Những ai sẽ trả giá từ đòn leo thang thuế quan của Trump?
Với tuyên bố mới của Tổng thống Donald Trump về việc tăng thuế đối với 300 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, thì gần như tất cả hàng hóa Trung Quốc sẽ bị đánh thuế. Ông Trump nói rằng Mỹ sẽ thu được hàng tỷ USD tiền thuế từ Trung Quốc cho Bộ Tài chính.
Tuy nhiên, đó không phải là cách thuế quan hoạt động. Chính phủ Trung Quốc và các công ty Trung Quốc sẽ không phải là người nộp thuế một cách trực tiếp. Thuế quan là thuế đánh vào các sản phẩm nhập khẩu và tiền thuế được các công ty nhập khẩu đăng ký tại Mỹ trả cho Hải quan Mỹ khi hàng hóa đến nước Mỹ.
Các nhà nhập khẩu thường chuyển phần chi phí thuế quan bị áp cho người tiêu dùng – gồm nhà suất và người mua ở Mỹ, bằng cách tăng giá. Giới lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ và các nhà kinh tế đều nói rằng người tiêu dùng Mỹ là đối tượng phải chịu nhiều nhất trong hóa đơn thuế.
Đó là lý do vì sao, ngay sau khi Tổng thống Trump tuyên bố quyết định, các nhà bán lẻ Mỹ đã chỉ trích động thái này là “lại tăng thuế đối với các doanh nghiệp và người tiêu dùng Mỹ”, điều mà họ đã cảnh báo là đe dọa việc làm Mỹ và tăng gánh nặng chi phí cho các gia đình Mỹ.
Đòn thuế quan mới sẽ tác động tới một loạt sản phẩm hàng tiêu dùng từ điện thoại di động, máy tính, laptop cho tới đồ chơi và giày dép.
Stephen Lamar, Phó chủ tịch điều hành của Hiệp hội giày dép và hàng may mặc của Mỹ nói rằng, đòn thuế quan mới sẽ đánh vào người tiêu dùng Mỹ còn nặng hơn cả các nhà sản xuất Trung Quốc – đầu mối sản xuất 42% quần áo và 69% dày dép được mua ở Mỹ.
Các nhà đầu tư lo ngại rằng việc tăng giá bán lẻ sẽ tăng thêm gánh nặng cho người tiêu dùng từ đó có thể làm giảm sức mua trong nền kinh tế Mỹ. Bên cạnh đó, sự bất ổn thương mại cũng khiến các doanh nghiệp chùn tay trong chi tiêu vốn.
Tổng thống Trump nói rằng Mỹ sẽ đánh thuế Trung Quốc cho đến khi một thỏa thuận thương mại được đảm bảo. Ông Trump, tự gọi mình là “Người thuế” (Tariff Man), thường nhắc lại rằng Trung Quốc phải chịu tiền thuế mà Mỹ áp đối với hàng hóa của Bắc Kinh. Trong một tuyên bố trên Twitter ngày 5/5, ông Trump nói rằng: “Trong 10 tháng qua, Trung Quốc đang phải trả thuế cho Mỹ”.
Vậy thuế quan thực sự hoạt động thế nào?
Cơ quan hải quan và bảo vệ biên giới (CBP) chịu trách nhiệm thu thuế đánh vào hàng nhập khẩu. Về nguyên tắc, Cơ quan này sẽ yêu cầu các nhà nhập khẩu phải nộp thuế trong vòng 10 ngày sau khi hàng rời khỏi hải quan.
Theo dữ liệu của Bộ Tài chính Mỹ, tổng doanh thu thuế trong nửa đầu năm 2019 tăng 73% lên 33,9 tỷ USD.
Các nhà xuất khẩu Trung Quốc có chịu chi phí thuế quan của Mỹ?
Các nhà cung cấp Trung Quốc có gánh vác một phần chi phí thuế quan của Mỹ theo các cách gián tiếp. Đôi khi, họ có thể đưa ra những khoản chiết khấu cho các nhà nhập khẩu ở Mỹ để giúp xoa dịu phần nào chi phí thuế quan bị tăng để duy trì hợp đồng và giữ thị phần.
Các công ty Trung Quốc cũng sẽ mất dần các mất mối làm ăn khi các nhà nhập khẩu ở Mỹ đang tìm kiếm các nguồn hàng tương tự nhưng rẻ hơn và không bị đánh thuế ở ngoài Trung Quốc.
Ông Trump và các thành viên hàng đầu trong chính phủ Mỹ đã nói rằng các đòn thuế quan đang khiến các công ty rút hoạt động sản xuất khỏi Trung Quốc và tìm cách chuyển sang những nước không phải chịu đòn thuế quan của Mỹ.
Trong khi đó, các nhà nhập khẩu có trụ sở tại Mỹ, đang phải xoay sở gánh nặng thuế cao hơn theo những cách có thể tác động đến chính các công ty và người tiêu dùng Mỹ nhiều hơn là Trung Quốc.
Những chiến lược của họ bao gồm việc chấp nhận lợi nhuận thấp hơn, cắt giảm chi phí – trong đó có cả lương và việc làm của các công nhân Mỹ, trì hoãn việc tăng lương nếu có thể, thậm chí chuyển phần chi phí thuế vào giá cả khiến người tiêu dùng phải chịu mức giá cao hơn.
Hầu hết các nhà nhập khẩu đều kết hợp các chiến thuật kể trên để dàn đều phần chi phí bị tăng thêm cho các nhà cung cấp và người mua hàng.
Người tiêu dùng Mỹ phải chịu giá cao hơn
Việc tăng thuế đối với hàng Trung Quốc đã làm tăng chi phí sản xuất của Caterpillar Inc thêm 70 tỷ USD trong quý vừa qua. Công ty này dự kiến phải trả 250-350 triệu USD triệu tiền thuế trong năm nay. Để đối phó với chi phí sản xuất tăng cao hơn, nhà sản xuất thiết bị nặng này đã phải tăng giá bán.
Walmart Inc, nhà bán lẻ lớn nhất thế giới và chuỗi cửa hàng của Macy Inc đều đã cảnh báo sẽ tăng giá do phải chịu thuế tăng đối với hàng hóa từ Trung Quốc.
Một báo cáo của cơ quan nghiên cứu quốc hội hồi tháng 2/2019 đã chỉ ra rằng, thuế quan mà Mỹ áp đối với nhập khẩu máy giặt toàn cầu đã đẩy giá mặt hàng này ở Mỹ tăng thêm 12% so với tháng 1/2018, thời điểm trước khi các biện pháp thuế quan có hiệu lực.
Theo một nghiên cứu của Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, thuế nhập khẩu thép và nhôm cũng làm giá bán các sản phẩm thép tăng 9% trong năm 2018.
Các công ty và người tiêu dùng Mỹ đã phải trả 3 tỷ USD/tháng trong phần thuế bổ sung đối với hàng hóa Trung Quốc, theo nghiên cứu của Ngân hàng dự trữ liên bang New York, Đại học Princeton và Đại học Columbia./.
Theo VOV
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin