Thế giới

Xung đột Nga-Ukraine vẽ lại bản đồ địa chính trị châu Âu

07:56, 11/03/2022
Nhiều ý kiến cho rằng cần phải suy nghĩ về cách thức vẽ lại bản đồ địa chính trị của châu Âu trong tương lai sau cuộc tấn công của Nga vào Ukraine.

Sau khi Liên Xô tan rã vào năm 1991, Nga vẫn giữ được tầm ảnh hưởng đáng kể đối với một số nước láng giềng từng thuộc Liên Xô cũ và khiến nhiều quốc gia phương Tây khác giữ thái độ trung lập. Nhưng điều này đang dần thay đổi sau chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine.

Bản đồ địa chính trị châu Âu đang thay đổi

Cuộc tấn công của Nga vào Ukraine khiến phương Tây tỏ ra đoàn kết hơn. Đã có những lời kêu gọi phải suy nghĩ về cách thức vẽ lại bản đồ địa chính trị của châu Âu trong tương lai. Song đây sẽ là công việc rất khó khăn khi có nhiều sự kiện nóng đang diễn ra bên trong và xung quanh châu Âu kể từ đầu năm đến nay. Kế hoạch đưa Ukraine – quốc gia có diện tích lớn thứ 2 châu Âu vào khuôn mẫu của phương Tây, trái với ý muốn của Nga, đang đặt ra những thách thức lớn.

Cục diện địa chính trị châu Âu đang thay đổi. Ảnh: AP
Cục diện địa chính trị châu Âu đang thay đổi. Ảnh: AP

Tại Hội nghị Thượng đỉnh EU ở Versailles, Pháp trong hai ngày 10 và 11/3, các nhà lãnh đạo của 27 nước thành viên sẽ phải xem xét đơn xin gia nhập Liên minh châu Âu mà Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đệ trình vào tuần trước.

“Liên minh châu Âu sẽ mạnh hơn nhiều nếu có chúng tôi. Đây là điều chắc chắn”, ông Zelensky gửi thông điệp tới Nghị viện châu Âu trong bài phát biểu trực tuyến vào hôm 8/3. “Hãy chứng minh các bạn đang đồng hành cùng chúng tôi. Hãy chứng minh rằng các bạn sẽ không bỏ lại chúng tôi. Hãy chứng minh các bạn thực sự là người châu Âu”.

Vấn đề trở nên phức tạp hơn khi Moldova và Georgia – hai quốc gia nhỏ hơn cũng nộp đơn xin gia nhập EU trong những ngày qua. Trong khi đó, Phần Lan và Thụy Điển – hai quốc gia giữ vị thế trung lập và theo đuổi chính sách không liên kết quân sự trong nhiều thập kỷ qua, đã thay đổi lập trường xem xét việc gia nhập NATO. Kết quả cuộc thăm dò dư luận do tờ Aftonbladet của Thụy Điển công bố hôm 25/2 - một ngày sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine cho thấy, 41% số người được hỏi nói rằng họ ủng hộ gia nhập NATO, còn tại Phần Lan, con số này là 53%.

Chỉ trong một thời gian ngắn, bản đồ địa chính trị tại châu Âu đã bị lung lay mạnh mẽ. Nhiều quốc gia lo ngại về khả năng mở rộng nhanh chóng của EU và NATO bởi việc thay đổi các phạm vi ảnh hưởng truyền thống sẽ đẩy lục địa già đến bờ vực của một cuộc chiến toàn diện. Nguyện vọng gia nhập EU của Ukraine có thể làm thay đổi sự cân bằng của các tổ chức tại châu Âu.

Tổng thống Ukraine Zelensky. Ảnh: AP
Tổng thống Ukraine Zelensky. Ảnh: AP

Nhà phân tích Raf Casert của AP cho rằng, ngay cả khi sự ủng hộ dành cho Ukraine ngày một gia tăng trong EU thì việc cấp quy chế thành viên vẫn là điều xa vời ở giai đoạn này.

Phát biểu trước Nghị viện châu Âu tại Strasbourg hôm 9/3, Thủ tướng Estonia Kaja Kallas - một trong số các lãnh đạo của 8 nước thành viên EU tại Đông Âu ủng hộ Ukraine cho biết: “Việc cấp quy chế thành viên cho Ukraine không chỉ là lợi ích mà còn là nghĩa vụ đạo đức của chúng ta. Ukraine không chiến đấu một mình. Họ chiến đấu vì châu Âu. Nếu chúng ta không quyết định bây giờ thì liệu chúng ta có thể chờ đến khi nào?”.

Cùng ngày, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte cho rằng, giờ không phải thời điểm thích hợp để kết nạp Ukraine. Trong cuộc điện đàm với Tổng thống Ukraine Zelensky, ông Mark Rutte nói: “Tôi biết nguyện vọng của các bạn, nhưng việc kết nạp sẽ không nhanh chóng bởi đây là quá trình kéo dài nhiều năm. Vì thế hãy nhìn vào những gì chúng ta có thể làm hôm nay, ngày mai, tuần sau hoặc tháng sau”.

Nhà lãnh đạo Hà Lan lưu ý, khả năng trở thành thành viên của Moldova và Georgia thậm chí lâu hơn vì 2 nước này không phải đối mặt với mối đe dọa tức thời như Ukraine.

Việc kết nạp thành viên đốt nóng Hội nghị Thượng đỉnh EU

Chuyên gia Pawel Zerka, thuộc Hội đồng châu Âu về Quan hệ đối ngoại nhận định “Việc xem xét đơn xin gia nhập của Ukraine chắc chắn sẽ đốt nóng các cuộc thảo luận tại Hội nghị Thượng đỉnh EU, tạo cơ hội cho những người theo chủ nghĩa hoài nghi châu Âu reo rắc sự lo lắng trong các cử tri”.

Trong quá khứ, tiến trình xin gia nhập EU mất rất nhiều năm, thậm chí hàng chục năm. Thổ Nhĩ Kỳ nộp đơn xin kết nạp từ năm 1987, đến nay vẫn chưa có tư cách thành viên. Ngoài ra còn 4 nước khác nằm trong danh sách ứng cử viên. Tuy vậy, EU vẫn tỏ ra lưỡng lự trong việc mở rộng thêm về phía Đông. Việc cho phép Ukraine được kết nạp trước chắc chắn sẽ gây ra sự phản đối ở phía Tây Balkan – nơi một số quốc gia đang chờ sự chấp thuận.

Để trở thành thành viên của EU, các nước ứng cử viên cần phải áp dụng tất cả các quy định của EU, từ nguyên tắc pháp quyền đến tiêu chuẩn thương mại. Nếu liệt kê ra, những quy tắc này dài khoảng 80.000 trang. Trong những năm qua, EU thường phàn nàn rằng Ukraine vẫn còn nhiều thiết sót trong thực thi các biện pháp chống tham nhũng. Chưa kể, việc kết nạp cần phải được sự đồng tình của tất cả các nước thành viên trong khối.

Khác với Ukraine, việc kết nạp Thụy Điển và Phần Lan vào NATO sẽ dễ dàng hơn vì cả hai đều có quan hệ hợp tác rất chặt chẽ với liên minh quân sự này. Dù vậy, một quyết định chính thức có thể được xem như trò chơi quyền lực địa chính trị và chắc chắn khiến Nga tức giận.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết: “Nếu Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO thì điều đó sẽ dẫn đến những hậu quả chính trị-quân sự nghiêm trọng”.

Bất chấp những cảnh báo như vậy, Moscow có lẽ không thể phủ nhận thực tế là sự trung lập của Bắc Âu đã giảm bớt. Trong những ngày gần đây, Thụy Điển và Phần Lan đã thay đổi tình trạng trung lập của họ bằng cách gửi viện trợ quân sự cho Ukraine, nhà phân tích Raf Casert lưu ý./.

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện