Hội thi thể thao các dân tộc tỉnh Nghệ An: Bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống

14:47, 18/04/2023
Hội thi thể thao các dân tộc tỉnh Nghệ An định kỳ 2 năm tổ chức 1 lần đã trở thành sự kiện thể thao lớn và quan trọng của toàn tỉnh. Đây cũng là “sân chơi” truyền thống, góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa quý giá của đồng bào các dân tộc thiểu số xứ Nghệ.

Nhiều môn thể thao, trò chơi dân gian như đẩy gậy, bắn nỏ, tung còn, kéo co và bóng chuyền của đồng bào các dân tộc thường xuất hiện trong các lễ hội, sự kiện lớn của các địa phương đã được hình thành và trường tồn cho tới ngày nay. Những nét văn hóa truyền thống đã có từ lâu đời và gắn bó mật thiết với đời sống, lao động của đồng bào. Đây cũng là những môn thể thao phổ biến và được đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh yêu thích, tập luyện, giao lưu thi đấu thường xuyên. Chính vì thế, Hội thi thể thao các dân tộc tỉnh Nghệ An được ra đời và định kỳ 2 năm tổ chức 1 lần, đã tạo sức lan tỏa lớn, góp phần làm thay đổi và thúc đẩy phong trào TDTT quần chúng tại khu vực miền núi phát triển. 

Thi đẩy gậy ở hạng cân trên 75kg.

Hội thi được luân phiên tổ chức tại các huyện miền núi trong tỉnh, đã trở thành sự kiện thể thao quan trọng của tỉnh Nghệ An. Các địa phương trước khi tham gia hội thi cấp tỉnh đều tổ chức hội thi cấp huyện, để tuyển chọn được những VĐV xuất sắc nhất.

Thi đấu môn tung còn.

Ông Nguyễn Hoàng Trung-GĐ TT huấn luyện và thi đấu tỉnh Nghệ An cho biết: “Đây là dịp các huyện miền núi giao lưu học hỏi lẫn nhau. Cũng là dịp để tỉnh tuyển chọn những VĐV chất lượng cao để luyện tập thi đấu ở các môn tại hội thi DTTS toàn quốc”

Thi bắn nỏ.

Các nội dung thi đấu tại thu hút Hội thi thể thao các dân tộc tỉnh Nghệ An năm nay thu hút đông đảo các vận động viên tham gia. Với sự luyện tập, chuẩn bị chu đáo, các vận động viên đều đặt quyết tâm giành thành tích cao nhất về cho đơn vị mình.

“Em tham gia 2 môn là đẩy gậy ở hạng cân 75kg và kéo co. Được tham gia thi đấu ở nhiều giải nên em cũng có kinh nghiệm thi đấu” - VĐV Lô Hồng Nhớ, đơn vị Tân Kỳ chia sẻ.

Thi kéo co nữ.

Còn VĐV Ngân Thị Thuận bày tỏ: “Em ở đơn vị Anh Sơn em thi đấu ở môn tung còn và kéo co, các VĐV huyện em thi đấu rất nhiệt tình”

Hội thi là giải đấu quan trọng bởi các môn thể thao dân tộc chính là thế mạnh của các huyện miền núi trong tỉnh và đây cũng là cơ sở để các huyện miền núi đua tranh huy chương, thứ hạng trên bảng tổng soát. Nhờ có các môn thể thao dân tộc, nhiều đoàn thể thao của các huyện miền núi đã giành được thứ hạng cao trong bảng xếp hạng của Đại hội TDTT toàn tỉnh... Các cuộc đua tranh huy chương tại hội thi thể thao các dân tộc toàn tỉnh kỳ nào cũng có những bất ngờ, những thay đổi về thứ hạng ở cả 5 môn. Đây thực sự là ngày hội gắn kết các dân tộc trong toàn tỉnh.

Thi đấu kéo co nam.

“Kỳ Sơn là đơn vị xã nhất tỉnh nhưng chúng tôi vẫn mang đến hội thi 30 VĐV đủ các màu sắc DTTS trên địa bàn, đây là dịp để VĐV chúng tôi cọ sát thi đấu ở những giải cao hơn” - ông Nguyễn Hữu Thiện, Phó trưởng đoàn huyện Kỳ Sơn nói.

Hội thi thể thao các dân tộc toàn tỉnh năm 2023 là hoạt động thiết thực kỷ niệm ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam (19/4), đã thu hút gần 200 VĐV của các đơn vị gồm Tương Dương, Con Cuông, Tân Kỳ, Quỳnh Lưu, Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Anh Sơn, Kỳ Sơn, Thanh Chương, Nghĩa Đàn và Thị xã Thái Hoà thi đấu ở 5 bộ môn gồm đẩy gậy, bắn nỏ, tung còn, kéo co và bóng chuyền. Là đơn vị đăng cai, huyện Quỳ Hợp với điều kiện cơ sở vật chất, chủ động, linh hoạt trong công tác chuẩn bị lần này đã góp phần cho hội thi thành công. 

Thi đấu môn bóng chuyền.

“Chúng tôi đã tham mưu với UBND huyện đầu tư về CSVC để chuẩn bị tốt cho hội thi lần này. Đồng thời chúng tôi tổ chức hội thi cấp huyện để lựa chọn những VĐV xuất sắc nhất để tham gia giải thành công”- ông Hà Huy Nhâm , Giám đốc Trung tâm VHTT TT huyện Quỳ Hợp trao đổi.

Những thành công tại Hội thi thể thao các dân tộc toàn tỉnh Nghệ An năm 2023 đã khẳng định sự quan tâm, đầu tư có trọng điểm đối với các môn thể thao dân tộc của các huyện miền núi. Để có được thành tích nổi bật, các địa phương phải làm tốt công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số.

Trao giải nhất, nhì, ba toàn đoàn.
Trao các huy chương cho từng nội dung thi đấu.
Trao giải huy chương đồng kéo co nam.

Bên cạnh việc định hướng, các huyện có sự ưu tiên, tạo điều kiện và từng bước nâng cao hệ thống cơ sở vật chất, các thiết chế văn hóa ngay từ cấp xóm, bản, cho tới cấp xã, huyện. Cùng với đó, việc đưa các môn thể thao dân tộc, trò chơi dân gian vào các lễ hội truyền thống của địa phương, dịp lễ tết cũng đã trở nên phổ biến để đồng bào các dân tộc có dịp được giao lưu, thi đấu hàng năm. Nhiều địa phương đã duy trì tổ chức ngày hội văn hóa các dân tộc cấp huyện nhằm tạo sân chơi để đồng bào các dân tộc được giao lưu văn hóa, văn nghệ, thi đấu TDTT. Đây là cơ sở quan trọng để các địa phương duy trì, đẩy mạnh phong trào TDTT quần chúng, tìm kiếm những VĐV xuất sắc cho đội tuyển cấp huyện tham gia Hội thi thể thao các dân tộc toàn tỉnh.

Phan Giang

Sự kiện liên quan

    Xem thêm sự kiện