Thế giới

G7, EU tăng cường trừng phạt Nga sau lệnh huy động quân dự bị

16:37, 22/09/2022
Các bộ trưởng ngoại giao của nhóm G7 tuyên bố sẽ thúc đẩy các biện pháp trừng phạt nặng nề hơn nữa nhằm vào Nga sau quyết định huy động lực lượng quân dự bị của Tổng thống Vladimir Putin.

Trong một tuyên bố, các ngoại trưởng nhóm G7 cho biết họ “lấy làm tiếc về các bước leo thang có chủ ý của Nga, bao gồm việc huy động một phần lực lượng quân dự bị và những tuyên bố thiếu trách nhiệm liên quan đến hạt nhân”.

Để đáp trả, G7 sẽ “thúc đẩy các biện pháp trừng phạt và cam kết duy trì sức ép kinh tế, chính trị đối với Nga”.

Cùng lúc đó, quan chức phụ trách chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) – Josep Borrell cho biết khối này sẽ nghiên cứu và áp dụng các biện pháp hạn chế mới nhằm vào các cá nhân và thực thể Nga.

Các bộ trưởng G7 và quan chức EU cũng chỉ trích kế hoạch tổ chức trưng cầu dân ý về việc sáp nhập Nga ở những vùng lãnh thổ ly khai thuộc Ukraine. Họ nói thêm rằng cuộc bỏ phiếu sẽ “không thể đảm bảo tự do, công bằng” trong khi lực lượng Nga hiện diện tại khu vực này.

Các bộ trưởng lặp lại cam kết được đưa ra vào đầu tháng 9 để "hoàn thành các bước chuẩn bị cuối cùng" cho việc áp giới hạn giá đối với dầu của Nga. Họ cũng kêu gọi Nga "trao lại quyền kiểm soát" nhà máy điện hạt nhân Zaporozhye ở Ukraine cho Kiev.

Cùng ngày, một nguồn tin EU tiết lộ với Sputnik rằng khối này sẽ bổ sung nhiều cái tên mới vào gói trừng phạt thứ 8 tới.

“EU chắc chắn sẽ đẩy nhanh việc công bố gói trừng phạt thứ 8. Đã có những cuộc thảo luận chuyên sâu về nó vào tháng trước. Trong danh sách sẽ bao gồm một số cái tên mới. Ngoài ra, các bộ trưởng của EU nhiều khả năng sẽ thảo luận về khả năng loại bỏ quyền phủ quyết của các nước thành viên khi nói đến các gói trừng phạt chống lại Nga để các gói này có thể được thông qua nhanh hơn", nguồn tin cho biết.

Theo nguồn tin, gói mới sẽ bao gồm một số biện pháp liên quan đến việc áp giới hạn giá dầu mà các nước G7 đã thống nhất. EU muốn áp dụng những biện pháp này càng sớm càng tốt, nhưng vấp phải sự phản đối của một số nước thành viên bao gồm cả Hungary – quốc gia phụ thuộc vào năng lượng Nga.

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện