Toạ đàm “Tiềm năng, lợi thế và định hướng chiến lược phát triển KTXH miền Tây Nghệ An”

16:30, 18/11/2023

Sáng 18/11, tại thủ đô Hà Nội, tỉnh Nghệ An cùng với Bộ NN&PTNT tổ chức tọa đàm “Tiềm năng, lợi thế và định hướng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội miền Tây Nghệ An”. 

Các đồng chí lãnh đạo Bộ NN&PTNT, tỉnh Nghệ An và các đại biểu dự Tọa đàm. 

Đây là diễn đàn hết sức có ý nghĩa nhằm cụ thể hóa một trong những nhiêm vụ quan trọng trong thực hiện Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. 

Các đồng chí Uỷ viên TW Đảng: Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT; Thái Thanh Quý, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Nghệ An đồng chủ trì buổi toạ đàm. Tham dự còn có đồng chí Nguyễn Đức Trung, PBT Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí trong BTV Tỉnh uỷ; lãnh đạo các huyện, thành, thị; thành viên Tổ tư vấn KTXH của tỉnh; đại diện các doanh nghiệp, tổ chức quốc tế.

 Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Thái Thanh Quý phát biểu khai mạc tọa đàm. 

Với một vùng đất đai rộng lớn trên 13 ngàn km2, chiếm trên 83% diện tích và 36% dân số toàn tỉnh, có hơn 468km đường biên giới, miền Tây Nghệ An có vị trí đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại của tỉnh, khu vực Bắc Trung Bộ và cả nước. Tuy vậy, cho đến nay miền Tây Nghệ An vẫn là địa bàn khó khăn, thách thức còn nhiều hơn thuận lợi. Phát biểu khai mạc toạ đàm, Bí thư Tỉnh uỷ Thái Thanh Quý nhấn mạnh: làm sao để phát triển miền Tây Nghệ An vững mạnh toàn diện, làm sao để đồng bào các dân tộc ở miền Tây thoát đói, giảm nghèo, có cuộc sống ngày càng tốt hơn luôn là trăn trở lớn của Đảng bộ, chính quyền tỉnh Nghệ An suốt nhiều năm qua. Đây cũng là nhiệm vụ chính trị lâu dài, có tính chiến lược trong quá trình phát triển của tỉnh, khu vực và cả nước.

Bí thư Tỉnh uỷ Thái Thanh Quý nhấn mạnh: “Diễn đàn Tọa đàm hôm nay là cơ hội rất quan trọng để bàn luận, trao đổi, đánh giá, phân tích sâu kỹ, cụ thể những vấn đề trọng tâm, cốt lõi giúp Miền Tây Nghệ An phát triển bền vững theo định hướng. Ban Tổ chức tọa đàm rất mong nhận được nhiều ý kiến tâm huyết, thẳng thắn của các vị đại biểu, các nhà khoa học, các nhà quản lý, doanh nhân, doanh nghiệp, để qua đó giúp tỉnh Nghệ An nhận diện rõ hơn những tiềm năng, lợi thế, cơ hội, những khó khăn, thách thức, những nút thắt cần tháo gỡ; xác lập cách tiếp cận phát triển mới, tầm nhìn, chiến lược mới và các giải pháp đột phá phát triển miền Tây trong thời gian tới. Cùng với đó, thực hiện Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị, tỉnh Nghệ An đang tập trung phối hợp với các bộ, ngành Trung ương nghiên cứu, tham mưu Chính phủ trình Quốc hội xem xét ban hành cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An, trong đó có cơ chế, chính sách đặc thù phát triển miền Tây, chúng tôi rất mong có sự “hiến kế”, gợi ý, góp ý quan trọng từ các vị đại biểu”.

 Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan phát biểu chào mừng.

Có thể nói, miền Tây xứ Nghệ như một kho báu đang mong chờ những chủ nhân có tâm huyết, có thế mạnh, kinh nghiệm trong các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, lâm nghiệp, dược liệu, chế biến, du lịch, thương mại biên mậu…đến đánh thức, làm giàu và biến các nguồn lực ở dạng tiềm năng trở thành của cải, vật chất. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cũng khẳng định: không có gì không thể thay đổi. Quan trọng nhất là có tư duy tích cực, cách nhìn mới về miền Tây Nghệ An. Đó là đặt cơ hội phát triển miền Tây trong tổng thể chung, cách nhìn bao quát hơn chứ không chỉ trong không gian phát triển của từng huyện, từng xã riêng lẻ.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cũng đã chia sẻ những suy nghĩ và một số định hướng phát triển đối với tỉnh Nghệ An, đặc biệt là các huyện miền Tây Nghệ An. "Hình ảnh các bà con các dân tộc Khơ Mú, người Thái, người Mông... cũng đến khuôn viên của Bộ NN-PTNT để cho chúng tôi thấy rằng, chúng tôi rất hạnh phúc được gần với bà con xứ Nghệ hơn, được gần với bà con phía Tây hơn. Chúng ta cho nhau hạnh phúc rồi chúng ta sẽ thấy rằng mọi người chúng ta cùng hạnh phúc và chúng ta sẽ vun đắp hạnh phúc đó cho người miền Tây xứ Nghệ".

Chúng tôi nhìn thấy một sức sống của các huyện phía Tây của Nghệ An thông qua các gian hàng, các điệu múa, các chương trình văn nghệ của bà con dân tộc hội tụ tại Bộ NN&PTNT hôm nay. Nó đong đầy giá trị tinh thần, những giá trị vô hình đó có thể kích hoạt những phần hữu hình của các huyện phía Tây.

"Cũng giống như môi trường rừng của các huyện phía Tây không hề phân chia bản đồ hành chính, chỉ do con người chúng ta lấy cái bản đồ phân chia địa giới hành chính ở huyện này, huyện kia.  Bây giờ chúng ta phải làm cho nó liền lại để thấy rằng tài nguyên đó lớn hơn và giá trị ẩn sâu trong lòng đất, trong tầng văn hóa, lịch sử của địa phương và cấu trúc của cộng đồng bà con dân tộc của các huyện phía Tây như thế nào". Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh. "Có lẽ không phải cá nhân tôi mà Bộ NN-PTNT và tất cả chúng ta đều cùng đang nghĩ về miền Tây xứ Nghệ, miền biên ải, miền biên cương của chúng ta từ ngàn đời đã định cư ở phía Tây, phía trên đỉnh Trường Sơn".

 Tọa đàm có sự tham dự, trao đổi của 5 diễn giả. 

Trao đổi tại toạ đàm, Bộ trưởng Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh uỷ Thái Thanh Quý, doanh nhân Thái Hương, chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên và đại diện chương trình phát triển Liên hợp quốc(UNDP) đã tập trung làm rõ tiềm năng lợi thế, thách thức cản trở, định hướng phát triển cũng như kinh nghiệm và cơ chế chính sách cần để thu hút đầu tư; giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy miền Tây Nghệ An trong thời gian tới. Theo đó, cần rà soát, đánh giá lại tiềm lực đất đai; xác định lại vai trò người dân để phát huy cao nhất các tiềm năng lợi thế, nhất là lợi thế về kinh tế rừng, kinh tế dưới tán rừng, kinh tế cửa khẩu, tài nguyên lịch sử, văn hoá. Đồng thời, tăng khả năng chống chịu trong phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu và kết nối hữu cơ với các vùng khác trong tỉnh. Gắn phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường sinh thái; bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc. Song song với đó, giải quyết tốt các vấn đề xã hội, giảm nghèo bền vững, bảo đảm quốc phòng, an ninh và xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh. 

 Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung phát biểu đáp lời và tiếp thu trước khi kết thúc tọa đàm.

Thay mặt lãnh đạo tỉnh, phát biểu đáp lời và tiếp thu, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung khẳng định, tỉnh lĩnh hội tiếp thu một cách đầy đủ, nghiêm túc tất cả ý kiến để từ đó đề ra được những giải pháp, chính sách cụ thể, đặc thù, thậm chí có những chính sách đột phá, nhất là trong điều kiện Nghệ An đang có sự quan tâm rất lớn của Trung ương với việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 39-NQ/TW về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn 2045 và Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đây là hai cơ sở rất quan trọng để phát triển tỉnh Nghệ An, trong đó khu vực miền Tây phát triển nhanh, bền vững, phát huy tối đa lợi thế về kinh tế rừng, dưới tán rừng, cửa khẩu; các giá trị lịch sử, văn hóa; ứng phó hiệu quả với phòng chống thiên tai và biến đổi khí hậu.
Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An bày tỏ trân trọng cảm ơn Bộ NN&PTNT, Bộ trưởng Lê Minh Hoan và lãnh đạo các ban, bộ, ngành cơ quan Trung ương, các chuyên gia, các nhà khoa học, các doanh nghiệp, nhà khoa học luôn quan tâm, dành tình cảm; đồng thời mong muốn tọa đàm sẽ là bước khởi đầu tạo được động lực và từ đó biến thành thành nguồn lực để thực hiện được mục tiêu phát triển tỉnh Nghệ An nói chung, miền Tây Nghệ An nói riêng. 

Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 19 đã xác định miền Tây là một trong ba vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh. Và Nghệ An chưa thể giàu mạnh, an sinh xã hội chưa thể vững chắc, nếu tiềm năng miền Tây chưa được khai thác có hiệu quả. Qua buổi toạ đàm, bài học kinh nghiệm cho thấy, để miền Tây phát triển đột phá, bền vững, ngoài yếu tố nội lực, sự chủ động, nỗ lực của tỉnh, của các địa phương, rất cần sự hỗ trợ quan trọng của trung ương và tham gia đồng hành tích cực của doanh nhân, doanh nghiệp. Bởi vai trò của Trung ương, bộ ngành là để giúp tạo ra hành lang pháp lý, cơ chế đặc thù, định hướng về chiến lược cho phát triển tổng thể của vùng, liên vùng. Và doanh nghiệp sẽ giúp kết nối thị trường, đặt hàng sản xuất, bao tiêu sản phẩm, định hướng sản xuất, thay đổi phương thức canh tác, thay đổi tư duy, cách làm ăn của người dân.

Tại buổi toạ đàm, lãnh đạo tỉnh Nghệ An bên cạnh kêu gọi cũng cam kết sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất có thể để doanh nghiệp đến nghiên cứu, đầu tư, làm ăn, phát triển tại miền Tây xứ Nghệ.
 

Sự kiện liên quan

    Xem thêm sự kiện