Thế giới

Tình hình Niger tiếp tục bế tắc, ECOWAS để ngỏ cánh cửa đối thoại

17:19, 09/08/2023
Tình hình Niger tiếp tục bế tắc trong bối cảnh thiếu sự đoàn kết cuả khối ECOWAS và vòng xoáy tranh giành ảnh hưởng của Mỹ, Nga. Tuy nhiên, ECOWAS vẫn để ngỏ cánh cửa đối thoại.

Tình hình Nigeria bế tắc

Phớt lờ tối hậu thư của Cộng đồng Kinh tế Quốc gia Tây Phi (ECOWAS), từ chối tiếp các phái đoàn quốc tế, chính quyền quân sự hậu đảo chính ở Niger đến nay không chịu bất cứ sức ép nào từ bên ngoài. Tổng thống Nigeria Bola Tinubu, kiêm chủ tịch của ECOWAS hôm qua (8/8) tuyên bố không loại trừ khả năng can thiệp quân sự vào Niger nhưng tin rằng ngoại giao là "cách tốt nhất" để nước này thoát khỏi bế tắc. 

 

Các thành viên của chính quyền quân sự Niger dự cuộc biểu tình tại Sân vận động Seini Kountche ở thủ đô Niamey ngày 6/8. Ảnh: Reuters
Ông Ajuri Ngelale, người phát ngôn của Tổng thống Nigeria tuyên bố:“Ngoại giao là con đường tốt nhất. Tổng thống Nigeria đại diện cho quan điểm đồng thuận của các nguyên thủ quốc gia ECOWAS, đã thông báo rõ ràng rằng ông cùng với các lãnh đạo trong khối ECOWAS muốn có một giải pháp đạt được thông qua các biện pháp ngoại giao, thông qua các biện pháp hòa bình, chứ không phải bất kỳ biện pháp nào khác, và đó sẽ là quan điểm được duy trì trong tương lai, trong khi chờ đợi bất kỳ giải pháp nào khác có từ Hội nghị Thượng đỉnh bất thường của ECOWAS được tổ chức vào ngày mai”.

Đây là thông điệp đầu tiên từ Tổng thống Tinubu sau khi chính quyền quân sự ở Niger không chịu khôi phục quyền lực cho Tổng thống Bazoum theo tối hậu thư của Cộng đồng Kinh tế Quốc gia Tây Phi (ECOWAS) trước hạn chót ngày 6/8.

Tuy nhiên khả năng can thiệp quân sự chưa được xem xét ngay lập tức và cánh cửa đối thoại vẫn còn bỏ ngỏ. ECOWAS sẽ xử lý khủng hoảng Niger như thế nào còn phụ thuộc vào kết quả Hội nghị Thượng đỉnh bất thường tổ chức tại Abuja (Nigeria) vào ngày mai. Tuy nhiên, sự rạn nứt trong ECOWAS rất khó để khối này có cách xử lý với cuộc khủng hoảng Niger. Cho đến nay, các nhà lãnh đạo ở Mali, Burkina Faso và Algeria vẫn phản đối bất kỳ sự can thiệp quân sự nào vào Niger, thậm chí coi việc can thiệp quân sự là tấn công vào chính các quốc gia này.

Chiến trường mới của cuộc cạnh tranh nước lớn

Khủng hoảng Niger không chỉ là bài toán đau đầu của ECOWAS mà còn là chiến trường mới trong cuộc cạnh tranh ảnh hưởng giữa Nga và Mỹ - châu Âu. Với sự giàu có về urani và dầu mỏ cũng như có vai trò then chốt trong cuộc chiến với các chiến binh Hồi giáo, Niger có tầm quan trọng đối với cả Mỹ, châu Âu, Trung Quốc và Nga.

Vốn là thuộc địa cũ của Pháp nên cuộc đảo chính đã khơi gợi một làn sóng chống Pháp và thân Nga ở Niger. Phương Tây lo sợ Niger vuột khỏi quỹ đạo của mình, giống như những gì đã xảy ra ở các nước láng giềng Mali và Burkina Faso khi cả hai đều xoay trục về phía Nga sau đảo chính. Pháp có 1.500 binh sĩ ở Niger và Mỹ có 1.000 nhân viên, hầu hết được triển khai tại hai căn cứ không quân lớn. 

Mỹ đang tìm cách ngăn chặn lực lượng lính đánh thuê tư nhân Wagner can dự vào tình hình Niger sau khi có tin phe đảo chính Niger được cho là đã nhờ Wagner, hiện đóng quân ở Mali, hỗ trợ để đối phó với nguy cơ bị ECOWAS can thiệp quân sự.

Phương Tây rất muốn sớm ổn định tình hình ở Niger, một trong những quốc gia dân chủ cuối cùng ở khu vực Sahel rộng lớn, phía Nam sa mạc Sahara, mà họ có thể hợp tác để chống lại bạo lực thánh chiến ngày càng gia tăng liên quan đến Al-Qaeda và nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS.

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện