Thời sự - Chính trị

Phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới

17:55, 18/10/2020
Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục nghề nghiệp, góp phần phát triển nguồn nhân lực của tỉnh, lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã đề ra các giải pháp thực hiện trong giai đoạn mới. 

Nghệ An là tỉnh có dân số trên 3,327 triệu người, đứng thứ 4 của cả nước, trong độ tuổi lao động là 1,926 triệu người, chiếm 57,8% tổng dân số của tỉnh và chiếm 3,43% tổng lực lượng lao động của cả nước. Nghệ An cũng là tỉnh nằm trong tốp đầu cả nước về giáo dục nghề nghiệp.

Mặc dù, công tác giáo dục nghề nghiệp đã đạt được nhiều kết quả và đã góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nhưng vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Chất lượng đào tạo lao động của một số ngành nghề chưa cao; chưa đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp; còn có tình trạng đào tạo theo năng lực mà chưa bám sát nhu cầu thị trường lao động nên nhiều lao động được đào tạo mà chưa tìm được việc làm hoặc có việc làm nhưng chưa đúng ngành, nghề được đào tạo; hệ thống giáo dục nghề nghiệp thiếu liên thông giữa các cấp, trình độ và phương thức đào tạo;...

Đồng chí Đoàn Hồng Vũ -Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội trình bày tham luận tại Đại hội.

Phát biểu tham luận tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 – 2025, đồng chí Đoàn Hồng Vũ - Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội chỉ rõ nguyên nhân, như: Ngân sách nhà nước đầu tư cho giáo dục nghề nghiệp còn hạn chế; năng lực một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn yếu; Việc khảo sát, dự báo cung cầu lao động, đánh giá nhu cầu nguồn nhân lực, việc làm, nhu cầu đào tạo theo ngành, nghề, trình độ chưa sát với thực tế. Số lượng doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn tỉnh chưa nhiều, đa số có quy mô nhỏ, sử dụng nhiều lao động phổ thông; Sự phối hợp, gắn kết giữa các cơ sở GDNN với doanh nghiệp chưa chặt chẽ; Nhận thức và tâm lý của một bộ phận người dân chưa coi trọng học nghề. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền ở một số địa phương, đơn vị cơ sở chưa quyết liệt, sâu sát.

Mục tiêu giai đoạn 2021-2025 của tỉnh là đào tạo nghề nghiệp cho trên 320 ngàn người; Nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 71,5%; trong đó, có văn bằng, chứng chỉ lên 31%; đáp ứng sự chuyển dịch cơ cấu lực lượng lao động theo nhóm ngành: Công nghiệp - xây dựng 25%; dịch vụ 30%; nông - lâm - ngư nghiệp 45%. Tập trung vào các ngành, nghề: xây dựng, công nghiệp chế biến, chế tạo có hàm lượng khoa học - công nghệ, ứng dụng công nghệ cao và các ngành công nghiệp hỗ trợ như: cơ khí, lắp ráp ô tô, linh kiện điện tử; cơ điện tử; tự động hóa; thương mại dịch vụ, du lịch…

Các đại biểu tham dự Đại hội.
Các đại biểu tham dự Đại hội.

Để đạt được mục tiêu, nhiệm vụ nêu trên, tỉnh cần tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng và sự vào cuộc của các cấp, các ngành để tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về giáo dục đào tạo, giáo dục nghề nghiệp; Quan tâm thực hiện công tác thông tin, truyền thông, tạo sự chuyển biến về nhận thức, sự đồng thuận và huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự tham gia của toàn xã hội đối với phát triền nguồn nhân lực. Làm tốt công tác rà soát, đánh giá nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực, việc làm. Hỗ trợ thực hiện có hiệu quả học sinh sinh viên khởi nghiệp, nâng cao nhận thức về khởi nghiệp và tự tạo việc làm.

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh tự chủ của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập; huy động các nguồn lực để đầu tư cho công tác phát triển nguồn nhân lực. Tăng cường gắn kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp; hợp tác quốc tế để liên kết đào tạo. Thực hiện thành công đào tạo thí điểm 8 nghề trọng điểm cấp độ Quốc tế trình độ cao đẳng hợp tác với Úc và Đức tại trường Cao đẳng Kỹ thuật - Công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc và trường Cao đẳng Du lịch - Thương mại Nghệ An và nhân rộng chương trình đào tạo này trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.

Tăng cường gắn kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp; hợp tác quốc tế để liên kết đào tạo. Ảnh: internet

Đồng thời, tạo môi trường thuận lợi để các nhà đầu tư thành lập cơ sở đào tạo giáo dục nghề nghiệp chất lượng cao; đầu tư các dự án trọng điểm để giải quyết việc làm cho người lao động, nhất là các dự án đầu tư vào các Khu công nghiệp VSIP, WHA, Hemaraj; Tập đoàn Hoa Sen, The Vissai, Masan, Vingroup, FLC.... Phát triển kỹ năng nghề nghiệp, kỹ năng mềm, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng quản lý, kỹ năng xã hội, giao tiếp; tăng năng lực cạnh tranh của tỉnh, của quốc gia trong tình hình mới; thích ứng với yêu cầu của thị trường lao động thời kỳ chuyển đổi số và bối cảnh toàn cầu; hội nhập quốc tế./.

Thùy Dương - Hữu Hoàng

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện