Thời sự - Chính trị

ĐBQH: Đấu giá biển số ô tô, liệu có bất bình đẳng với người nghèo?

15:41, 26/10/2022
Một số đại biểu Quốc hội lo ngại sẽ xảy ra tình trạng người nghèo không thể sở hữu biển số xe đẹp khi đấu giá, trong khi người giàu lại sở hữu rất nhiều biển đẹp.

Sáng 26/10, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự thảo Nghị quyết thí điểm cấp quyền lựa chọn biển số ô tô thông qua đấu giá. Các đại biểu tập trung thảo luận quy định mức đấu giá khởi điểm biển số xe ô tô theo vùng, quyền mua bán, trao đổi, cho, tặng biển số sau khi trúng đấu giá...

Ông Trương Trọng Nghĩa, đại biểu Quốc hội đoàn TP.HCM cho rằng, dự thảo Nghị quyết thí điểm cấp quyền lựa chọn biển số ô tô thông qua đấu giá sẽ tạo được thêm nguồn thu cho ngân sách. Việc đấu giá này được nhiều nước trên thế giới áp dụng. Tuy nhiên, nhiều vấn đề cũng cần được làm rõ.

"Theo quy định hiện hành, người dân được tự do bấm biển số ô tô khi đi đăng ký ở cơ quan công an. Thực tế, đã rất nhiều người dân bình thường bấm trúng biển số xe ô tô 99999, 12345, 56789... Tuy nhiên, nếu khi áp dụng nghị định mới đấu giá biển số xe, thì chắc chắn những biển số được cho là đẹp như trên sẽ không thể đến tay người nghèo, hầu hết những người có điều kiện kinh tế sẽ sở hữu", ông Nghĩa nói và đặt câu hỏi liệu rằng điều này có tạo nên sự bất bình đẳng trong người dân?

Đồng quan điểm, ông Dương Ngọc Hải, Chủ nhiệm Uỷ ban kiểm tra Thành uỷ TP.HCM lo ngại sẽ xảy ra tình trạng người nghèo không bao giờ còn được sở hữu biển số đẹp khi đăng ký mua xe mới vì nếu đấu giá thì mức tiền đẩy lên rất cao, trong khi người giàu lại sở hữu rất nhiều.

Ông Hải cũng lo ngại, liệu rằng sẽ phát sinh tình trạng một nhóm người chuyên đi đấu giá biển số giá hời ở các địa phương khác rồi về trung tâm như Hà Nội, TP.HCM bán lại với giá cao hơn vài tỷ đồng để trục lợi. Vì vậy, đại biểu Hải đề nghị cần quy định rõ việc mua bán, trao tặng, sử dụng biển số đấu giá này. 

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa.

Ngoài ra, đại biểu Trương Trọng Nghĩa cũng thắc mắc, dự thảo đang phân vùng khi đấu giá biển số, vùng 1 (TP.HCM, Hà Nội…) giá khởi điểm 40 triệu đồng/biển số, vùng 2 là 20 triệu đồng. "Điều này chưa chặt chẽ. Ví dụ, tôi có nhu cầu đăng ký biển số đẹp, có thể sang vùng khác đăng ký, đấu giá với giá rẻ hơn, sau đó về lại TP.HCM sử dụng biển số, thậm chí bán lại cho người khác với giá cao hơn nhiều lần khi đấu giá được, thì ai quản lý", đại biểu này băn khoăn.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa cũng nhấn mạnh, dự thảo cần quan tâm thêm đến vấn đề tài sản biển số thông qua đấu giá. Ông Nghĩa lấy ví dụ khi ly hôn thì chia biển số thế nào, hay khi người sở hữu biển số đấu giá chết thì quyền thừa kế được tính cho ai. Vì vậy, những điều này cần tham khảo ý kiến rộng rãi của các tầng lớp nhân dân.

Trong khi đó, đại biểu Dương Văn Thăng, Phó Chánh toà án Nhân dân tối cao Việt Nam, đóng góp ý kiến ban soạn thảo nghị quyết cần hạ mức giá khởi điểm đấu giá biển số xe ô tô từ 20 - 40 triệu đồng xuống còn 5 triệu đồng và áp dụng chung trên cả nước. Đồng thời, ông đề nghị quy định rõ hơn quyền thừa kế biển số đấu giá sau khi chết và quy định rõ đây là tài sản không được cầm cố, cho thuê, cho mượn.

Trả lời VTC News bên hành lang Quốc hội, đại biểu Lê Thanh Vân (thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách) nói, biển số cùng dãy ký tự mà chuyển từ địa phương này sang địa phương khác giá trị đã tăng gấp đôi sẽ không thuyết phục được người dân.

"Giá trị biển số hoàn toàn phụ thuộc vào thị hiếu, yếu tố duy tâm. Mức khởi điểm nên bình đẳng ở mọi địa phương, tránh những vướng mắc không cần thiết khi triển khai. Sau 3 năm kết thúc thí điểm mới tổng kết, đánh giá, điều chỉnh lại", ông Vân nói.

Cơ quan soạn thảo là Bộ Công an thừa nhận việc xác định giá khởi điểm của biển số ô tô là "hết sức phức tạp" do biển số là tài sản công đặc thù, giá trị cao hay thấp phụ thuộc vào thị trường và mức độ "đẹp" theo sở thích của người tham gia đấu giá. Tuy nhiên, Bộ này cho rằng giá khởi điểm chỉ là mức giá ban đầu, trong quá trình đấu giá, tính cạnh tranh giữa những người tham gia sẽ quyết định giá trúng đấu giá của biển số đó. Như vậy, giá trị thật của biển số không phụ thuộc vào giá khởi điểm.

Theo dự thảo quy định, Bộ Công an sẽ đưa tất cả biển số chưa đăng ký, chuẩn bị cấp trong quý tới hoặc trong tháng tới tùy từng địa phương ra để người dân lựa chọn, đăng ký tham gia đấu giá. Những thông tin này được đăng công khai trước khi đấu giá 45 ngày. Việc đăng tải kho số đưa ra đấu giá nhằm công khai, minh bạch, mọi người dân có thể lựa chọn biển số để tham gia đấu giá theo sở thích.

Dự thảo cũng cho phép người dân được lựa chọn, tham gia đấu giá biển số ở tất cả các tỉnh, thành phố, không bắt buộc phải là nơi đăng ký thường trú, hộ khẩu.

Theo chương trình kỳ họp 4, Quốc hội khoá XV, sau khi đại biểu thảo luận tổ về nội dung này, chiều 15/11, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn, sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá.

Việc đấu giá biển số xe được Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an đề xuất từ năm 1993, tuy nhiên gặp bế tắc vì Luật Đấu giá tài sản không đưa biển số xe vào danh mục tài sản đấu giá, không có căn cứ pháp lý triển khai. Hải Phòng, Bình Thuận, Nghệ An từng "vượt rào" tổ chức đấu giá biển số xe, thu hàng tỷ đồng để hỗ trợ người nghèo nhưng đã bị Bộ Tài chính, Bộ Công an "tuýt còi".

Tháng 12/2019, Văn phòng Chính phủ từng làm việc với Bộ Công an và thống nhất đẩy nhanh tiến độ, đưa việc đấu giá lên Cổng dịch vụ công quốc gia (dichvucong.gov.vn).

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện