Thế giới

Nguy cơ viện trợ phương Tây chảy vào túi Hamas

08:05, 22/10/2023
Phương Tây viện trợ hàng trăm triệu USD để giúp Gaza tái thiết, nhưng không thể kiểm soát hoàn toàn số tiền này, khiến một phần chảy vào túi Hamas.

Sau khi Hamas phát động cuộc đột kích vào Israel hôm 7/10, Mỹ và các đồng minh đã lên án Iran tài trợ cho tổ chức vũ trang này. Nhưng giới quan sát cho rằng một phần không nhỏ trong ngân sách để Hamas mua sắm, chế tạo vũ khí và trả lương cho các tay súng đến từ tiền của các nước phương Tây, thậm chí là cả Israel.

Theo các nhà nghiên cứu độc lập cũng như giới chức an ninh phương Tây, trong nhiều năm qua Hamas đã thu được hàng chục triệu USD bằng cách "gặm nhấm" các khoản viện trợ nhân đạo và đánh thuế hoạt động thương mại tại Dải Gaza do nhóm này kiểm soát.

Các tay súng thuộc Lữ đoàn al-Qassam, cánh quân sự của Hamas, diễu hành ở Gaza năm 2022. Ảnh: AFP
Các tay súng thuộc Lữ đoàn al-Qassam, cánh quân sự của Hamas, diễu hành ở Gaza năm 2022. Ảnh: AFP

Thực tế này làm bật lên một câu hỏi hóc búa mà Israel và phương Tây đã đặt ra từ lâu và đến nay vẫn chưa có câu trả lời: Làm thế nào để vừa hỗ trợ thường dân Palestine tại Gaza vừa ngăn được Hamas hưởng lợi từ các nguồn viện trợ này.

Alex Zerden, cựu quan chức an ninh quốc gia cấp cao thuộc Bộ Tài chính Mỹ, cho biết viện trợ quốc tế về bản chất "mang tính nhân đạo, nhưng dòng tiền rất khó kiểm soát, cho phép Hamas lợi dụng để biến chúng từ chỗ cung cấp nhu yếu phẩm cho người dân sang hỗ trợ cỗ máy chiến tranh".

Hôm 18/10, Tổng thống Joe Biden tuyên bố Mỹ sẽ chuyển 100 triệu USD viện trợ nhân đạo nhằm cung cấp nước sạch, thực phẩm, chăm sóc y tế và những nhu cầu thiết yếu khác cho người Palestine ở Gaza và Bờ Tây. Trong bài phát biểu tại Israel, ông cảnh báo Hamas không được đánh cắp hay dùng sai mục đích nguồn viện trợ mà các nước trên thế giới đang chuyển vào khu vực.

Nhưng lịch sử cho thấy việc truy vết dòng tiền vào Dải Gaza là vô cùng khó khăn. Chính phủ Israel trong hai năm qua đã cho phép nhiều người Palestine tới làm việc ở Israel và tạo điều kiện cho Hamas tăng thuế ở dải đất này. Ai Cập đã mở cửa thương mại vào Gaza, khiến các doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hóa cũng phải chịu mức thuế do Hamas áp đặt.

Qatar cũng đã viện trợ hàng chục triệu USD mỗi tháng cho Gaza. Hầu hết đều đến được với những gia đình khó khăn, một phần dùng để trả lương cho các thành viên Hamas làm việc trong chính quyền khu vực. Tuy nhiên, tình báo phương Tây nhận thấy một số nguồn tài trợ khác của Qatar đã bị Hamas bòn rút nhằm phục vụ hoạt động quân sự.

Cộng đồng quốc tế cũng tài trợ cho những trường học và bệnh viện do các cơ quan trực thuộc Liên Hợp Quốc điều hành tại Dải Gaza, giúp Hamas tránh phải trả những chi phí thực sự cho việc quản lý lãnh thổ mà họ kiểm soát.

Theo chính quyền Israel, dấu vết dòng tiền hỗ trợ quốc tế có thể được trích xuất từ những tài liệu mà họ thu được từ các tay súng Hamas sau vụ tấn công ngày 7/10.

Các bức ảnh do South First Replyers, nhóm thu thập các hình ảnh, cảnh quay từ cuộc tấn công của Hamas, đăng tải cho thấy một tay súng Hamas thiệt mạng khi đột kích vào làng Be'eri ở miền nam Israel đã mang theo bảng lương. Người này nhận mức lương được đánh giá là rất cao tại Gaza, 5.000 shekel (hơn 1.200 USD) một tháng. Tiền lương của nhân viên chính quyền Gaza phần lớn do Qatar và Chính quyền Palestine chi trả.

Trên một chiếc xe bán tải mà Hamas bỏ lại, binh sĩ Israel cũng tìm thấy một hộp sơ cứu của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc, cơ quan chịu trách nhiệm cung cấp viện trợ nhân đạo cho trẻ em ở Dải Gaza.

Người phát ngôn Hamas Hazem Qassem từ chối bình luận về ngân sách của nhóm, song nhấn mạnh nguồn tài chính họ sử dụng để quản lý Gaza tách biệt hoàn toàn với cánh quân sự.

Một quan chức Qatar cho hay viện trợ của nước này cho Dải Gaza được điều phối cùng Israel, Liên Hợp Quốc và Mỹ, đồng thời phải tuân theo các biện pháp bảo vệ nghiêm ngặt. "Chúng nhằm mục đích giúp duy trì sự ổn định và chất lượng cuộc sống cho các gia đình Palestine ở Gaza", ông nói.

Khi Hamas tiếp quản Dải Gaza 16 năm trước, Israel, Mỹ và phương Tây có rất ít lựa chọn để ngăn nhóm hưởng lợi từ nguồn viện trợ cho người dân Gaza. Mặc dù Chính quyền Palestine đã bị Hamas đẩy khỏi khu vực, họ vẫn tiếp tục dành 1/3 ngân sách để trả lương cho bác sĩ, giáo viên, lương hưu và các dịch vụ khác ở Gaza, với hy vọng rằng Hamas sẽ chỉ tồn tại trong thời gian ngắn.

Nhưng thực tế lại hoàn toàn khác. Hamas bắt đầu tuyển viên chức và lực lượng cảnh sát của riêng mình, đồng thời tạo ra hệ thống thu thuế, mặc dù họ chưa bao giờ công khai ngân sách hay kế hoạch chi tiêu.

"Điều thay đổi sau năm 2007 là nhờ kiểm soát lãnh thổ, họ có thể đánh thuế và thu tiền", Matthew Levitt, cựu phó trợ lý bộ trưởng tại Bộ Tài chính Mỹ, hiện công tác tại Viện Chính sách Cận Đông Washington, nhận xét.

Trong nhiều năm, chính phủ Israel đã áp dụng chính sách kiểm soát chặt chẽ với Dải Gaza để đảm bảo Hamas không thể biến nơi đây thành địa điểm tổ chức các cuộc tấn công.

Hamas và Israel thường xuyên đụng độ và cuộc xung đột lớn nhất trước cuộc tấn công hôm 7/10 xảy ra vào năm 2014. Cuộc chiến đã khiến 2.200 người ở Gaza thiệt mạng, phá hủy hơn 11.000 ngôi nhà, thiệt hại ước tính 4,4 tỷ USD.

Người Palestine mua đèn và các đồ trang trí khác ở chợ Zawiya trước tháng chay Ramadan của người Hồi giáo tại thành phố Gaza hồi đầu năm. Ảnh: AP
Người Palestine mua đèn và các đồ trang trí khác ở chợ Zawiya trước tháng chay Ramadan của người Hồi giáo tại thành phố Gaza hồi đầu năm. Ảnh: AP

Các nước đã cam kết viện trợ cho Gaza 3,5 tỷ USD để tái thiết, nhưng việc giải ngân bị chậm do quan điểm khác biệt giữa những nhà tài trợ chính từ Vùng Vịnh, một số muốn tiền đến tay người dân mà không mang lại lợi ích cho Hamas.

Liên Hợp Quốc, Israel và Chính quyền Palestine đã tạo ra một hệ thống giám sát các vật liệu "lưỡng dụng" vào Gaza như xi măng, thép hay phân bón. Tel Aviv tin rằng Hamas có thể dùng chúng để xây đường hầm hoặc chế tạo bom, rocket tấn công người Israel.

Hệ thống này, được gọi là Cơ chế Tái thiết Gaza, đã giúp xây dựng lại hàng nghìn ngôi nhà và cơ sở hạ tầng ở Gaza. Nhưng nó cũng tạo ra một thị trường chợ đen vật liệu, trong đó Hamas là một trong những bên mua mạnh tay nhất.

Đến năm 2018, cơ chế này trở nên thừa thãi khi Ai Cập mở một cửa khẩu biên giới thương mại mới ở Bán đảo Sinai, kết nối với Dải Gaza.

"Ai Cập muốn đảm bảo rằng Gaza dưới thời Hamas không trở thành nơi tiếp nhận những tay súng Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng mà họ đang phải đối phó". Jonathan Lincoln, cựu quan chức Liên Hợp Quốc phụ trách vấn đề Gaza và Bờ Tây, hiện là giáo sư tại Đại học Georgetown, cho hay.

Trong khi đó, Chính quyền Palestine do Tổng thống Mahmoud Abbas lãnh đạo đã cắt nguồn tài trợ cho Gaza trong nỗ lực buộc Hamas phải nhượng lại quyền kiểm soát. Israel lo ngại động thái này sẽ gây thêm tổn thất kinh tế ở Gaza và châm ngòi cho một cuộc xung đột khác.

Israel và phương Tây đã tìm cách giảm bớt áp lực kinh tế lên Gaza và quay sang nhờ trợ giúp từ Qatar, nơi đặt cơ quan lãnh đạo chính trị của Hamas. Doha đứng ra trả lương cho nhân viên Hamas, phát tiền mặt cho các gia đình nghèo và tài trợ nhiên liệu cần thiết cho nhà máy điện ở Gaza.

Giới chức Qatar cho hay viện trợ "được nhiều quốc gia và tổ chức theo dõi trong suốt quá trình vận chuyển để đảm bảo rằng chúng đến được tay dân thường ở Gaza".

Một người quen thuộc với quy trình chuyển phát viện trợ cho biết Qatar chuyển tiền mặt vào một tài khoản ngân hàng do Liên Hợp Quốc đăng ký, sau đó số tiền này sẽ được vận chuyển đến Gaza trong một đoàn xe do Liên Hợp Quốc và Israel cùng điều hành.

Các gia đình đủ điều kiện nhận viện trợ phải ký vào một văn bản xác nhận họ đã nhận tiền và bản sao của chúng sẽ được chuyển đến Israel, Liên Hợp Quốc và Qatar nhằm đảm bảo tổng số tiền phân phát bằng số tiền đã gửi.

"Ý tưởng là chúng tôi giúp Hamas quản lý Gaza để họ có thể lãnh đạo một cách có trách nhiệm và yên ổn, không thực hiện các cuộc tấn công mới", Yossi Kuperwasser, cựu giám đốc nghiên cứu thuộc cơ quan tình báo quân đội Israel, cho biết. "Nhưng chúng tôi đã phớt lờ thực tế rằng Hamas là một tổ chức bạo lực".

Khi viện trợ chảy vào Gaza, Hamas cũng đánh thuế nhập khẩu thuốc lá và các hàng hóa khác, đồng thời tính phí kinh doanh. Theo Mohamed Abu Jayab, nhà kinh tế ở Gaza, Hamas kiếm được khoảng 40 triệu USD tiền thuế mỗi tháng.

Năm 2022, Bộ Tài chính Mỹ ước tính Hamas có hàng loạt công ty ở nước ngoài như Sudan, Thổ Nhĩ Kỳ, Arab Saudi, Algeria và Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), với trị giá lên tới 500 triệu USD.

Xe tải quá cảnh qua cửa khẩu thương mại ở thành phố Rafah, phía nam Dải Gaza, ngày 10/9, khi Israel chấm dứt lệnh đình chỉ xuất khẩu từ lãnh thổ Palestine. Ảnh: AFP
Xe tải quá cảnh qua cửa khẩu thương mại ở thành phố Rafah, phía nam Dải Gaza, ngày 10/9, khi Israel chấm dứt lệnh đình chỉ xuất khẩu từ lãnh thổ Palestine. Ảnh: AFP

Chuyên gia Levitt của Viện Washington cho biết nghiên cứu gần đây của ông tính toán rằng Hamas hiện thu về vài trăm triệu USD mỗi năm, trong đó chi tiêu cho cánh quân sự của nhóm luôn là ưu tiên hàng đầu.

"Cộng đồng quốc tế đã sẵn lòng giúp Hamas quản lý Gaza và họ đang cho phép tiền chảy vào túi của Hamas. Mọi người đều biết điều đó", Kuperwasser, cựu quan chức Israel, nói.

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện