Thời sự - Chính trị

Dù ai đi ngược về xuôi…

11:59, 10/04/2022
 “Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày giỗ Tổ mùng 10 tháng Ba” – câu ca dao từ ngàn năm như lời nhắc nhở mỗi người dân Việt dù trong nước hay nước ngoài, dù miền ngược hay miền xuôi cũng đều luôn luôn ghi nhớ để báo đáp công ơn của tổ tiên nguồn cội, nhớ lại lịch sử dựng nước và giữ nước đầy hào hùng của dân tộc ta.
 Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng một số lãnh đạo Đảng và Nhà nước dâng hương tại Lễ hội Đền Hùng 2022 
 Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng một số lãnh đạo Đảng và Nhà nước dâng hương tại Lễ hội Đền Hùng 2022 

Người Việt Nam có truyền thống uống nước nhớ nguồn. Truyền thống ấy đã lưu truyền từ ngàn đời nay. Ta thấy những đình đền thờ thần, thờ những người có công lao với tổ quốc trên khắp dọc mảnh đất hình chữ S. Điều đó thể hiện sự biết ơn của nhân dân ta đối với họ.

Hằng năm, cứ vào dịp mùng 10 tháng Ba âm lịch, cả nước lại nô nức hướng đến Giỗ Tổ Hùng Vương. Triệu trái tim lại hướng về nơi đền thiêng – Đền Hùng, Phú Thọ. Lễ hội Đền Hùng cũng là lễ hội lớn và là lễ hội chung của toàn đất nước được tổ chức nhằm tưởng nhớ và tỏ lòng biết ơn của con dân Việt Nam với công lao lập nước của các đời vua Hùng, những vị vua đầu tiên của dân tộc Việt. Người người tham gia lễ hội Giỗ tổ với sự thành kính tôn nghiêm và lòng biết ơn nơi cội nguồn của dân tộc. Vua Hùng là biểu tượng của linh nghiêm và tôn kính. Và dịp này, tất thảy chúng ta đều cùng nhau nhớ rằng, dân tộc này, đất nước này có chung nguồn cội: nguồn cội linh thiêng, thần thánh và gắn bó với toàn dân tộc.

"Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày giỗ Tổ mùng 10 tháng Ba".

Thực tế lịch sử bao đời nay của dân tộc ta cũng cho thấy, đời nối đời trải mấy nghìn năm, cả nước một lòng, toàn dân đoàn kết. Trong suốt tiến trình dựng nước và giữ nước đầy khó khăn, thử thách, gian khổ và hy sinh, dân tộc ta đã lập nên nhiều kỳ tích vẻ vang, hun đúc nên truyền thống yêu nước nồng nàn, tinh thần bất khuất, ý chí độc lập, tự chủ, tự cường".

Và cũng ngày này, thế hệ chúng ta lại da diết nhớ lời căn dặn của Bác Hồ kính yêu: "Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước" đồng thời cùng nguyện hứa "tiếp nối truyền thống Tiên Rồng, phát huy cao độ tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường". Những thế hệ “con Rồng cháu Tiên” ngày nay chung tâm nguyện và cam kết "ra sức rèn đức, luyện tài, cùng nhau đoàn kết vượt qua mọi khó khăn; phát huy trí tuệ và sức mạnh tổng hợp; đoàn kết cả tập thể; nỗ lực và quyết tâm thực hiện tốt hơn nữa các nhiệm vụ Đảng và Nhà nước giao, cũng như đường lối đối ngoại do Đại hội Đảng lần thứ XIII đã chỉ ra “góp phần đưa nước ta trở nên giàu mạnh, hùng cường, làm rạng danh cơ đồ dân tộc", “trở thành một nước thịnh vượng, hùng cường vào năm 2045”.

Lịch sử Việt Nam đã ghi nhận ngày giỗ Tổ Hùng Vương hoặc Lễ hội Đền Hùng hoặc Quốc giỗ là một ngày lễ của Việt Nam. Đây là ngày hội truyền thống của Người Việt tưởng nhớ công lao dựng nước của Hùng Vương. Nghi lễ truyền thống được tổ chức hàng năm vào mùng 10 tháng 3 Âm lịch tại Đền Hùng, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ và được người dân Việt Nam trên toàn thế giới kỷ niệm và tôn kính.

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam ghi danh vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (đợt 1) và UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể.

Theo Ngọc phả Hùng Vương chép thời Hồng Đức hậu Lê thì từ thời nhà Tiền Lê, nhà Lý, nhà Trần rồi đến Hậu Lê các vua và nhân dân địa phương đều đến lễ bái các vua Hùng. Từ thời xưa, các triều đại quân chủ và phong kiến Việt Nam đã quản lý Đền Hùng theo cách giao thẳng cho dân sở tại trông nom, sửa chữa, cúng bái, tổ chức ngày giỗ Hùng Vương thứ 18 vào ngày 11 tháng 3 âm lịch; đổi lại dân địa phương được triều đình miễn cho những khoản thuế ruộng cùng sưu dịch và sung vào lính. Sang thế kỷ 20, năm 1917 triều vua Khải Định, Bộ Lễ chính thức gửi công văn ghi ngày 25 tháng 7 phái quan hàng tỉnh của tỉnh Phú Thọ lấy ngày mồng 10 tháng 3 âm lịch thì cử hành "quốc tế" hàng năm, tức là sức cho các quan phải mặc phẩm phục lên đền Hùng thay mặt triều đình Huế cúng tế. Bia Hùng Vương từ khảo tại đền Thượng do Tham tri, Hữu tuần phủ Phú Thọ là Bùi Ngọc Hoàn soạn, cho biết: “Năm Khải Định thứ hai, tức năm 1917 lịch dương, Tuần phủ Phú Thọ là Lê Trung Ngọc có công văn xin Bộ Lễ ấn định lấy ngày mồng 10 tháng 3 hàng năm làm ngày Quốc tế, tức trước ngày giỗ Hùng Vương thứ 18 một ngày, ngày 11 tháng 3, do dân sở tại cúng tế”. Đây cũng là cứ liệu xác tín nhất để xác định rõ ràng ngày lễ chính thức Giỗ Tổ Hùng Vương 10 tháng Ba âm lịch chỉ được ban hành từ hoàng triều Khải Định. Ngày 10 tháng Ba từ đó được dùng cho toàn quốc. Sau khi nền cộng hòa thành lập, chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra Sắc lệnh, xem ngày 10 tháng Ba là một trong những ngày lễ chính thức của quốc gia, các công chức được nghỉ lễ có hường lương. Trong lễ Giỗ Tổ năm Bính Tuất (ngày 11 tháng 4 năm 1946), Chủ tịch Hồ Chí Minh dự Lễ giỗ Tổ Hùng Vương tại Việt Nam học xá (nay là khu vực Trường Đại học bách khoa Hà Nội). Cũng trong ngày này, thừa ủy quyền Chủ tịch Chính phủ, Bộ trưởng Nội vụ Huỳnh Thúc Kháng thay mặt Chính phủ lên làm lễ dâng hương tại Đền Hùng, đã dâng 1 tấm bản đồ Tổ quốc Việt Nam và 1 thanh gươm quý nhằm tế cáo với Tổ tiên về đất nước đang bị Pháp xâm lăng và cầu mong Tổ tiên phù hộ cho quốc thái dân an, thiên hạ thái bình cùng nhau đoàn kết, đánh tan giặc xâm lược, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của đất nước.

Từ năm 2001, ngày giỗ tổ Hùng Vương trở thành quốc giỗ nước Việt Nam sau thời kỳ Đổi mới dù nét văn hóa và tín ngưỡng này không sâu đậm và phổ biến tại Nam Việt Nam.Từ năm 2007, ngày 10 tháng 3 Âm lịch hàng năm là ngày nghỉ lễ. Lễ hội đền Hùng những năm lẻ sẽ do tỉnh Phú Thọ đứng ra tổ chức. Các năm chẵn sẽ có quy mô ở các cấp trung ương. Lễ hội đền Hùng không chỉ diễn ra ở khu di tích lịch sử đền Hùng Phú Thọ mà sẽ diễn ra ở nhiều địa phương trong cả nước như Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Đà Nẵng… 

 

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện