí hậu là một trong những trụ cột hành động chính của đảng Dân chủ.

Một số người cho rằng việc hàn gắn quan hệ với Ả-rập Xê-út cũng là đi ngược lại lời hứa lúc tranh cử của ông Biden.

Trong cuộc tranh luận sơ bộ của đảng Dân chủ năm 2019, ông Biden nói rằng ông sẽ buộc Ả-rập Xê-út phải “trả giá” vì vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi của Washington Post năm 2018 mà tình báo Mỹ kết luận Thái tử Ả-rập Xê-út Mohammed bin Salman (MBS) là người cho phép.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn báo The Atlantic đầu tháng này, Thái tử bin Salman gửi thông điệp đến Mỹ.

“Chúng tôi không có quyền lên lớp ở Mỹ. Ngược lại cũng vậy. Các bạn không có quyền can thiệp vào các vấn đề nội bộ của chúng tôi”, ông nói.

Thông điệp này đã gây ra nhiều tranh cãi. Washington Post đáp trả bằng bài bình luận có tiêu đề “The Atlantic nâng MBS lên là một sự xúc phạm báo chí”.

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện