Pháp luật

Vụ rơi trực thăng Bell-505: Đề nghị doanh nghiệp bảo hiểm nhanh chóng bồi thường

21:19, 07/04/2023
Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm đề nghị Bảo hiểm PVI thực hiện các thủ tục giải quyết tạm ứng bồi thường, bồi thường bảo hiểm nhanh chóng, kịp thời, đầy đủ cho người tham gia bảo hiểm theo thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm và quy định pháp luật

Ngày 7-4, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho biết cơ quan này vừa có văn bản gửi doanh nghiệp về việc báo cáo tình hình thiệt hại và bồi thường bảo hiểm trong vụ máy bay trực thăng Bell-505 (số hiệu VN-8650) chở 5 người (1 phi công và 4 hành khách) ngắm cảnh trên Vịnh Hạ Long bị rơi trên biển Hải Phòng - Quảng Ninh.

Theo đó, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm đề nghị Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm Dầu khí Việt Nam (PVI) khẩn trương chủ động phối hợp với các cơ quan có liên quan và tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm bị thiệt hại về người và tài sản do vụ tai nạn máy bay trực thăng gây ra. 

Máy bay trực thăng Bell-505 của Công ty Trực thăng Miền Bắc
Máy bay trực thăng Bell-505 của Công ty Trực thăng Miền Bắc

Liên danh Bảo hiểm PVI - Công ty cổ phần Tập đoàn Bảo Việt - Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Quân đội (MIC) là nhà bảo hiểm cung cấp bảo hiểm cho các máy bay của Tổng công ty Trực thăng Việt Nam (VNH). Bảo hiểm PVI là nhà bảo hiểm gốc đứng đầu trong liên danh bảo hiểm.

Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm đề nghị PVI phối hợp các đơn vị liên quan để đánh giá mức độ thiệt hại, xác định phạm vi bồi thường bảo hiểm và thực hiện các thủ tục giải quyết tạm ứng bồi thường, bồi thường bảo hiểm nhanh chóng, kịp thời, đầy đủ cho người tham gia bảo hiểm theo thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm và quy định pháp luật. Cơ quan thuộc Bộ Tài chính đề nghị doanh nghiệp bảo hiểm có báo cáo về Bộ trước ngày 10-4. 

Mảnh vỡ máy bay trực thăng Bell 505 được lực lượng cứu hộ cứu nạn tìm thấy.

Trong thông cáo phát đi chiều 7-4, PVI cũng cho biết đơn vị này là nhà bảo hiểm gốc đứng đầu trong Liên danh bảo hiểm. Chương trình bảo hiểm bao gồm bảo hiểm thân máy bay, bảo hiểm trách nhiệm pháp lý của hãng đối với hành khách và bên thứ ba, bảo hiểm tai nạn cho phi công.

Với vai trò là nhà bảo hiểm gốc đứng đầu, Bảo hiểm PVI ngay lập tức có mặt tại hiện trường, tích cực phối hợp chặt chẽ với VNH và các cơ quan chức năng để kịp thời giải quyết các vấn đề liên quan đến bảo hiểm theo đúng quy định của hợp đồng bảo hiểm và pháp luật hiện hành.

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện