Y tế

Bệnh nhân Covid-19 nặng chật kín giường bệnh, phần lớn chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ liều

10:44, 24/02/2022
Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương hiện có khoảng 600 bệnh nhân mắc Covid-19, trong đó Khoa Hồi sức tích cực có 43 ca bệnh nặng, hiện đã chật kín giường bệnh.

Số ca mắc mới ở Hà Nội và cả nước liên tiếp tăng cao. Trong 1 tuần qua, trung bình số ca F0 mới trong nước là 47.264 ca/ngày. Theo các chuyên gia, đây vẫn là mức cao kỷ lục so với quãng thời gian trước đây với nhiều đợt dịch Covid-19 bùng phát tại Việt Nam.

Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, thời điểm này số lượng bệnh nhân mắc Covid-19 điều trị tại bệnh viện gia tăng, với gần 600 ca mắc. Cao điểm gần đây bệnh viện tiếp nhận 167 ca mắc/ngày.

Khu vực điều trị bệnh nhân COVID-19 tại Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.
Khu vực điều trị bệnh nhân COVID-19 tại Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.

Trao đổi với phóng viên VOV.VN, ThS.BS Phạm Văn Phúc, Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, hiện Khoa Hồi sức tích cực có 43 bệnh nhân, trong đó có 36 bệnh nhân thở máy, 1 bệnh nhân thở HFNC, 8 bệnh nhân đặt ECMO. Thời điểm này, Khoa đã chật kín giường bệnh.

BS Phúc cho biết, đặc điểm của các bệnh nhân ở khoa là người cao tuổi, phụ nữ có thai và sau sinh. Các đối tượng này hầu hết đều chưa tiêm vaccine hoặc chưa tiêm đủ liều.

“Khi số F0 tăng quá cao, lượng bệnh nhân nặng cũng sẽ tăng, đặc biệt là những người cao tuổi, nhiều bệnh lý nền”- BS Phúc cho hay.

BS Phạm Văn Phúc cũng cảnh báo, phụ nữ có thai trên 24 tuần không tiêm vaccine khi mắc Covid-19 đều có nguy cơ tiến triển nặng. Vì vậy, bác sĩ khuyến cáo tất cả những phụ nữ có thai trong đủ điều kiện tiêm vaccine Covid-19 cần tiêm chủng theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

“Vaccine Covid-19 đã được chứng minh là an toàn cho phụ nữ có thai và phụ nữ cho con bú. Vì vậy, những phụ nữ có thai trong đủ điều kiện tiêm vaccine Covid-19 thì hãy đi tiêm. Trong trường hợp phụ nữ mang thai mắc Covid-19 nặng, mặc dù các bác sĩ đã cân nhắc kỹ để dùng thuốc và không ảnh hưởng đến thai kỳ nhưng tất cả thuốc điều trị bệnh đều có ảnh hưởng và việc ảnh hưởng này còn gây nguy hiểm hơn nhiều”- BS Phúc nêu rõ.

Khả năng biến chủng Omicron đã lây lan ra cộng đồng

Trước tình hình số ca mắc liên tiếp tăng cao trên cả nước, BS Phúc nhận định biến chủng Omicron nhiều khả năng đã có, thậm chí lây lan rộng, trong cộng đồng ở nước ta. Tuy nhiên, số lượng bệnh nhân đông sẽ kéo theo bệnh nhân nặng gia tăng, khi đó sẽ gây ra áp lực lớn cho nhân viên y tế.

Theo dõi tình hình dịch trong thời gian qua, vị bác sĩ này chia sẻ có 3 điểm đáng lưu ý là các đặc điểm tiêu biểu của biến chủng Omicron đang xuất hiện nhiều trên thế giới. Đó là tốc độ lây lan SARS-CoV-2 trong cộng đồng thời gian qua rất cao; tỷ lệ người tái nhiễm SARS-CoV-2 trong cộng đồng khá nhiều và số trẻ em mắc COVID-19 ngày càng tăng. “Theo các nghiên cứu trên thế giới, biến chủng Omicron dường như lây lan ở trẻ em nhiều hơn so với các chủng ban đầu”- BS Phúc cho biết.

Các chuyên gia y tế khuyến cáo trong thời gian này, các địa phương cần nhanh chóng rà soát, tiêm đủ liều vaccine cho người từ 18 tuổi trở lên và tiêm mũi 3 nhiều nhất có thể.

Bộ Y tế cũng khuyến cáo người dân nâng cao cảnh giác, chủ động phòng chống dịch, tự theo dõi sức khỏe và thực hiện nghiêm 5K, đeo khẩu trang khi ra nơi công cộng, tiếp xúc với người xung quanh; không tụ tập, không đến nơi đông người khi không cần thiết; tham gia tiêm vaccine phòng COVID-19 đầy đủ, không vì đã tiêm vaccine mà lơ là, chủ quan trong phòng, chống dịch. Khi có dấu hiệu bất thường về sức khỏe (ho, sốt, khó thở, đau rát họng, mất vị giác...) thì báo ngay cơ quan y tế để được hỗ trợ, tư vấn, theo dõi và xử trí kịp thời./.

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện