Thế giới

Triều Tiên bất ngờ thử tên lửa đạn đạo: An ninh khu vực bị đe dọa

07:35, 26/03/2022
Việc Triều Tiên bất ngờ phóng tên lửa đạn đạo tạo thêm rủi ro an ninh quy mô lớn nữa buộc Mỹ phải quan tâm giữa lúc nước này đang bận rộn với khủng hoảng ở Ukraine.

Hôm 25-3, hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) cho biết lãnh đạo Kim Jong-un đã ra lệnh và trực tiếp chỉ đạo vụ phóng thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) Hwasong-17 một ngày trước đó.

Theo hãng tin Reuters, lần cuối cùng Triều Tiên thực hiện một vụ thử nghiệm ICBM đầy đủ là vào tháng 11-2017. Thời điểm đó, Bình Nhưỡng cho biết đã phóng thành công một loại ICBM mới, gọi là Hwasong-15, có thể vươn tới toàn bộ lãnh thổ Mỹ. Tên lửa đó đã bay trong 53 phút trước khi đánh trúng mục tiêu.

Phản ứng rắn từ Mỹ, Hàn, Nhật

Vụ phóng ICBM lần này là cuộc thử nghiệm vũ khí thứ 13 của Triều Tiên kể từ đầu năm nay, trong đó có hai vụ được truyền thông nước này khẳng định là thử “vệ tinh trinh sát”. Đây là tần suất thử nghiệm vũ khí chưa từng có khiến Mỹ cùng Hàn Quốc và Nhật liên tục phát đi các tín hiệu lo ngại.

Hãng tin AFP cho biết sau khi Triều Tiên phóng tên lửa, Bộ Ngoại giao Mỹ lập tức công bố các biện pháp trừng phạt mới đối với các tổ chức và cá nhân tại Nga và Triều Tiên với cáo buộc “chuyển giao các mặt hàng nhạy cảm cho chương trình tên lửa của Bình Nhưỡng”.

Sự xuất hiện vũ khí chiến lược mới sẽ khiến cả thế giới một lần nữa nhận thức rõ ràng “sức mạnh các lực lượng vũ trang chiến lược” của Triều Tiên, KCNA dẫn lời ông Kim Jong-un.

Danh sách trừng phạt gồm Công ty Ardis Group LLC (Ardis Group) và Công ty PFK Profpodshipnik LLC của Nga, Viện Khoa học tự nhiên thứ hai (SANS) - cơ quan giám sát chương trình tên lửa của Triều Tiên. Bộ này cho biết công dân Nga Igor Aleksandrovich Michurin - giám đốc của Ardis Group LLC và công dân Triều Tiên Ri Sung-chol cũng bị trừng phạt.

“Các biện pháp này là một phần trong nỗ lực không ngừng của chúng tôi nhằm cản trở khả năng thúc đẩy chương trình tên lửa của Triều Tiên và nêu bật vai trò tiêu cực của Nga trên trường thế giới với tư cách là bên phổ biến cho các chương trình đáng lo ngại ở đây” - phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price khẳng định.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cũng lên tiếng cáo buộc vụ phóng mới nhất đã vi phạm cam kết của Triều Tiên về ngừng các vụ phóng ICBM, đồng thời vi phạm các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc. Theo nhà lãnh đạo Hàn Quốc, vụ phóng đã đặt ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với bán đảo Triều Tiên, khu vực và cộng đồng quốc tế.

Triều Tiên đã phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Hwasong-17 hôm 24-3. Ảnh: KCNA
Triều Tiên đã phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Hwasong-17 hôm 24-3. Ảnh: KCNA

Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc ra tuyên bố chỉ trích vụ phóng này và cho tiến hành phóng thử nhiều tên lửa đạn đạo và các tên lửa chiến thuật để đáp trả vụ phóng ICBM của Triều Tiên. Theo quân đội Hàn Quốc, các tên lửa được bắn từ mặt đất, trên biển và trên không.

Thủ tướng Nhật Kishida Fumio chỉ trích mạnh vụ phóng mới nhất của Triều Tiên và gọi đây là hành động “không thể chấp nhận được” của Bình Nhưỡng. Ông Kishida khẳng định cần sự phối hợp của thành viên Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) để đối phó với các vụ phóng liên tiếp của Triều Tiên, vốn đang vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

Thông điệp của Triều Tiên

Trong bối cảnh các hoạt động ngoại giao được tăng cường mạnh vào năm 2018, ông Kim cho dừng thử ICBM và vũ khí hạt nhân nhưng cũng tỏ ý rằng Triều Tiên có thể khôi phục thử nghiệm các loại tên lửa tối tân như vậy một khi các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa bị đình trệ.

Lệnh tạm hoãn thử tên lửa và vũ khí hạt nhân của Triều Tiên thời điểm đó thường được coi là thành công của tổng thống Mỹ lúc đó là ông Donald Trump. Ông Trump đã có ba hội nghị thượng đỉnh lịch sử với ông Kim vào năm 2018, 2019 nhưng chưa ký được một hiệp ước cụ thể nhằm hạn chế kho vũ khí hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên.

Đến vụ phóng thử ICBM Hwasong-17 hôm 24-3, giới chuyên gia cho rằng đây là cách để Bình Nhưỡng thăm dò giới hạn của Washington bằng cách leo thang căng thẳng theo từng nấc. Kể từ tháng 1, Triều Tiên đã tiến hành nhiều vụ thử tên lửa tầm ngắn nhằm tự nâng mình lên trong danh sách ưu tiên đối ngoại của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden, vốn đang phải tập trung vào ứng phó với đại dịch COVID-19 và xung đột ở Ukraine.

Chương trình vũ khí của Triều Tiên lâu nay vẫn luôn là vấn đề hóc búa đối với bốn đời tổng thống Mỹ trước đây. Mỗi lãnh đạo Mỹ áp dụng các biện pháp khác nhau, cả trừng phạt lẫn khuyến khích song không thuyết phục được Bình Nhưỡng từ bỏ tham vọng hạt nhân.

Vụ thử mới nhất cho thấy bất chấp các lệnh trừng phạt đã làm tê liệt nền kinh tế, ông Kim vẫn kiên quyết sử dụng tên lửa đạn đạo làm đòn bẩy răn đe, thương lượng hoặc cả hai, theo tờ The New York Times.

Trước thái độ sẵn sàng đối đầu của Triều Tiên, Tổng thống Biden giờ đây có thể phải đưa ra quyết định khó khăn: Cứng rắn và đối diện với nguy cơ rằng Bình Nhưỡng sẽ đẩy bán đảo Triều Tiên đến bờ vực chiến tranh, hoặc đối thoại với ông Kim và chấp nhận thực tế rằng các cuộc đàm phán nhiều khả năng sẽ đạt được kết quả không như mong muốn. •

Sức mạnh tên lửa Hwasong-17 của Triều Tiên

Theo chuyên trang về tình hình Triều Tiên 38 North, các nhà phân tích nhận định rằng Hwasong-17 hiện là ICBM nhiên liệu lỏng, cơ động trên bộ lớn nhất thế giới. Hwasong-17 có đường kính vào khoảng 2,4-2,5 m và tổng trọng lượng khi được tiếp đầy nhiên liệu là 80.000-110.000 kg.

Triều Tiên lần đầu hé lộ về Hwasong-17 tại một cuộc diễu binh vào tháng 10-2020. Lần thứ hai Hwasong-17 ra mắt là tại một triển lãm quốc phòng ở Bình Nhưỡng vào tháng 10-2021. Kích thước của Hwasong-17 khiến các nhà phân tích nghi ngờ rằng tên lửa này được thiết kế để mang nhiều đầu đạn.

Thông tin từ Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc cho biết ICBM Hwasong-17 của Triều Tiên trong vụ phóng mới nhất đạt độ cao tối đa 6.200 km và tầm bay 1.080 km, trong khi giới chức Nhật nhận định quả đạn đạt độ cao tối đa 6.000 km, bay xa 1.100 km và rơi xuống biển sau hành trình dài 71 phút.

Các thông số này đều vượt trội so với tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) Hwasong-15 được Triều Tiên phóng thử năm 2017, biến Hwasong-17 thành mẫu tên lửa có tầm bắn xa nhất của Bình Nhưỡng từ trước tới nay. Trong vụ thử năm năm trước, tên lửa Hwasong-15 chỉ đạt độ cao 4.500 km và tầm bay 998 km.

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện