Thế giới

Tổng thống Indonesia quyết dời đô

11:48, 18/09/2022
Tổng thống Joko Widodo được cho là muốn để lại dấu ấn lịch sử qua việc tuyên bố dời đô. Nhưng dự án này còn gặp nhiều thách thức và cửa ải gần nhất sẽ là cuộc bầu cử năm 2024.

Indonesia đã khởi động ý tưởng đầy tham vọng và tốn kém nhằm dời đô từ Jakarta tới những cánh rừng nhiệt đới ở tỉnh Đông Kalimantan.

Cuối tháng 8, Bộ Công trình công cộng và Nhà ở Indonesia đã ký thỏa thuận với các nhà thầu thực hiện giai đoạn một trong phát triển cơ sở hạ tầng cho thủ đô mới. Thỏa thuận này có 19 dự án, bao gồm hệ thống đường sá và thủy lợi, với tổng vốn đầu tư khoảng 347 triệu USD.

Tuy nhiên, con số trên chỉ nhỉnh hơn 1% của 31 tỷ USD - tổng chi phí ước tính xây dựng thủ đô mới.

Theo cây bút Toru Takahashi của Nikkei, số phận của dự án này vẫn còn chưa chắc chắn và sẽ chịu tác động của nhiều yếu tố, bao gồm sự thay đổi của thái độ công chúng và nền kinh tế, cũng như kết quả bầu cử năm 2024.

Siêu dự án tham vọng

Với hơn 30 triệu dân, Jakarta là khu đô thị đông dân thứ hai trên thế giới, sau Tokyo. Bên cạnh nhiều vấn đề như tắc đường, ô nhiễm không khí, thủ đô của Indonesia mỗi năm lại chìm 5-10 cm, khiến nơi đây phải chịu các trận lũ ngày càng nặng trong những năm qua.

Thủ đô Jakarta hiện tại và thủ đô dự kiến Nusantara ở Đông Kalimantan. Đồ họa: Nikkei.
Thủ đô Jakarta hiện tại và thủ đô dự kiến Nusantara ở Đông Kalimantan. Đồ họa: Nikkei.

Tháng 8/2019, Tổng thống Widodo thông báo dự án dời thủ đô từ Đặc khu Thủ đô Jakarta ở bờ biển Tây Bắc Java tới một khu vực chưa được khai phá ở tỉnh Đông Kalimantan cách đó 2.000 km. Thủ đô mới được Tổng thống Widodo đặt tên là Nusantara.

Theo dự luật được thông qua hồi tháng một làm cơ sở pháp lý cho thủ đô mới, mọi cơ quan chính quyền trung ương sẽ được chuyển tới Nusantara trong từ nay cho tới năm 2045, thời điểm Indonesia kỷ niệm 100 năm độc lập. 

Quá trình di chuyển sẽ bắt đầu vào năm 2024, khi dinh tổng thống sẽ được chuyển đến Nusantara.

Chính phủ Indonesia hy vọng việc xây thủ đô mới sẽ giảm mức độ tập trung của cải và quyền lực kinh tế - chính trị ở đảo Java, từ đó giúp nước này có sự phát triển kinh tế cân bằng hơn. 

Java tập trung gần 60% dân số và GDP của Indonesia, dù chỉ chiếm 6% tổng diện tích quần đảo Indonesia - nơi được cấu thành từ 17.000 hòn đảo lớn nhỏ. Trong khi đó, tỉnh Đông Kalimantan nằm ở trung tâm quần đảo này.

Dù vậy, siêu dự án lịch sử này đã vấp phải thái độ hoài nghi. Mức độ ủng hộ đối với việc dời đô đang giảm dần, thể hiện qua các khảo sát quốc gia do tổ chức khảo sát độc lập Chỉ số Chính trị Indonesia (IPI) thực hiện.

Tháng 2/2020, 53,6% người tham gia khảo sát tỏ ra ủng hộ dời đô và chỉ 33,6% phản đối. Hai năm sau, tỷ lệ ủng hộ của người được hỏi giảm xuống 48,5%, trong khi tỷ lệ phản đối lên 44%. Các khảo sát khác được thực hiện trong năm nay cũng cho thấy kết quả tương tự.

Người dân Indonesia dường như đánh giá động thái dời đô có mức ưu tiên thấp, nhất là khi nền kinh tế đang chật vật với giá cả leo thang.

Người bán số báo có bài viết về việc dời đô của Indonesia. Ảnh: Reuters.
Người bán số báo có bài viết về việc dời đô của Indonesia. Ảnh: Reuters.

Nhiều điều chưa rõ ràng

Ngay từ đầu, siêu dự án này đã gặp nhiều thách thức như bị trì hoãn 2 năm sau ngày được thông báo vì đại dịch. Phải tới tháng 9/2021, dự luật dời đô mới được trình lên Quốc hội Indonesia. Cơ quan này cũng thông qua dự luật chỉ sau 43 ngày xem xét mà không tổ chức bất cứ buổi điều trần công khai nào.

Cái tên của thủ đô mới, Nusantara (có nghĩa “quần đảo” trong tiếng Indonesia), do Tổng thống Widodo chọn ra từ hơn 80 đề xuất từ các học giả. Chính phủ Indonesia đã quyết định không tổ chức trưng cầu dân ý để chọn tên.

Triển vọng ngân sách của dự án này vẫn còn mơ hồ. Chính phủ cho biết họ sẽ chỉ lo 20% trong tổng kinh phí ước tính là 31 tỷ USD, phần còn lại tới từ bên ngoài như đầu tư cá nhân và hình thức đối tác công - tư. 

Từng tỏ ra hứng thú với dự án, ông Masayoshi Son, Chủ tịch và CEO tập đoàn SoftBank của Nhật Bản, đã quyết định không tham gia. Quỹ đầu tư và doanh nghiệp từ Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất, Hàn Quốc và Trung Quốc cũng thể hiện sự quan tâm nhưng tới nay còn vắng bóng kế hoạch đầu tư cụ thể.

Các nhà đầu tư vẫn sẽ thận trọng cho tới khi câu hỏi thu hồi khoản đầu tư thế nào trở nên rõ ràng hơn.

Độ hiệu quả của việc xây dựng thủ đô mới cũng còn chưa được xác định. Theo kế hoạch hiện tại, Nusantara sẽ là trung tâm hành chính, còn Jakarta vẫn là trung tâm thương mại. Dân số Nusanta dự kiến không vượt quá 1,5 triệu người, với 95% dân số Jakarta vẫn ở nguyên tại đây.

Nhiều tòa nhà chính quyền bị bỏ trống ở trung tâm đô thị nhiều khả năng sẽ được chuyển đổi thành cơ sở thương mại. Nhưng điều này sẽ thu hút thêm nhiều người tới Jakarta và càng làm trầm trọng thêm vấn đề chật chội và bất bình đẳng thu nhập ở đây.

Jakara phải chứng kiến nhiều trận ngập lụt nặng trong thời gian gần đây. Ảnh: Anadolu.
Jakara phải chứng kiến nhiều trận ngập lụt nặng trong thời gian gần đây. Ảnh: Anadolu.

Quá khứ không suôn sẻ

Để hiểu tại sao chính phủ hiện tại hăm hở di chuyển toàn bộ cơ quan hành chính cốt lõi tới địa điểm mới, cây bút Toru Takahashi của Nikkei cho rằng cần phải lần ngược lịch sử và nhiều nỗ lực dời đô của Indonesia trong quá khứ.

Vào thế kỷ XVII, Hà Lan - mẫu quốc thực dân của Indonesia - đã đổi tên Jakarta thành Batavia và bắt đầu phát triển thành phố. Tới năm 1957, Tổng thống đầu tiên của Indonesia, ông Sukarno, cam kết xây thủ đô mới ở Trung Kalimantan để đất nước có thể rũ bỏ quá khứ thuộc địa.

Tuy nhiên, Tổng thống Sukarno đã không kịp hiện thực hóa tầm nhìn ấy vì ông bị lật đổ vào năm 1967. Tổng thống thứ hai, ông Suharto, đề xuất dời đô tới ngoại ô Jakarta ở Tây Java nhưng kế hoạch ấy cũng không kịp thành hình trước khi ông từ chức sau cuộc khủng hoảng tiền tệ châu Á 1998.

Tới năm 2015, một năm sau khi ông Widodo trở thành tổng thống, Megawati Sukarnoputri, Tổng thống thứ 5 và Chủ tịch đảng Dân chủ Đấu tranh của ông Widodo, nhắc lại ý tưởng dời đô. Bà Megawati cũng là con gái lớn của cố Tổng thống Sukarno.

Đề xuất dời đô dần lấy được đà tiến từ năm 2017, khi Tổng thống Widodo bày tỏ sự ủng hộ với ý tưởng này. 

“Bằng cách thực hiện ý tưởng lớn mà những người tiền nhiệm không làm được, ông Widodo đang muốn để lại di sản giúp tên tuổi ông được nhắc tới trong sách giáo khoa trong 100 năm nữa và hơn thế”, ông Jun Honna, một giáo sư thuộc Đại học Ritsumeikan ở Tokyo, nói.

Tổng thống Indonesia Joko Widodo. Ảnh: Reuters.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo. Ảnh: Reuters.

Từ trước khi ủng hộ ý tưởng dời đô, ông Widodo khi còn là thống đốc Jakarta đã thúc đẩy kế hoạch xây dựng tường chắn biển và đảo nhân tạo để đối phó vấn đề quá đông dân tại thủ đô. 

Tới năm 2014, ông Widodo được bầu làm tổng thống và để lại dự án đảo nhân tạo cho Phó thống đốc Bauski Tjahaja, một người thân cận của ông. Nhưng năm 2017, ông Basuki thất cử trong cuộc bầu cử thống đốc năm đó. Chỉ ít lâu sau, dự án bị hủy bỏ.

Theo cây bút Takahashi, diễn biến này có thể đã có tác động tới việc ông Widodo năm 2017 có quyết định dời đô.

Ẩn số năm 2024

Luật thủ đô mới quy định lãnh đạo chính quyền khu đô thị Nusantara sẽ do tổng thống bổ nhiệm, thay vì được bầu. Điều khoản này được cho là thể hiện ông Widodo có quyết tâm lớn muốn bảo vệ kế hoạch dời đô khỏi các yếu tố chính trị.

Nhưng cây bút Takahashi cho rằng dự án nhiều khả năng vẫn sẽ mang tính chính trị. 

Ông Widodo sẽ không thể ra tái tranh cử tổng thống trong cuộc bầu cử năm 2024 vì giới hạn 2 nhiệm kỳ của hiến pháp. Trong khi đó, người ủng hộ của ba ứng viên tiềm năng trong năm 2024 lại có quan điểm khác nhau về vấn đề dời đô, theo khảo sát hồi tháng 2 của IPI.

Thủ đô Jakarta của Indonesia gặp phải nhiều vấn đề như ô nhiễm không khí, ngập lụt và đông dân. Ảnh: New York Times.
Thủ đô Jakarta của Indonesia gặp phải nhiều vấn đề như ô nhiễm không khí, ngập lụt và đông dân. Ảnh: New York Times.

Trong nhóm ủng hộ Bộ trưởng Quốc phòng Prabowo Subianto, số người phản đối kế hoạch dời đô nhiều hơn số ủng hộ. Ông Subianto là nhân vật nhận được tỷ lệ ủng hộ cao nhất trong khảo sát.

Hầu hết người ủng hộ Thống đốc Trung Java Ganjar Pranowo, nhân vật có tỷ lệ ủng hộ theo sát ông Subianto, đều có thái độ tích cực với việc dời đô. 

Ngược lại, hầu hết người ủng hộ Thống đốc Jakarta đương nhiệm, ông Anies Baswedan, tỏ ý phản đối. Ông Baswedan cũng chính là người đã hủy dự án đảo nhân tạo do ông Widodo khởi xướng sau khi đánh bại ông Basuki vào năm 2017. 

Hiện chưa rõ liệu các ứng viên này có làm rõ lập trường về vấn đề dời đô khi họ chính thức tranh cử tổng thống vào năm 2024 hay không. Nhưng vấn đề này vẫn có thể có tác động đáng kể tới kết quả bầu cử.

“Dự án này sẽ di chuyển nhanh chóng cho tới hết nhiệm kỳ của ông Widodo”, Bachtiar Alam, giám đốc Asiaconsult Associates. “Sau đó, tương lai của nó sẽ phụ thuộc vào tiến trình phát triển cơ sở hạ tầng và quá trình di chuyển chức năng hành trình. Năm 2024 sẽ là năm bước ngoặt với dự án này”.

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện