Kinh tế

Nghĩa Đàn khôi phục sản xuất sau mưa lũ kéo dài

11:17, 06/10/2022
Để nhanh chóng khắc phục hậu quả sau các đợt mưa lũ vừa qua, ngành Nông nghiệp huyện Nghĩa Đàn đang tập trung hướng dẫn, hỗ trợ người dân phục hồi sản xuất, sớm ổn định cuộc sống.

Những ngày qua, trên địa bàn huyện xã Nghĩa Đức, huyện Nghĩa Đàn có mưa lớn kéo dài, kèm theo lượng nước từ thượng nguồn đổ về đã làm thiệt hại hơn gần 30ha hoa màu, chủ yếu là ngô và sắn và hơn 15ha ao hồ nuôi trồng thủy sản.

Ông Võ Trọng Lương, người dân xóm Xuân Tiến, xã Nghĩa Đức cho biết: “Xóm có hơn 3,5ha ngô, 3ha sắn bị chìm trong nước, khả năng mất trắng 80%, vì ngô đã bị ngâm lâu trong nước, còn sắn ngọn đã vàng và héo".

Một số diện tích Ngô tại xã Nghĩa Đức hiện vẫn ngập sâu trong nước.
Một số diện tích ngô tại xã Nghĩa Đức hiện vẫn ngập sâu trong nước.

Sau khi ngớt mưa, nước bắt đầu rút, xã đi khảo sát và có hướng khắc phục sau mưa lũ; chỉ đạo các xóm tiến hành nạo vét các tuyến kênh mương bị vùi lấp, kênh mương nội đồng; vận động người dân khắc phục diện tích hoa màu bị thiệt hại và vận động nông dân tận thu những diện tích có thể thu hoạch được về phục vụ chăn nuôi; Đồng thời, tập trung gia cố lại các bờ, kè, đặc biệt là các điểm xung yếu. 

Ông Cao Trí Khởi, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Đức cho biết: “Ngay sau khi nước rút, xã đã chỉ đạo lực lượng dân quân, đoàn thể cùng nhân dân vệ sinh đồng ruộng, thống kê, đánh giá mức độ thiệt hại về sản xuất nông nghiệp để báo cáo UBND huyện. Đối với những diện tích sắn, ngô có thể tận thu được sẽ phục vụ cho việc chăn nuôi”.

Diện tích mía tại xã Nghĩa Hưng bị đổ rạp.
Diện tích mía tại xã Nghĩa Hưng bị đổ rạp.

Nghĩa Hưng cũng là địa phương bị ảnh hưởng nặng nề sau ảnh hưởng của cơn bão số 4 vừa qua với diện tích lúa bị ngập khoảng 70 ha, còn lại là cây mía và một số diện tích cây ngô và sắn.

Ông Đinh Thế Hiển, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hưng xã cho biết: "Hầu hết những diện tích bị thiệt hại nằm ven sông, mưa lớn nước ngập cả ngày. Mặc dù chưa đánh giá chính xác mức độ thiệt hại, song qua kiểm tra thấy nhiều diện tích mía, ngô, sắn không có khả năng khôi phục. Hiện tại, xã đã chỉ đạo cán bộ địa chính - nông nghiệp phối hợp với các xóm kiểm đếm, đánh giá diện tích có thể khôi phục để nhanh chóng khắc phục”.

Nhiều diện tích sắn bị vàng ngọn, hỏng củ.
Nhiều diện tích sắn bị vàng ngọn, hỏng củ.

Theo báo cáo của UBND huyện Nghĩa Đàn, ảnh hưởng của cơm bảo số 4 gây ra mưa lớn làm ngập cục bộ một số điểm, ước tính thiệt hại ban đầu trên 3,2 tỷ đồng. Trong đó các hồ đập trên địa bàn đã đầy và có 8 hồ đập bị sạt lở mái, hư hỏng cống, tràn, 35 m kênh mương thủy lợi bị sập; các hồ lớn đã chủ động điều tiết, xã lũ theo quy định.  

Mưa lớn làm hơn 230 ha lúa, 42 ha rau màu thiệt hại từ 50-70%, 477 ha cây công nghiệp thiệt hại từ 30-50%. Mưa lớn cũng làm 10ha cây keo xã Nghĩa Mai bị thiệt hại từ 30-50%.

Nông dân khắc phục những diện tích còn lại sau mưa lũ.
Nông dân khắc phục những diện tích còn lại sau mưa lũ.

Ông Nguyễn Văn Nam, Phó trưởng phòng Nông nghiệp huyện Nghĩa Đàn cho biết: “Phòng nông nghiệp đã tham mưu UBND huyện ban hành các công văn về việc tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ của hoàn lưu cơn bão số 4, chủ động ứng phó mưa lũ trong thời gian tới. Huyện cũng yêu cầu các địa phương nhanh chóng thống kê, kiểm đếm chính xác những diện tích mía, ngô, sắn, rau màu bị thiệt hại để báo cáo huyện có hỗ trợ kịp thời cho nông dân nhanh chóng ổn định sản xuất; Đồng thời, chỉ đạo các địa phương kiểm tra những diện tích nào có thể khôi phục thì chỉ đạo nhân dân nhanh chóng khôi phục”. 

Với sự vào cuộc quyết liệt của ngành nông nghiệp và chính quyền các địa phương, việc khôi phục sản xuất đã và đang được khẩn trương triển khai, góp phần từng bước ổn định đời sống, giảm bớt khó khăn cho người dân ảnh hưởng sau cơn bão số 4./.

Minh Thái

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện