Khoa học công nghệ

Đêm nay, Việt Nam đón cực đại "mưa sao băng kho báu"

11:31, 21/10/2023
 Sau nửa năm kể từ ngày ném một kho báu vũ trụ 4,6 tỉ năm tuổi xuống một ngôi nhà ở New Jersey - Mỹ, sao chổi Halley tiếp tục tuôn mưa sao băng xuống Trái Đất

Theo Time and Date, kết quả định vị tại TP HCM cho thấy đêm cực đỉnh của mưa sao băng Orionids đang tỏa sáng trên bầu trời sẽ rơi vào tối 21, rạng sáng 22-10 theo giờ Việt Nam.

Đây là cơn mưa sao băng thứ hai có nguồn gốc từ sao chổi nổi tiếng Halley trong năm, sau mưa sao băng Eta Aquarids hồi tháng 5. 

Mưa sao băng Orionids - Ảnh: SPACE.COM

Với chu kỳ 76 năm, phải đến năm 2015 Halley mới bay qua gần Trái Đất lần nữa, tuy nhiên mỗi năm hành tinh của chúng ta tự đi qua chiếc đuôi đá bụi của nó 2 lần, gây ra 2 trận mưa sao băng.

Tuy tất cả sao băng là thiên thạch từ đuôi của Halley bị đốt cháy, bừng sáng trong bầu khí quyển Trái Đất, nhưng mưa sao băng sẽ được đặt tên theo tên các chòm sao nơi chúng phát sinh.

Với Orionids, nó sẽ như tỏa ra từ chòm sao Lạp Hộ (Orion), tức chòm sao mang hình người thợ săn.

Hãy để đôi mắt làm quen với bóng tối khoảng 15-20 phút, chọn một khu vực không gian thoáng đãng - và cầu mong thời tiết tốt - bạn sẽ thấy mưa sao băng phát ra từ cánh tay người thợ săn Lạp Hộ, vị trí gần chòm sao Song Tử (Gemini, hình hai người anh em song sinh). 

Bản đồ các chòm sao với điểm mà mưa sao băng Orionids phát ra được đánh dấu - Ảnh: EARTHSKY

Theo các tính toán, mưa sao băng Orionids năm nay sẽ khá nhỏ, với khoảng 20 ngôi sao băng rơi mỗi giờ trong đêm cực đỉnh.

Gọi là "mưa sao băng kho báu" bởi chính phiên bản "song sinh" của cơn mưa sao băng Orionids này - Eta Aquarids - đã giúp một gia đình ở New Jersey - Mỹ "trúng số" lớn vào tháng 5 năm nay.

Halley từ lâu được xác định là một trong những vật thể nguyên sơ nhất hệ Mặt Trời. Tuổi đời của nó có thể khoảng 4,6 tỉ năm, hoặc nằm đâu đó trong khoảng 4-5 tỉ năm tuổi, vì khó xác định chính xác nó có trước hay sau ngôi sao mẹ của chúng ta.

Vì vậy, nghiên cứu về vật chất của Halley cũng như các tiểu hành tinh, sao chổi cùng tuổi với nó có thể giúp khám phá thành phần sơ khai của hệ sao, các yếu tố tiền thân giúp tạo ra các hành tinh bao gồm Trái Đất, và cả sự sống bên trên đó.

Để có được khoảng 250g vật liệu như vậy, NASA vừa phải chi 1 tỉ USD cho sứ mệnh ORISIR-REx nhằm đem đá bụi của một tiểu hành tinh "cùng thời" với Halley về Trái Đất.

Thiên thạch Eta Aquarids hồi tháng 5 vẫn đang được phân tích, nhưng nếu nó không bị ô nhiễm và được xác định là thuộc về sao chổi Halley, nó sẽ trở thành một kho báu vô song.

Và nếu cực kỳ may mắn, một ai đó có cơ hội nhặt được báu vật tương tự từ Orionids.

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện