Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Hoa gừng Kỳ Sơn

15:29, 24/09/2020
Gừng Kỳ Sơn là sản phẩm nông nghiệp sạch, đem lại hiệu quả kinh tế cao được bà con đồng bào Mông ở huyện biên giới này đưa vào trồng lâu nay. Không chỉ củ gừng có giá trị, mà hoa gừng cũng được bà con thu hái về chế biến ra nhiều món ăn ngon. 
Gia đình chị Lầu Y Cở hái hoa gừng trên rẫy của gia đình về chế biến món ăn.

Những ngày này, gia đình chị Lầu Y Cở bản Buộc Mú, xã biên giới Na Ngoi huyện Kỳ Sơn, đang tích cực lên rẫy gừng hái hoa gừng về chế biến món ăn và bán ở các chợ phiên trong vùng. Chị Y Cở cho biết: Hoa gừng mọc từ củ, bông to bằng ngón tay cái và có cuống dài khoảng 10-15cm, màu xanh đậm nằm ở dưới tán lá. Mỗi gốc gừng có thể ra từ 8 đến 20 hoa, gốc tốt có thể nhiều hơn.  

Hoa gừng mọc từ củ, bông to bằng ngón tay cái và có cuống dài khoảng 10 đến15cm, màu xanh đậm nằm dưới tán lá.

Để hái hoa gừng, người dân dùng những chiếc dao nhỏ, hoặc kéo cắt để tránh ảnh hưởng đến củ gừng. Một buổi sáng người dân có thể thu được 10 đến 20 kg hoa gừng, với giá bán từ 20 đến 25 ngàn đồng/kg, cho thu nhập từ 250 đến 400 ngàn đồng.

Gừng ra hoa từ tháng 7 đến tháng 10 âm lịch, mỗi gốc có từ 8 đến 20 búp hoa.

“Thời gian này có nhiều người đặt mua hoa gừng lắm, nên ta vừa chăm sóc cây gừng vừa hái hoa về bán cho thương lái kiếm thêm tiền mua sách vở, đồ dùng học tập cho con vào năm học mới" - chị Lầu Y Cở phấn khởi nói. 

Theo chị Lầu Y Cở, trước đây hoa gừng  chủ yếu dùng làm món ăn.Giờ đây, do nhu cầu của thị trường nên chị em người Mông đã hái bán kiếm thêm thu nhập.

Mùi hương của hoa gừng khá đặc biệt và được người dân ở các huyện vùng cao chế biến ra rất nhiều món ăn khác nhau, từ những món ăn dân dã đến các món ăn đắt tiền, như: Hoa gừng xào thịt bò, xào măng, trộn với măng, một số loại rau gia vị (người Thái gọi là món Pắc chúp) …

Với vị thơm cay của gừng lẫn hương thơm của hoa, khiến mùi hương của hoa gừng khá đặc biệt

Hoa gừng là sản phẩm nông sản sạch. Những ngày này tại các chợ phiên hay dọc các tuyến đường ở vùng cao, hoa gừng được bày bán khá nhiều, với giá lẻ từ 5 đến 10 ngàn đồng/mớ.

Với độ cao từ 900 đến trên 2.000 m so với mực nước biển, trong đó có đỉnh núi Phu Xai Lai Leng có độ cao trên 2.200 m, xã biên giới Na Ngoi là địa phương có số diện tích gừng lớn nhất huyện Kỳ Sơn.

Hoa gừng trước đây bà con để chế biến các món ăn, nhưng hiện nay nhờ thương lái thu mua nhiều nên bà con phấn khởi thu hái về bán, giá cũng cao đó" - anh Xồng Bá Lẩu, người dân xã Na Ngoi huyện Kỳ Sơn chia sẻ.

Những gùi hoa gừng được người nông dân gùi về bán cho thương lái 

Ông Mùa Bá Giờ, chủ tịch UBND xã Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn cho biết: “Hoa gừng là loại nông sản rất dễ tiêu thụ trên địa bàn huyện Kỳ Sơn, hiện hoa gừng được bán tại các chợ và nó cũng phù hợp chế biến món ăn".

Tại các chợ phiên, hay dọc các tuyến đường ở vùng cao, hoa gừng được bày bán khá nhiều, với giá lẻ từ 5 đến 10 ngàn đồng/mớ.
Hoa gừng trở thành một mặt hàng nông sản được bán chung với các loại nông sản khác ở các chợ vùng cao.

Với hơn 468 ha gừng, củ và hoa gừng trở thành sản phẩm được tiêu thụ mạnh trên thị trường hiện nay, góp thêm nguồn thu cho người nông dân trồng gừng ở Kỳ Sơn.

 

Lữ Phú

Sự kiện liên quan

    Xem thêm sự kiện

    Xem thêm