Y tế

Những F0 nào cần đi khám hậu COVID-19?

16:48, 20/02/2022
PGS.TS Hoàng Thị Phượng, chuyên gia hô hấp của Bệnh viện Đa khoa Medlatec cho biết khi vắc xin đã được phủ rộng rãi, những triệu chứng nặng đã được kiểm soát, đồng nghĩa tỷ lệ rất cao người bệnh phục hồi hoàn toàn. Nhiều số liệu trên thế giới chỉ ra rằng chỉ có khoảng 10-20% số trường hợp mắc COVID-19 là có biểu hiện các dấu hiệu của hội chứng hậu COVID-19.
Ảnh minh hoạ - Nguồn: internet
Ảnh minh hoạ - Nguồn: internet

Bệnh nhân có nhiều triệu chứng nhưng phổ biến vẫn là mệt mỏi, tức ngực, khó thở, ho, có người có dấu hiệu tâm lý, stress, có trường hợp dấu hiệu mất mùi, mất khứu giác vẫn còn. Nhìn chung, triệu chứng hậu COVID-19 chủ yếu vẫn là các triệu chứng về hô hấp. Các triệu chứng này có thể xuất hiện trong vòng 3 tháng kể từ khi mắc bệnh và nó sẽ kéo dài trên 12 tuần và có thể kéo dài hơn.

Tuy nhiên bác sĩ Phượng khuyến cáo không phải tất cả những người mắc đều phải đi khám hậu COVID-19. “Điều này rất lãng phí. Chỉ những người nào có triệu chứng thì mới đi khám", PGS Phượng nói.

Bà cho biết thêm, đối tượng dễ gặp các di chứng hậu COVID-19 là người có các bệnh lý nền, bệnh nhân phải nhập viện nằm ICU dài ngày. “Ở trẻ em thì vấn đề hậu COVID-19 không đáng quan ngại”, TS Phượng thông tin thêm.

Người có sẵn bệnh nền như bệnh tim mạch, tiểu đường, đặc biệt là hô hấp, viêm phổi tắc nghẽn mạn tính COPD, viêm phế quản mạn… nếu mắc COVID-19 có thể khiến tổn thương vốn có của họ trở nên nặng hơn.

Chuyên gia hô hấp khuyến cáo: “Trong nhóm bệnh nhân nằm viện thì khi ra viện, bệnh nhân sẽ được bác sĩ hướng dẫn lịch tái khám định kỳ 4 tuần, 8 tuần. Nhóm bệnh nhân nhẹ không cần nhập viện thì chỉ đi khám hoặc tái khám trong trường hợp có biểu hiện các triệu chứng”.

Bác sĩ Đinh Thế Tiến, khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cho biết những F0 sau khi khỏi bệnh cần lưu ý vấn đề khám hậu COVID-19 gồm:

- Người có bệnh nền (như tăng huyết áp, mạch vành, đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa...).

- Người từ 60 tuổi trở lên bởi họ có nguy cơ có nhiều bệnh đồng mắc chưa khởi phát nhưng sau khi mắc COVID-19 có thể thúc đẩy tình trạng nặng hơn.

- Người phải nhập viện khi mắc COVID-19 (bị suy hô hấp, phải can thiệp thở ô xy, sốt cao phải nhập viện…).

Người bệnh sẽ được khám, tầm soát và điều trị toàn diện các di chứng của bệnh đồng thời đánh giá nhu cầu can thiệp về dinh dưỡng, vật lý trị liệu - phục hồi chức năng, nhất là những người từng nhiễm bệnh ở mức độ nặng, nguy kịch hoặc suy giảm sức khoẻ sau khi khỏi bệnh.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đa số người bệnh hồi phục hoàn toàn sau khi mắc COVID-19, nhưng có khoảng từ 10 đến 20% bị ảnh hưởng lâu dài biểu hiện ở mức độ khác nhau từ nhẹ đến nặng, được gọi là tình trạng hậu COVID-19. Thường sau khoảng 4 tuần bị lây nhiễm, người bệnh sẽ có các triệu chứng hậu COVID-19. Tình trạng này cũng có thể xuất hiện ở cả những người không triệu chứng trong nhiều ngày hoặc nhiều tuần sau khi bị lây nhiễm.

Có khoảng 200 triệu chứng liên quan đến hội chứng hậu COVID-19, đặc biệt ở những bệnh nhân từng phải điều trị hồi sức tích cực. Sau nhiều tuần đến nhiều tháng sau khi khỏi bệnh, người bệnh vẫn còn đối mặt với hàng loạt triệu chứng và di chứng kéo dài như sốt nhẹ, khó thở, ho kéo dài, mệt mỏi, đau cơ, khớp, rụng tóc, xơ phổi, tim đập nhanh hoặc đánh trống ngực…

Người bệnh cũng có thể gặp các triệu chứng về tâm thần kinh như rối loạn tâm lý, giảm sự tập trung, lo âu, trầm cảm, bồn chồn, rối loạn giấc ngủ, mau quên, không tập trung.

WHO định nghĩa hậu COVID -19 là tình trạng bệnh lý xuất hiện ở những người trong tiền sử nhiễm SARS-COV-2, thường xuất hiện trong vòng 3 tháng sau khi khởi phát với triệu chứng có tác động đến cơ thể và kéo dài ít nhất 2 tháng.

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện