Kinh tế

Tân Kỳ: Nhiều nguồn thực phẩm sạch phục vụ Tết

17:16, 01/01/2020
Nắm bắt được nhu cầu tiêu thụ nguồn thực phẩm tăng cao vào dịp trước, trong và sau Tết nguyên đán Canh Tý 2020 nên thời gian qua, bà con nông dân huyện Tân Kỳ đã chuẩn bị các mặt hàng thực phẩm để chủ động xuất bán. Đến nay, các nguồn thực phẩm sạch đã sẵn sàng xuất bán ra thị trường. 

Năm nay, do dịch tả lợn châu phi diễn biến phức tạp nên bà con nông dân huyện Tân Kỳ tập trung phát triển nguồn thực phẩm từ ngành chăn nuôi đại gia súc trâu, bò và đàn gia cầm. Ngoài chăn nuôi theo phương pháp truyền thống, các giống trâu bò địa phương thì bà con đã chú trọng đưa vào nuôi các loại vật nuôi mới như Bò 3B, bò úc, chăn nuôi trâu vỗ béo.

Trang trại chăn nuôi trâu nhốt vỗ béo của gia đình chị Đào Thị Thu Hương xóm Xuân Sơn
Trang trại chăn nuôi trâu nhốt vỗ béo của gia đình chị Đào Thị Thu Hương xóm Xuân Sơn.

Những năm qua, gia đình chị  Đào Thị Thu Hương ở xóm Xuân Sơn xã Nghĩa Hoàn đã đầu tư xây dựng chuồng trại quy cũ trên cánh đồng rộng 5 ha để phát triển chăn nuôi bò sữa, bò thịt Thái Lan. Trung bình mỗi năm từ chăn nuôi đem lại thu nhập cho gia đình trên 200 triệu đồng. Vừa qua, nắm bắt nhu cầu thị trường thuận lợi và tìm hiểu thực tế tại 1 số hộ chăn nuôi, gia đình Chị đã chuyển sang chăn nuôi trâu vỗ béo. Nhờ tận dụng được diện tích rộng lớn để trồng ngô, trồng cỏ nên gia đình chăn nuôi 12 con trâu và chăn nuôi thêm gia cầm. Sau thời gian chăn nuôi gần 3 tháng, đến nay bình quân mỗi con trâu tăng trọng lượng trên 100 kg, đảm bảo để xuất bán vào dịp tết nguyên đán này. 

Nuôi trong thời gian gần 3 tháng thì mỗi con trâu có trọng lượng trên 100kg.

“ Nuôi trâu tạp ăn, nhanh lớn, diện tích trồng cỏ thì mình lấy phân đó bón cho cỏ nhanh tốt và kéo cỏ vào cho trâu ăn, tắm rửa dễ sạch sẻ, ăn tợn" - chị Hương chia sẻ.

Còn anh Cao Văn Cường ở xóm Đồng Tâm xã Nghĩa Hoàn năm nay mới 35 tuổi nhưng anh đã là ông chủ trẻ của trang trại chăn nuôi gà đẻ trứng có quy mô 5.000 con, lớn nhất huyện Tân Kỳ. Không ngại khó, ngại khổ, anh Cường đã mạnh dạn thầu 3.500 m2 đất tại cánh đồng xóm Đồng Tâm xã Nghĩa Hoàn để xây dựng trại nuôi gà đẻ trứng. Vừa học vừa làm, nên những ngày đầu bị thất thu do đàn gà bị bệnh chết, anh Cường vẫn không nản chí. Anh đã tìm tòi, học hỏi, nhờ cán bộ thú y tư vấn kỹ thuật chăn nuôi, cách phòng chống dịch bệnh nên đến nay anh đã thành công. Dịp này, trung bình mỗi ngày gia đình xuất bán ra thị trường 3.000 quả trứng. Với giá bán mỗi quả 3.000 đồng thì đem lại nguồn thu 9 triệu đồng mỗi ngày. Trong chăn nuôi, anh Cường rất chú trọng đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về đảm bảo vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm và chất lượng sản phẩm. 

Trang trại chăn nuôi gà đẻ trứng của Anh Cao Văn Cường ở xóm Đồng Tâm xã Nghĩa Hoàn mỗi ngày thu từ 2.500 đến 3.000 quả trứng

" Trong chăn nuôi chúng tôi đặt môi trường lên hàng đầu, tức là môi trường sống con gà luôn luôn sạch, muốn sạch thì mình phải sử dụng đệm lót sinh học để môi trường nó sạch thì con gà khỏe, hạn chế được mầm bệnh trong con gà, thứ hai nữa mình không dùng các chất kích thích hay là hooc môn tăng trưởng"- anh Cường cho biết thêm.

Lãnh đạo sở nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh cùng đoàn tham quan trang trại chăn nuôi gà của gia đì anh Cường.

Với việc tuân thủ nghiêm ngặt trong chăn nuôi nên sản phẩm trứng gà của gia đình anh Cường là 1 trong 2 sản phẩm duy nhất của huyện Tân Kỳ được đánh giá phân hạng đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao cấp huyện và cấp tỉnh năm 2019. 

Đây chỉ là hai trong số 98 trang trại trên địa bàn huyện Tân Kỳ đã được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn trang trại, trong đó có 12 trang trại nuôi gà mỗi lứa từ 1.000 đến 5.000 con, 3 trang trại chăn nuôi lợn mỗi lứa từ 500 đến 1.000 con, 2 trang trại chăn nuôi bò từ 170 con đến hơn 500 con và hơn 500 gia trại tổng hợp trồng trọt kết hợp chăn nuôi lợn rừng, dê, bò... Tất cả đã sẵn sàng nguồn thực phẩm phục vụ tết nguyên đán 2020. Song song với việc khuyến khích các hộ phát triển chăn nuôi có quy mô lớn, phù hợp với điều kiện địa phương, huyện Tân Kỳ chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường kiểm tra, hướng dẫn các hộ chăn nuôi thực hiện tốt vệ sinh môi trường, tận dụng tối đa quỹ đất để trồng cây lương thực, cây cỏ làm thức ăn cho vật nuôi, không sử dụng các chất cấm trong chăn nuôi, vừa giảm chi phí đầu tư sản xuất vừa nâng cao chất lượng thực phẩm. Tăng cường kiểm soát, kiểm dịch vật nuôi vận chuyển ra vào địa bàn nhằm hạn chế dịch bệnh phát sinh và đảm bảo an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng. Nhờ tăng tổng đàn và chú trọng chất lượng thực phẩm nên tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng ước đạt 14.245 tấn, tăng 12,9% so với 2018, bằng 105,5% kế hoạch tỉnh giao.

Trang trại bò của gia đình anh Đàm Văn Trung xã Nghĩa Bình chủ động xuất bán vào dịp tết.

“ Trên địa bàn có rất nhiều các trang trại chăn nuôi tập trung theo hướng hàng hóa và có 3 hợp tác xã được công nhận sản xuất sản phẩm trâu bò đạt tiêu chuẩn VietGAP, về đàn gia cầm có 3 hợp tác xã cũng đã thực hiện chăn nuôi đảm bảo vệ sinh thực phẩm, an toàn sinh học và đây là một trong những lợi thế trong lĩnh vực sản phẩm sạch của huyện Tân Kỳ trong dịp tết nguyên đán này” - ông Nguyễn Công Trung, Trưởng Phòng Nông nghiệp phát triển nông thôn huyện Tân Kỳ trao đổi.

Huyện Tân Kỳ có 12 trang trại chăn nuôi gà mỗi lứa từ 1.000 đến 5000 con, sẵn sàng xuất bán vào dịp tết.

Với tổng đàn hơn 52.900 con trâu bò, 35.000 con dê và 1.788 nghìn con gia cầm, đàn lợn giảm do dịch tả lợn châu phí nhưng vẫn có tới 42.500 con, huyện Tân Kỳ đã và đang chủ động nguồn thực phẩm dồi dào sẵn sàng phục vụ thị trường tết. Dự kiến Tân Kỳ sẽ xuất bán ra thị trường khoảng 7.000 tấn thịt hơi các loại. Để nguồn thực phẩm đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng, thời gian này các ngành chức năng huyện Tân Kỳ tăng cường kiểm tra giám sát các hộ chăn nuôi trong việc chấp hành nghiêm túc các quy định trong sản xuất thực phẩm an toàn, kiểm soát động vật ra vào địa bàn, nhất là thực phẩm thịt lợn nhằm góp phần giúp mọi nhà, mọi người đón tết, vui xuân an toàn, đầm ấm.

 Cẩm Tú

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện