Đại biểu thảo luận tại hội trường với nhiều nội dung quan trọng về phát triển dân sinh, kinh tế, chế độ chính sách

12:37, 06/07/2023
Sáng 6/7, các đại biểu đã tiến hành phiên thảo luận tại hội trường để tiếp tục cho ý kiến vào các báo cáo, dự thảo Nghị quyết trình kỳ họp và các vấn đề được cử tri quan tâm.

Các đồng chí: Thái Thanh Quý - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Nam Đình – Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Nguyễn Như Khôi – Phó Chủ tịch HĐND tỉnh chủ tọa kỳ họp.

Dự kỳ họp có các đồng chí: Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Hoàng Nghĩa Hiếu - Phó Bí thư Tỉnh uỷ; cùng các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các vị đại biểu HĐND tỉnh và các sở, ngành, địa phương liên quan.

Các đồng chí chủ trì kỳ họp.
Các đồng chí chủ trì kỳ họp.

Mở đầu phiên họp, tổ trưởng 4 tổ thảo luận đã báo cáo tổng hợp ý kiến thảo luận, góp ý trong phiên thảo luận tại tổ chiều qua.

Toàn cảnh kỳ họp.
Toàn cảnh kỳ họp.

Trong sáng nay, các đại biểu đã chất vấn, quan tâm nhiều nhóm vấn đề như những tồn tại, vướng mắc đối với dự án hồ chứa nước bản Mồng; Việc giải ngân  vốn chương trình mục tiêu Quốc gia chậm; Việc thu gom, phân loại rác thải còn chưa hiệu quả; Tình trạng lao động thiếu việc làm còn nhiều;  Dự án công viên sinh thái vĩnh hằng chậm đưa vào sử dụng.

Đồng chí Nguyễn Nam Đình - Uỷ viên BTV Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh tổng kết phiên thảo luận tại hội trường.
Đồng chí Nguyễn Nam Đình - Uỷ viên BTV Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh điều hành phiên thảo luận tại hội trường.

Đại biểu Võ Thị Minh Sinh – Tổ đại biểu huyện Nghi Lộc nêu câu hỏi: "Trong nhiều năm gần đây, người dân đang thay đổi quan điểm từ mai táng sang hỏa táng, đây là xu hướng tiếp cận rất văn minh của nhân dân, là tiến bộ rất đáng ghi nhận. Chính vì vậy, từ năm 2008, UBND tỉnh đã có chủ trương kêu gọi đầu tư Dự án Công viên nghĩa trang sinh thái vĩnh hằng để đáp ứng nguyện vọng của đông đảo người dân.

Đại biểu Võ Thị Minh Sinh - Uỷ viên BTV Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBMTTQ tỉnh...
Đại biểu Võ Thị Minh Sinh - Uỷ viên BTV Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBMTTQ tỉnh cho biết cử tri và nhân dân phản ánh qua Mặt trận bao giờ Công viên sinh thái vĩnh hằng được đưa vào sử dụng?

Đại biểu Võ Thị Minh Sinh băn khoăn: “Đến nay, gần 15 năm rồi, người dân vẫn đang mong mỏi và vượt đường xa ra Thanh Hóa, vào Hà Tĩnh để hỏa táng, đây là bức xúc rất lớn của đông đảo người dân, cũng là một câu hỏi cần phải trả lời. Rất nhiều cử tri và nhân dân phản ánh qua Mặt trận bao giờ Công viên sinh thái vĩnh hằng được đưa vào sử dụng”.

Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Trường Giang giải trình ý kiến, kiến nghị của đại biểu.
Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Trường Giang khẳng định tỉnh đang giao các sở, ngành rà soát các thủ tục cần thiết để tiếp tục thực hiện dự án Công viên nghĩa trang sinh thái vĩnh hằng.

Trả lời nội dung này, Giám đốc Sở Xây dựng Nghệ An Nguyễn Trường Giang cho biết, Dự án Công viên nghĩa trang sinh thái vĩnh hằng được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư năm 2017.  Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại dự án chưa giải phóng mặt bằng hoàn toàn theo ranh giới được phê duyệt quy hoạch và người dân xung quanh chưa đồng thuận cao về chủ trương thực hiện. Tỉnh ủy, UBND tỉnh đang chỉ đạo các cơ quan liên quan thực hiện công tác dân vận; cùng với đó, giao các sở, ngành rà soát các thủ tục cần thiết để tiếp tục thực hiện dự án.

Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư Phạm Hồng Quang giải trình ý kiến, kiến nghị của đại biểu.
Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư Phạm Hồng Quang giải trình ý kiến, kiến nghị của đại biểu.

Liên quan các vấn đề được đại biểu quan tâm thảo luận tại tổ chiều qua và tại hội trường sáng nay, lãnh đạo các sở ngành cũng đã báo cáo, giải trình, làm rõ thêm. Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Phạm Hồng Quang làm rõ thêm về các giải pháp phát triển kinh tế xã hội 6 tháng cuối năm; Việc rà soát, xử lý các dự án chậm tiến độ.

Các đại biểu dự kỳ họp
Các đại biểu dự kỳ họp

Giám đốc Sở Tài chính Trịnh Thanh Hải cũng đã làm rõ thêm lý do vì sao thu ngân sách 6 tháng đầu năm chậm so với cùng kỳ năm trước; giải pháp thu ngân sách 6 tháng cuối năm.

Giám đốc Sở Tài chính Trịnh Thanh Hải giải trình ý kiến, kiến nghị của đại biểu
Giám đốc Sở Tài chính Trịnh Thanh Hải giải trình ý kiến, kiến nghị của đại biểu

Trả lời vấn cử tri nêu giải pháp xử lý tồn tại, vướng mắc của Dự án Hồ chứa nước Bản Mồng, đặc biệt là liên quan đến giao đất tái định cư cho người dân, xử lý tái lấn chiếm đất của người dân trồng cây lâu năm trên dự án? Giám đốc Sở NN&PTNT Nghệ An Phùng Thanh Vinh cho biết: Dự án Hồ chứa nước Bản Mồng được Chính phủ cho chủ trương đầu tư từ năm 2006 và đến năm 2009, Bộ NN&PTNT phê duyệt dự án với tổng mức đầu tư 3.741 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến năm 2011, thực hiện Nghị quyết số 11 của Chính phủ và Chỉ thị số 1792, do tình hình kinh tế khó khăn, thực hiện cắt giảm đầu tư công nên dự án bị giãn tiến độ. Đến năm 2017, dự án mới được bố trí vốn thực hiện 4 hợp phần: đập chính, thủy điện, giải phóng mặt bằng, kênh mương. Trong đó, hợp phần giải phóng mặt bằng giao cho tỉnh Nghệ An. Từ 2009 đến nay, tỉnh đã thực hiện giải phóng mặt bằng 672 ha, với kinh phí 574 tỷ đồng. Sau cuộc làm việc tại Nghệ An vào tháng 7/2022, trên cơ sở khảo sát thực tế tại dự án, Thủ tướng Chính phủ đã có thông báo kết luận, sau đó Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu bố trí thực hiện tiếp dự án trong giai đoạn 2021 - 2025, với tổng mức đầu tư bổ sung 1.850 tỷ đồng do trượt giá và một số chính sách.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Thanh Vinh giải trình ý kiến, kiến nghị của đại biểu
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Thanh Vinh cho biết tỉnh sẽ triển khai tổ chức thực hiện các bước tiếp theo của dự án Hồ chứa nước Bản Mồng, dự kiến triển khai giai đoạn 2023 - 2026".

Giám đốc Sở NN&PTNT Nghệ An cho biết: "Tại thời điểm năm 2006 chỉ có thông báo chủ trương đầu tư, trong khi đó, theo quy định mới của pháp luật cần phải có quyết định chủ trương đầu tư nên Bộ NN&PTNT đã tham mưu và Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì để điều chỉnh tổng mức đầu tư. Đến nay, dự án được điều chỉnh tổng mức đầu tư, dự kiến thêm 1.850 tỷ đồng, trong đó, Nghệ An được bố trí thêm 993 tỷ đồng để giải phóng mặt bằng, tỉnh sẽ triển khai tổ chức thực hiện các bước tiếp theo, dự kiến triển khai giai đoạn 2023 - 2026" 

Các đại biểu dự kỳ họp
Các đại biểu dự kỳ họp

Đại biểu Nguyễn Công Văn (Nghi Lộc) nêu câu hỏi: "Hiện nay, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 33, ngày 10/6/2023, Quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố. Theo đó, HĐND tỉnh có Nghị quyết số 23 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 22/2019/NQ- HĐND ngày 12/12/2019 của HĐND tỉnh Nghệ An về số lượng, chức danh, mức phụ cấp, chế độ chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách và các đối tượng khác ở xã, phường, thị trấn và xóm, khối, bản trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Tuy nhiên, hiện nay có những bất cập về chế độ, chính sách cho các chi đoàn, chi hội".

Đại biểu Nguyễn Công Văn (Nghi Lộc)
Đại biểu Nguyễn Công Văn (Nghi Lộc) cho rằng các chế độ, chính sách cho các chi đoàn, chi hội còn nhiều bất cập.

Đại biểu Nguyễn Công Văn kiến nghị: "Đề nghị các cơ quan chức năng tham mưu cho HĐND tỉnh sớm ban hành Nghị quyết mới để sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 23 của HĐND tỉnh về chế độ phụ cấp. Trong đó, nên bỏ từ “bồi dưỡng” cho các chi đoàn, chi hội".

Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Viết Hưng giải trình ý kiến, kiến nghị của đại biểu.
Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Viết Hưng  cho biết Sở đã xây dựng lộ trình để văn bản được ban hành đảm bảo chất lượng, tính khả thi cao trình cấp có thẩm quyền, sớm cụ thể hóa đưa Nghị định 33 vào cuộc sống ở Nghệ An.

Về vấn đề này, Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Viết Hưng báo cáo làm rõ việc thực hiện Nghị định 33 của Chính phủ quy định về chức vụ, chức danh, số lượng, tiêu chuẩn, nhiệm vụ, chế độ, chính sách; bầu cử, tuyển dụng, sử dụng và quản lý đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố. Về việc thực hiện tuyển dụng giáo viên nhất là giáo viên mầm non hợp đồng lao động theo Nghị định số 06 năm 2018 triển khai thực hiện còn chậm.

Các đại biểu dự kỳ họp
Các đại biểu dự kỳ họp

"Việc triển khai thực hiện Nghị định 33 liên quan đến số lượng cũng như chế độ, chính sách của đội ngũ cán bộ, công chức không chuyên trách cấp xã, khối, xóm, bản. Đây là văn bản quan trọng liên quan đến số lượng người làm việc và chế độ, chính sách của cán bộ. Do đó, Sở đã xây dựng lộ trình để văn bản được ban hành đảm bảo chất lượng, tính khả thi cao trình cấp có thẩm quyền, sớm cụ thể hóa đưa Nghị định 33 vào cuộc sống ở Nghệ An" - Giám đốc Sở Nội vụ khẳng định.

Đại biểu Hà Xuân Quang (Diễn Châu)
Đại biểu Hà Xuân Quang (Diễn Châu) đề nghị tỉnh cần nghiên cứu thu hút nhà máy xử lý rác thải theo phân loại và đầu tư xe chuyên dụng vận chuyển?

Xung quanh vấn đề cử tri quan tâm về rác thải, đại biểu Hà Xuân Quang (huyện Diễn Châu) nêu: thực trạng hiện nay, việc triển khai phân loại rác thải tại nguồn được địa phương triển khai, tuy nhiên, quá trình thu gom chưa có xe chuyên dụng vận chuyển theo 3 loại rác được người dân phân loại và việc xử lý chưa theo phân loại, nên chưa hiệu quả., đề nghị tỉnh cần nghiên cứu thu hút nhà máy xử lý rác thải theo phân loại và đầu tư xe chuyên dụng vận chuyển?

Đại biểu Phan Thị Minh Lý (Yên Thành)
Đại biểu Phan Thị Minh Lý (Yên Thành) đề nghị UBND tỉnh nghiên cứu sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành quyết định mới thay thế phù hợp thực tế.

Nội dung này cũng được đại biểu Phan Thị Minh Lý (huyện Yên Thành) phản ánh quy định giá phí tối đa dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý rác thác theo Quyết định số 19 của UBND tỉnh ban hành năm 2019 không còn phù hợp với thực tế, gây khó khăn cho các địa phương, vì vậy đề nghị UBND tỉnh nghiên cứu sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành quyết định mới thay thế phù hợp thực tế.

Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường giải trình ý kiến, kiến nghị của đại biểu.
Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường giải trình ý kiến, kiến nghị của đại biểu.

Về nội dung này, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hoàng Quốc Việt làm rõ, cụ thể, liên quan đến Khu xử lý chất thải rắn Nghi Yên, ông Hoàng Quốc Việt thông tin, dự án tổng diện tích 46 ha, với 8 ô chôn lấp, đi vào hoạt động vào tháng 12/2012. Sau hơn 10 năm đi vào hoạt động, đã có 3 ô lấp đầy; dự kiến đến năm 2027, nghĩa là khoảng 4 năm nữa, khu chôn lấp chất thải rắn Nghi Yên sẽ hết chỗ để xử lý. Sở Tài nguyên và Môi trường cũng đã tham mưu, chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị cấp huyện thực hiện vận chuyển, xử lý rác thải tại Khu xử lý chất thải rắn Nghi Yên chủ động xây dựng kế hoạch, phương án xử lý rác thải tại địa phương.

Các đại biểu dự kỳ họp
Các đại biểu dự kỳ họp

Vấn đề xử lý ô nhiễm môi trường xảy ra tại khu xử lý, hiện đã hoàn thành, đưa vào vận hành chính thức Trạm xử lý nước rỉ rác công suất 200m3/ngày đêm, đảm bảo xử lý nước thải đạt quy chuẩn trước khi xả thải; đồng thời, tiếp tục tăng cường phun hóa chất khử mùi, vệ sinh xe chở rác khi ra vào khu chôn lấp, dọn dẹp vệ sinh tuyến đường ra vào. Hiện UBND tỉnh đã giao Ban Quản lý Khu Kinh tế Đông Nam phối hợp với các sở, ngành liên quan thu hút đầu tư các dự án xử lý rác thải sinh hoạt theo công nghệ hiện đại, đáp ứng cao về công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh.

Các đại biểu dự kỳ họp
Các đại biểu dự kỳ họp

Về phân loại rác tại nguồn, theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020 thì chậm nhất đến ngày 31/12/2024 phải triển khai việc phân loại chất thải tại nguồn. Hiện tại đang chờ Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành hướng dẫn kỹ thuật về phân loại chất thải rắn sinh hoạt để có cơ sở xây dựng phương án phân loại, thu gom, xử lý chất thải cho các địa phương trên địa bàn tỉnh.

Giám đốc Sở Lao động – Thương binh  và Xã hội Đoàn Hồng Vũ giải trình ý kiến, kiến nghị của đại biểu.

Tại phiên thảo luận sáng nay, Giám đốc Sở Lao động – Thương binh  và Xã hội Đoàn Hồng Vũ cũng đã cho biết các giải pháp giải quyết việc làm cho lao động bị mất việc làm từ các địa phương khác trở về quê, 

Các đại biểu dự kỳ họp
Các đại biểu dự kỳ họp

Sau kỳ họp này, Thường trực HĐND tỉnh sẽ tổng hợp, chuyển ý kiến, kiến nghị của các cử tri đến UBND tỉnh, các sở, ngành, địa phương để xem xét, giải quyết theo thẩm quyền và thông báo để cử tri được biết. 

Đồng chí Nguyễn Nam Đình - Uỷ viên BTV Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh tổng kết phiên thảo luận tại hội trường.
Đồng chí Nguyễn Nam Đình - Uỷ viên BTV Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh tổng kết phiên thảo luận tại hội trường.

Chiều nay, kỳ họp sẽ tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Trong đó nội dung một “Việc triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi gắn với sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm OCOP trong điều kiện thích ứng với ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và biến động của thị trường. Thực trạng, nguyên nhân và giải pháp trong thời gian tới”. Đơn vị trả lời chất vấn: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Đơn vị phối hợp trả lời: Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Công thương.

Các đại biểu dự kỳ họp
Các đại biểu dự kỳ họp

Nội dung thứ hai: “Công tác phòng, chống bạo lực học đường; giáo dục kỹ năng sống cho học sinh; phòng chống đuối nước trẻ em; công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt...Thực trạng, nguyên nhân, trách nhiệm và giải pháp trong thời gian tới”. Đơn vị trả lời chất vấn: Sở Giáo dục và Đào tạo. Đơn vị phối hợp trả lời chất vấn: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

Để phục vụ cử tri và nhân dân theo dõi, phản ánh kịp thời tâm tư, nguyện vọng và kiến nghị tới Kỳ họp, Thường trực HĐND tỉnh tổ chức tiếp nhận ý kiến, kiến nghị của cử tri qua hệ thống đường dây điện thoại trực tuyến tại kỳ họp: 02383.598828, 02383.598800, 02383.598747.

 

Nhóm PV

Sự kiện liên quan

    Xem thêm sự kiện